Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar

15/07/19, 15:31 Cuộc sống

Trong 1 năm gần đây, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa điều hành công ty từ xa bởi anh đang tu tập ở Myanmar từ năm 2017 và chỉ đi về trong nửa đầu năm 2018. Thế nhưng, những công trình do công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế vẫn đều đặn được vinh danh ở những giải thưởng kiến trúc quốc tế lớn.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 1

Cuộc phỏng vấn giữa báo Trí thức trẻ và kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa được thực hiện qua điện thoại khi anh đang ở trường thiền Pa Auk – cao nguyên Pyin OO Lwin, cách Mandalay 1,5 tiếng về phía núi cao, ở vị trí 1.200m so với mực nước biển.

Võ Trọng Nghĩa vẫn nói chuyện say sưa về kiến trúc xanh – điều mà anh tâm huyết thực hiện nhiều năm qua, nhưng dành nhiều thời gian để chia sẻ về thiền tập và giữ giới ở công ty của mình. Cho tới khi hoàn tất câu trả lời cuối cùng, vị kiến trúc sư nổi tiếng nhất Việt Nam với nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá của thế giới còn nhắn nhủ: “Việc áp dụng giữ giới vào trong văn hóa của một quốc gia là một chuyện rất tuyệt vời. Giữ giới là một việc rất khó đòi hỏi lòng dũng cảm nhưng càng nhiều người giữ giới thì quốc gia càng thịnh vượng và bền vững.

Anh có hình dung là anh sẽ rất là vui nếu có một người bạn giữ giới không? Họ nói cái gì cũng nói thật, trung thực tuyệt đối… Và anh cũng sẽ rất là vui nếu anh có vợ, người yêu, đồng nghiệp của mình là giữ giới. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu trở thành những người giữ giới nhỉ?”

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 2

Thời gian gần đây, người ta nói rất nhiều đến kiến trúc xanh nhưng hay hiểu là một công trình với nhiều cây xanh. Trong khi đó, một công trình của công ty Võ Trọng Nghĩa – công trình “Nhũ tre” vừa đoạt giải “Green Good Design Awards 2019” lại không có cây xanh nào. Yếu tố xanh nên được hiểu như thế nào?

Thứ nhất kiến trúc xanh không phải là kiến trúc thuần tuý về cây xanh. Cây xanh mà mình hay nói là làm xanh hoá thành phố bằng cây xanh, không phải kiến trúc xanh là cây xanh. Kiến trúc xanh được hiểu ở khía cạnh năng lượng tạo ra vận hành, và thiêu huỷ công trình đó.

Kẹt một nỗi là chi phí để làm chứng chỉ kiến trúc xanh như là LEED của Mỹ chẳng hạn thì rất đắt đỏ và mất thời gian, và cần tư vấn để làm hồ sơ. Đó là một cái bẫy mà con người tạo ra: để tạo ra được một công trình kiến trúc xanh phải mất từng này tiền rồi lại phả mất chi phí từng này làm hồ sơ, từng này thời gian. Vì thế, việc làm chứng chỉ xanh trở thành một vấn đề có thể gọi là thêm việc mà không giải quyết vấn đề gì.

Xanh có nghĩa là thân thiện với môi trường chứ không có nghĩa là chỉ trồng cây mới thân thiện với môi trường. Rõ ràng, nếu một công trình nhiều cây xanh thì cũng mát mẻ hơn và làm kiến trúc xanh thì cây xanh là một yếu tố rất quan trọng; nhưng kiến trúc có cây xanh là xanh thì không phải.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 3

Trong số các dự án mà công ty của anh thiết kế, kiến trúc xanh nào mà anh yêu thích nhất?

Ví dụ như nhà trẻ ở Đồng Nai chẳng hạn. Chi phí vận hành nó rất tiêt kiệm về năng lượng, có rau sạch, tái sử dụng nguồn nước ở nhà máy để tưới cây rau. Những nhà dân mà bên mình thiết kế đều ít khi sử dụng máy điều hoà…

Rồi một công trình gần đây bên mình thiết kế là ở Cúc Phương, cách Hà Nội có mấy chục km thôi (dự án Silver Cloud Resort). Dự án có một công trình tre 1.000m², rất lớn, rồi hệ thống condotel với rừng cây thẳng đứng…

Mình đã thuyết phục được chủ đầu tư trồng rất nhiều cây hoa cổ thụ, loại thân gỗ to ấy, ở khắp mọi nơi (hoa ban, hoa phượng, hoa tường vi, hoa lộc vừng…) để tạo ra một rừng hoa độc đáo ở chỗ đó. Họ làm tuyệt vời luôn.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 4

Mình nghĩ những tư tưởng như vậy cần được nhân rộng, bởi nó ban đầu là một vùng đất hoang, họ đào một cái hồ lớn, rồi trồng gần 10.000 cây hoa cổ thụ khiến mỗi mái nhà trở thành một vườn hoa, và bản thân tòa nhà trở thành những rừng cây thẳng đứng.

Vài bữa nữa là chỗ đó trở thành một nơi đẹp kinh điển luôn, anh không tưởng tượng được đâu nếu không đến đó tận nơi. Sự phát triển của các dự án mới như thế vừa bảo tồn, vừa phát triển văn hóa, vừa gần gũi với thiên nhiên.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 5

Về khía cạnh năng lượng, việc xây dựng và vận hành một kiến trúc xanh ở Việt Nam có gì thuận lợi?

Việt Nam là một đất nước với nhiều nắng và gió; đó là điều kiện tuyệt vời cho việc phát triển năng lượng xanh. Hiện tại, một chuyện cực kỳ tiến bộ đã diễn ra là Nhà nước cho phép người dân bán điện năng lượng mặt trời vào mạng quốc gia thông qua đồng hồ 2 chiều.

Như vậy là khi các hộ dân sản xuất điện mặt trời không dùng hết có thể bán vào mạng lưới điện quốc gia cho Nhà nước, khi thiếu thì lại dùng và bù trừ vào cuối tháng. Cái này cực kỳ văn minh và là sự tiến bộ rất lớn, giúp cho các kiến trúc sư vận hành công trình xanh.

Những thiết kế kiến trúc xanh của anh Nghĩa qua mỗi một năm thay đổi như thế nào so với trước đây?

Mình luôn muốn công trình sẽ tồn tại hàng trăm năm, nên thiết kế luôn hướng tới việc công trình sẽ bền hàng trăm năm. Cái đó là ảnh hưởng từ chuyện thiền. Khi mình đã quán được các kiếp, thấy được sự sinh diệt của vật chất, và thậm chí là của mọi thứ thì ít nhất là trong lúc mình đang sống thì công trình của mình cũng phải còn tồn tại.

Hơn nữa, lớp lang của một đô thị cần những công trình tồn tại bền vững lâu dài, chứ cái nào cũng làm tí bê tông mỏng mỏng thì không được, làm ra chỉ vài chục năm là hỏng.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 6

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 7

Nếu bỏ qua việc cần phải có chứng chỉ kiến trúc xanh như LEED ở Mỹ, việc xây dựng một công trình xanh tại Việt Nam có còn đắt đỏ hay không?

Người ta cứ nghĩ kiến trúc xanh là phải đắt nhưng không phải. Nó có thể bị coi là đắt về thiết kế (cười) vì thiết kế một tác phẩm cần phải đầu tư mà ở Việt Nam mình vẫn đầu tư quá ít chất xám cho cái này. Thế nhưng, nếu nhìn ra thấy thế giới thì sẽ thấy khác và đơn giản là điện thoại hay ô tô thì thiết kế rất quan trọng.

Mình nghĩ là cũng giống như quy hoạch một đô thị, kiểu gì cũng phải đầu tư nhiều vào phần đó, còn phần xây dựng thì có thể đơn giản hơn. Như việc làm văn phòng mới của Công ty Võ Trọng Nghĩa – một kiến trúc xanh, chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2. đổ bê tông đặc từ dưới lên trên và gần như không xây. Văn phòng mới của mình ở TP.HCM đã sẵn sàng cho độ bền hàng trăm năm, với hệ thống cây xanh, rau sạch phủ kín mặt tiền…

Nhiều người cứ nghĩ kiến trúc xanh là cái gì ghê gớm. Không đúng đâu. Nhưng có một việc cần lưu ý, bản chất là đừng có cố gượng ép. Làm công trình mất đi tính bền vững tự nhiên theo nghĩa đen là vứt.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 8

Đang vận hành công ty với rất nhiều công việc, tại sao anh lại sang Myanmar để tu tập?

Việc mình làm ngoài đời thấy cũng được, nhưng đau khổ thường trực của một con người nói chung là không tránh khỏi. Bản chất là không tránh khỏi sự sinh ra, già đi, đau yếu và chết. Mình vẫn thường nghĩ về cái chết nhiều và một điều chắc chắn là chúng ta đều phải đối mặt với cái chết.

Những kiến trúc sư vĩ đại nhất rồi cũng phải chết và rất nhiều người đã chết, mình cũng sẽ chết. Vì thế, mình muốn tìm hiểu trước cái chết là gì và trước khi mình sinh ra là cái gì, mình sinh ra là cái gì, và sau khi mình chết đi thì mình sẽ là cái gì. Trong giáo lý phật giáo, mình có thể học được cái đó thông qua thiền tập.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 9

Nhưng sao lại phải sang Myanmar mà không phải học ở Việt Nam để thuận tiện hơn cho công việc và gia đình?

Anh luôn có câu hỏi khó chịu đấy (cười lớn). Thực ra, phải tìm được môi trường phù hợp, một người thầy phù hợp với mình, có thể nói là hợp duyên thì mình sẽ tu tập tốt hơn vì cái này đòi hỏi việc giữ giới.

5 giới cơ bản là không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh và không uống bia rượu, hút thuốc lá. Phải giữ giới rất nghiêm ngặt thì mới phát triển được định, mà phải phát triển được định rất thâm sâu thì mới nhìn được các kiếp; nhìn thấy bản thân mình và vũ trụ là các hạt li ti, mới quán được giáo lý của đức phật là vô thường khổ vô ngã…

Khi phát triển được định rồi mới đến phát triển được các tuệ thâm sâu, mà trong đó cái tuệ thứ hai là tuệ về nhân duyên hay quán các kiếp quá khứ, các kiếp tương lai.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 10

Việc tu tập ở Myanmar từ năm 2017 có ảnh hưởng đến việc vận hành công ty Võ Trọng Nghĩa ở Việt Nam ra sao?

Việc thiền tập là tuyệt vời đấy. Khi mình áp dụng việc giữ giới trong công ty, công ty tự khắc trở thành một bộ máy rất đáng tin cậy bởi đó là những con người giữ giới. Nếu tất cả mọi người đều giữ giới thì vận hành công ty rất dễ dàng.

Ai cũng muốn tạo ra thương hiệu cả nhưng thương hiệu đầu tiên là lòng tin, đúng không? Vậy người không nói dối, không trộm cắp…. là người đáng tin nhất. Đây là một bí quyết khá đơn giản mà đến bây giờ mình mới nhận ra.

Anh điều hành công ty từ Myanmar như thế nào?

Mình sang Myanmar từ năm 2017 và nửa đầu năm 2018 thì đi đi về về nhưng từ khoảng tháng 7/2018 đến bây giờ thì gần như ở đây. Còn điều hành thì bí quyết là ở công ty mọi người đều giữ giới thôi và thiền mỗi ngày 2 tiếng, sáng 1 tiếng chiều 1 tiếng.

Khi giới và tâm thanh tịnh thì mọi người nghĩ và làm các ý tưởng rất nhanh. Chính sự yên ổn và bình an đó cũng chia sẻ qua cho chủ đầu tư để họ có thể làm các dự án rất tốt, thậm chí là tốt hơn khi mình ở nhà. Thực tế là giờ mình chỉ cần trao đổi công việc qua điện thoại, mọi người có thể tự làm hầu hết các công việc.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 11

Các khách hàng quen thuộc cảm thấy ra sao khi Võ Trọng Nghĩa ít khi làm việc trực tiếp với họ?

Cũng có chút khó khăn nảy sinh khi mình không làm việc trực tiếp với khách hàng nhiều như trước. Thế nhưng kết quả công việc thì vẫn rất tốt nên họ vẫn đưa hết công trình này đến công trình khác cho bên mình làm.

Thỉnh thoảng, nếu cần ý tưởng, họ qua đây mấy ngày là được nhưng rất ít thôi. Thực tế thì họ nhìn các công trình của mình gần đây là biết mà. Những dự án mà ở nhà vẫn thực hiện tốt thì mình cứ ở đây thiền thôi. Việc của mình là thiền.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 12

Việc người sáng lập công ty lại thiền tập ở Myanmar thì làm sao công ty có khả năng phát triển lớn mạnh nhanh như trước được?

Bản thân mình lại suy nghĩ theo một hướng khác. Công ty lớn mạnh đến đâu không quá quan trọng, mà việc lớn mạnh phải đi kèm với mọi người có giữ giới, hành thiền hay không.

Bởi vì nếu anh hiểu được các kiếp quá khứ và tương lai, hiểu về các cõi giới mà tự mình chứng nghiệm, nhìn thấy được các điều ấy thì việc kiếm tiền trên cơ sở bất thiền nghiệp thậm chí thà không làm gì còn hay hơn.

Giàu có mà dựa trên cơ sở phá 5 giới đó thì càng nguy hiểm, nên cứ từ từ không có gì phải vội cả. Việc công ty có khả năng phát triển hay không cũng là tại mình muốn. Nhưng mình muốn từ từ và mong mỗi nhân viên ở trong công ty là một nhân tố giữ giới trong xã hội.

Qua đây cho mình cũng muốn nhắn nhủ là nếu một công ty, một xã hội hay một đất nước mà có nhiều người giữ giới thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững và lâu dài. Chắc chắn!

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 13

Nghĩa là trước khi đến với thiền, anh muốn làm nhiều công trình nổi tiếng nhưng đến giờ thì mục tiêu không còn là những công trình vĩ đại mà là những người giữ giới làm kiến trúc?

Những người giữ giới, thiền tập tốt và đi trên con đường đạo quả thì sẽ tốt hơn. Chính những người đó sẽ tạo ra những công trình tốt.

Khách hàng của anh có cảm thấy khó khăn khi làm việc với một công ty quá quan tâm đến thiền tập như Võ Trọng Nghĩa hay không?

Họ có khó khăn. Ví dụ như là mời ăn nhậu thì không được vì phạm vào giới thứ 5 là không uống bia, rượu, thuốc lá. Còn ngoài ra, nói chung làm việc với những người giữ giới thì họ rất thích. Vì họ đáng tin và ai cũng muốn tìm những đối tác đáng tin.

Việc thiền tập và giữ giới nghĩ qua tưởng là thiệt thòi nhưng nghĩ lại thì nó thuận lợi vô cùng, nếu muốn công ty lớn bao nhiêu là cũng lớn được đấy.

Nhưng cái này là cái khó: tuyển người giữ giới khó lắm (cười), chứ công việc thì giờ không thiếu (cười).

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 14

Trước đây, anh có mục tiêu là mở các văn phòng kiến trúc ở các nước khác. Hiện giờ mục tiêu đó ra sao?

Mở nhiều chắc là không nên vì nó ảnh hưởng đến việc thiền tập của mình thì không tốt lắm. Bây giờ, tìm hiểu càng nhiều càng tốt 16 tuệ của Đức phật mới là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời mình. Công ty chỉ cần to vừa vừa thì tốt hơn.

Nếu nói một cách ngắn gọn, anh thấy thiền đem lại cho mình điều gì?

Hạnh phúc thực sự, an lạc thực sự, còn những cái khác là giả tạm. Ví dụ như bây giờ mình không dùng iPhone nữa mà dùng điện thoại cục gạch có 300.000 đồng một cái ấy.

Giờ mình ở bên này cũng không có vật chất gì nhiều. Ở đây, mình sống dựa trên sự bố thí, ở nhà người ta cho ở và ăn là đồ ăn xin nên thành ra không có cái gì để tự hào mấy (cười).

Bây giờ thú vui của anh là gì?

Đó là tìm hiểu các tuệ của Đức phật qua học và thực chứng bằng thiền tập, ngoài ra không có mong muốn gì khác. Ở đây, mình trồng cây, trồng hàng chục nghìn cây cho trường thiền. Mình mê cây từ trong máu, mê lắm, chỗ nào cũng trồng hết. Năm nay mùa mưa mà mình đã trồng đạt đến gần 20.000 cây rồi.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 15

Anh Nghĩa dự kiến tu tập ở Myanmar đến bao giờ?

Có một cái may mắn là mình không có kế hoạch gì cho tương lai, bây giờ mình chỉ muốn tu tập xong và có thể hết năm nay hoặc năm sau. Rồi sau đó, mình định kiếm một chỗ trong khu rừng nào đó ở Việt Nam như Quảng Bình, Quảng Nam chẳng hạn, rồi vào trong rừng ở.

Thế còn công ty Võ Trọng Nghĩa thì sao?

Công ty có làm sao đâu, 2 năm vừa rồi vẫn phát triển quyết liệt mà đâu cần có mình ở nhà. Bây giờ có thể làm ý tưởng từ xa được, không cần phải ngồi vẽ như trước. Quan trọng nhất là giữ giới thanh tịnh, tâm trong sáng, có được sự tập trung cao độ thì mọi người làm việc với nhau rất là tốt.

Phỏng vấn KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc xanh và chuyện tu tập ở Myanmar - ảnh 16

Thế còn gia đình anh thì sao?

Vợ con Nghĩa đang ở đây. Vợ cũng thiền tốt lắm. Vợ ở một quả đồi khác, đi bộ khoảng 30-40 phút mới tới, ở phía bên trường thiền dành cho nữ, còn mình ở phía bên nam.

Bây giờ, việc của mình duy nhất là giữ giới, hành thiền, chấm hết. Còn ăn đến bữa xách bát đi xin, họ cho cái gì, ăn cái đó. Hay phết đấy, anh không thể tưởng tượng được mức độ tuyệt vời đâu.

Theo Trí Thức Trẻ

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x