Phó TGĐ Samsung: “Tìm doanh nghiệp Việt trình độ kỹ thuật cao rất đau đầu”
Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm và kết nối, con số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cấp 1 cho Samsung đã tăng lên 28. Tuy nhiên, khoảng một nửa số này chỉ làm về bao bì, nhựa ép…
Thông tin trên được đại diện Samsung Việt Nam cho biết tại buổi khảo sát các doanh nghiệp nằm trong một dự án hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Ông Kim Dong Hwan, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho hay, theo kế hoạch, chương trình tư vấn của Samsung chia làm hai giai đoạn: 6 tháng đầu tư vấn cho 3 doanh nghiệp phía Bắc và 6 tháng cuối năm tư vấn cho 3 doanh nghiệp phía Nam.
Samsung kỳ vọng, từ 4 nhà cung cấp cấp 1 nội địa (tính đến hết năm 2014) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, đến 2020, số lượng doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam cho Samsung dự kiến sẽ tăng lên con số 50, tức là gấp hơn 12 lần.
Mặc dù vậy, ông Kim Dong Hwan đánh giá, trong số 28 công ty tham gia chuỗi cung ứng cấp 1 cho Samsung thì có khoảng một nửa chỉ làm về bao bì, nhựa ép…
Nói về vấn đề này, ai cũng dễ nhận ra, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa. Bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế. Lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN.
“Samsung muốn tìm các công ty Việt Nam có trình độ kỹ thuật cao để sau này chúng tôi không phải nhập nhiều nguyên liệu phụ kiện từ nước ngoài về nữa. Song việc tìm ra những doanh nghiệp này đang là một vấn đề rất đau đầu”, Phó tổng giám đốc Samsung nói.
Nói thêm về lợi ích của chương trình tư vấn, ông Kim Dong Hwan cho rằng, chương trình sẽ nuôi dưỡng doanh nghiệp nội địa Việt Nam có năng lực, giao dịch trực tiếp với Samsung mà không cần qua một công ty cung ứng khác, điều này giúp Samsung nhập khẩu được hàng nội địa giá rẻ hơn so với nhập từ nước ngoài.
Ngoài ra, việc lấy hàng từ khoảng cách gần, chi phí logistics giảm cũng sẽ tăng lợi nhuận cho Samsung.
Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, chương trình có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất linh kiện phức tạp và tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn, cung cấp không chỉ cho Samsung mà còn cho các doanh nghiệp lớn khác trên thế giới.
“Năm sau, Samsung sẽ không gửi chuyên gia trực tiếp sang đây đào tạo từng công ty, mà sẽ thu thập người giỏi nhất ở các công ty Việt Nam đến Samsung để đào tạo. Sau đó, những người được đào tạo sẽ về tư vấn, đào tạo lại cho công ty mình”, ông Kim Dong Hwan nói.
Theo vneconomy.vn