Phố bích họa Phùng Hưng – Địa điểm cần ‘check in’ ngay dịp Tết này
Phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) đã kịp khai trương trước Tết Nguyên Đán, thu hút nhiều du khách, người dân đến tham quan, chụp ảnh. Con phố hứa hẹn là điểm đến mới hấp dẫn trong dịp tết này.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được thực hiện trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện.
Dự án được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ 3-1-2017, hoàn tất và khai trương vào tối 2-2-2018 vừa qua. Ý tưởng trang trí vòm cầu phía dưới đã được các nghệ sĩ Việt – Hàn thực hiện – nhằm tái hiện cuộc sống của người dân thủ đô trong nhiều thập kỷ qua.
Toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm cầu thì 4 cổng đã được đục ra để phục vụ giao thông, còn lại 127 cổng vòm được chia thành 3 giai đoạn để triển khai dự án. Đoạn tường này vốn được xây từ thời Pháp, dành cho xe lửa chạy phía trên.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ tác động đến các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót (mở vòm để phục vụ không gian văn hóa của Hà Nội). Giai đoạn 3 sẽ tác động vào các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh.
Dự án này có tổng cộng 19 tác phẩm trên 19 ô vòm cầu. Từng bức họa đều được các nghệ sĩ Việt – Hàn chăm chút để có thể truyền tải thành công các giá trị văn hóa, nghệ thuật.
Ở từng ô vòm cầu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một Hà Nội xưa, cổ kính với đầy vẻ trầm mặc. Nét truyền thống về Thủ đô nghìn năm văn hiến được khắc họa, gìn giữ và bảo tồn.
Phố bích họa Phùng Hưng khi hoàn thành sẽ là một không gian công cộng kết nối với phố đi bộ Bờ Hồ, khu phố đi bộ Đào Duy Từ… liên thông với không gian chợ Đồng Xuân và kết nối với vùng phụ cận.
Những bức bích họa được vẽ bằng loại sơn PU và Golden acrylics, có độ bền từ 5 đến 10 năm. Trước khi vẽ, các chất liệu vẽ tranh sẽ được xử lý bằng lớp lót chống thấm nước.
Mỗi bức tranh mang một thông điệp khác nhau, từ truyền thống tới hiện đại, nhưng xuyên suốt là những hình ảnh gắn liền với Hà Nội như gánh hàng rong, phố xá, chợ Đồng Xuân, khu phố cổ, ông đồ cho chữ ngày Tết… Những bức tranh bích họa về bách hóa tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng, thiếu nữ trong trang phục áo dài… trên các vòm cầu gợi nhớ về những ký ức đẹp của Hà Nội.
Kinh phí quận Hoàn Kiếm cấp cho chỉ đủ cho tiền nguyên vật liệu và thi công. Các nghệ sĩ làm dự án này hoàn toàn tự nguyện.
Tác phẩm “Ngôi nhà số 63” gây tranh cãi của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế. Tác giả đã lấy nguyên cánh cửa sổ ngôi nhà số 63 Phùng Hưng lắp vào tác phẩm nhằm gợi nhắc người xem về những ngôi nhà đáng nhớ của Hà Nội.
- Tác phẩm ông đồ cho chữ được tái hiện tại phố bích họa
-
- Nhiều người có thể tạo dáng bên những bức vẽ, chụp cho mình những bức ảnh độc đáo.
- Trên những bức tường còn được thiết kế những viên đá cho mọi người trèo.
Ngoài phố Phùng Hưng, Hà Nội cũng cho vẽ trang trí lên nhiều bốt điện, tủ điện tại ngã tư Phan Chu Trinh – Lý Thường Kiệt, Q.Hoàn Kiếm.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai thêm mô hình “phố bích họa” trên những tuyến phố Tràng Tiền, Ngô Quyền, Hàng Khay…
Chúc Di (t/h)