Phụ nữ xưa hành xử như thế nào khi biết chồng có ý định nạp thiếp?
Thời xưa, tuy nói rằng đàn ông “tam thê tứ thiếp”, thế nhưng, đâu có người vợ nào lại chấp nhận để chồng mình có thêm những người phụ nữ khác, nên tất nhiên sẽ nghĩ biện pháp khiến cho người chồng bỏ đi ý niệm nạp thiếp này.
Trong “Quốc nhã phẩm” của triều Minh có một đoạn thi thoại mang tên “Vợ Trần Thiểu Khanh” như sau: Tương truyền rằng, Trần Thiểu Khanh muốn ruồng bỏ vợ mà lấy thêm tiểu thiếp, người vợ bi phẫn mà làm một bài thơ gửi chồng:
Người mới dung mạo tựa như hoa
Có bằng người cũ đêm ngày đan áo sợi?
Dệt vải giúp chàng thêm áo ấm
Hoa nở trước mắt, rồi hoa héo tàn.
Những câu thơ mang chút trách móc nhẹ nhàng cũng có tác dụng nhất định đến tư tưởng người chồng, khiến họ cảm thấy khó xử mà suy nghĩ lại.
Trong cuốn “Tùy viên thi thoại” có một câu chuyện như sau: Vương Mạnh có một người bạn, khi sống tại Bắc Kinh đã vụng trộm với một người phụ nữ, hai người quấn quýt không rời, ngày đêm vui thú.
Vợ của người bạn kia đương nhiên cảm thấy khó chịu, liền tìm tới Vương Mạnh nhờ đi khuyên giải người chồng. Vương Mạnh liền mạo danh cô vợ viết một bức thư gửi cho người bạn. Bài thơ như sau (tạm dịch):
Sắc hoa mới nở lấn hoa nồng,
Để lòng vô tâm mong ly biệt
Ai hỡi biết chăng đêm Tần Hoài?
Có người mòn mỏi ngóng ngày về.
Không ai ngờ rằng, từ đó trở đi, mỗi lần đôi tình nhân ăn chơi vui thú, người chồng đều cảm thấy hối hận, day dứt không yên.
Lúc hôn nhân xuất hiện nguy cơ đổ vỡ, cho dù người phụ nữ có là quốc sắc thiên hương cũng cần nghĩ biện pháp làm lay động tâm ý người chồng
Tài tử Giang Nam triều đại nhà Nguyên là Triệu Mạnh Phủ, có thể nói là bậc toàn tài, thơ văn thư họa gì cũng đều thông thạo, chữ Khải thư của ông được xưng là “Triệu thể”, mang nét riêng của nhà họ Triệu, có ảnh hưởng rất lớn đối với thư pháp nhà Minh, Thanh.
Vợ của ông ta tên là Quản Đạo Thăng, cũng là một tài nữ, giỏi vẽ tranh trên thân cây trúc, lưu truyền “mặc trúc phổ” cho hậu thế, đối với hậu nhân họa thân trúc đều có lợi ích.
Xã hội thời đó, những danh sĩ nạp thiếp là chuyện thường tình, Triệu Mạnh Phủ cũng không chịu cô đơn, đã nghĩ đến việc nạp thiếp. Khi đó, Triệu Mạnh Phủ dù tuổi đã gần 50 nhưng lại ái mộ những thiếu nữ xinh đẹp, chỉ là ông ngại nói rõ với vợ.
Nhưng văn nhân có phương pháp giải quyết vấn đề của văn nhân, ông ta đã viết một lá thư cho vợ:
“Ta là học sĩ, nàng là phu nhân, sao không biết chuyện Vương học sĩ có Đào Diệp, Đào Căn; Tô học sĩ có Triêu Vân, Mộ Vân. Ta nay muốn kiếm vài Ngô cơ Việt nữ có gì là quá đáng. Nàng niên kỷ đã quá tứ tuần, chỉ nên yên phận quản việc chính phòng là được”.
Trong thư nhắc đến Vương học sĩ tức Vương An Thạch, có hai người thiếp là Đào Diệp, Đào Căn. Tô học sĩ tức Tô Thức, cũng có hai người thiếp là Triêu Vân, Mộ Vân. Ý muốn nói rằng, bản thân dù có lấy thêm thiếp thì cũng không có gì quá đáng.
Sau khi Quản thị đọc xong, cũng tiện tay viết một bài thơ gửi chồng, trong đó ẩn chứa nỗi lòng của mình.
“Chàng đấy, thiếp đây thật đậm đà
Nhiều khi tình thắm nồng như lửa
Lấy một nắm bùn, nặn thành chàng, thành thiếp
Rồi đập vỡ cả hai, lại dùng nước hòa tan
Lại nặn thành hình chàng, đắp thành dáng thiếp
Trong thiếp có chàng, trong chàng có thiếp
Sống đắp chung mền, chết thì liệm chung quách”.
Triệu Mạnh Phủ sau khi đọc xong những lời này, lập tức vứt bỏ ý định muốn nạp thiếp.
Đoạn đối thoại này được lưu truyền lại về sau, như một giai thoại đẹp về tình yêu. Mọi người về sau cũng dùng tượng đất để ví von giữa vợ chồng với nhau không thể chia lìa.
Tuệ Tâm, theo Secretchina