Phim tài liệu Hàn Quốc vạch trần bí mật giết người lấy nội tạng ở Trung Quốc
Một bằng chứng mới cho thấy việc mổ cướp nội tạng vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc, bất chấp tuyên bố chính thức của nước này rằng các vụ lạm dụng như vậy đã kết thúc. Bằng chứng lần này là từ một bộ phim tài liệu điều tra bí mật của Hàn Quốc.
Một bộ phim tài liệu có tên “Báo cáo điều tra 7”, được phát sóng trên kênh TV Chosun, một công ty phát thanh và truyền hình cáp phổ biến toàn Hàn Quốc, đã bí mật điều tra hiện tượng khách du lịch y tế Hàn Quốc đến Trung Quốc phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Bộ phim được phát sóng ở Hàn Quốc vào ngày 15/11/2017.
Đoàn làm phim đã đến một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc, giả dạng đang tìm hiểu phẫu thuật ghép tạng cho một bệnh nhân Hàn Quốc bị bệnh thận.
Một phóng viên, với máy quay bí mật, đã ghi lại tương tác giữa mình với nhân viên bệnh viện. Nhân viên này cho biết họ có thể tìm được nội tạng thích hợp chỉ trong vài tuần. Nếu gia đình bệnh nhân sẵn sàng quyên góp thêm tiền cho “quỹ từ thiện” của bệnh viện, thì thời gian chờ có thể nhanh hơn và bệnh nhân có thể nhận được tạng sớm hơn, một y tá nói với phóng viên. Bộ phim tài liệu không nói rõ thời gian diễn ra vụ việc, nhưng có lẽ là vào đầu năm 2017.
Các cơ quan nội tạng dường như luôn sẵn có theo yêu cầu này đến từ đâu?
Dựa trên các báo cáo của Epoch Times về việc mổ cướp nội tạng trước đây, một trong những nguồn cung cấp tạng chính đến từ tù nhân lương tâm bị bắt giam ở Trung Quốc chỉ vì tín ngưỡng của họ. Trong đó chủ yếu là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo từ năm 1999.
Các nhóm mục tiêu khác gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người bị chính quyền Trung Quốc kiểm tra máu và lấy mẫu DNA gần đây, hay đơn giản là những cá nhân bị bắt cóc ngoài đường ở Trung Quốc.
Tài liệu này cũng trích dẫn báo cáo trước đây của các nhà nghiên cứu độc lập và đi đến kết luận tương tự về khả năng có một ngân hàng nội tạng sống, trong đó các tù nhân sẽ bị giết để phục vụ cho ngành phẫu thuật ghép tạng của nước này.
Tuy nhiên chương trình này đưa ra bằng chứng cụ thể và hiếm có – trực tiếp từ các nhân viên bệnh viện Trung Quốc và các bác sĩ Hàn Quốc – cho thấy tình trạng mổ cướp nội tạng vẫn tiếp tục không suy giảm, một phần bởi nhiều người nước ngoài đang mong muốn kéo dài cuộc sống của họ bằng phẫu thuật ghép tạng.
Chính quyền Trung Quốc hứa sẽ ngưng sử dụng tù nhân làm nguồn cung nội tạng từ tháng 1/2015 trở đi. Những hứa hẹn này và các tuyên bố cải cách đã nhận được sự ủng hộ cao từ Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Ghép tạng Thế giới đối với hệ thống ghép tạng của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo điều tra của Hàn Quốc dường như chứng tỏ những tuyên bố này không phải là sự thật.
Tài liệu này ước tính từ năm 2000, có khoảng 2.000 người Hàn Quốc đến Trung Quốc phẫu thuật ghép tạng mỗi năm, một con số cao hơn đáng kể so với dữ liệu từ một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y tế “Transplantation”.
Đoàn điều tra đã tới một bệnh viện nổi tiếng với khách du lịch y tế Hàn Quốc ở Thiên Tân, nhưng không nói rõ tên. Dựa vào cảnh quay và mô tả trong phim, đó dường như là Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân mà Epoch Times đã báo cáo trước đây. Bệnh viện có một tòa nhà nhiều tầng dành riêng cho việc cấy ghép tạng với công suất 500 giường.
Khi đến bệnh viện, phóng viên bí mật đã được một cô y tá nói tiếng Hàn chào thăm và dẫn đi tham quan một vòng. Một bệnh nhân Hàn Quốc vừa trải qua phẫu thuật cấy ghép nói với phóng viên cô đã chờ 2 tháng để có tạng phù hợp. Con trai của bệnh nhân nói mất khoảng hai giờ đồng hồ từ khi lấy nội tạng đến chỗ bệnh viện. Anh cũng cho biết bệnh viện có giá khác nhau cho các nhóm tạng khác nhau.
Khi được hỏi bệnh viện thường thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật cấy ghép, y tá trả lời rằng ngày hôm trước, có 3 ca ghép thận và 4 ca ghép gan. Nếu đây là số lượng cấy ghép trung bình hàng ngày, thì bệnh viện sẽ thực hiện khoảng 2.500 ca cấy ghép mỗi năm. Tuy nhiên, không rõ trung bình mỗi ngày số ca cấy ghép ở bệnh viện là bao nhiêu.
Sau khi y tá và bác sĩ ghép tạng xem lại hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân Hàn Quốc đang có ý định ghép tạng và xác nhận bệnh nhân thích hợp để phẫu thuật, phóng viên hỏi bệnh nhân phải đợi bao lâu để tiến hành ghép tạng. Y tá trả lời rằng còn tùy, nhưng một số bệnh nhân chỉ chờ đợi một tuần, hai tuần, hoặc 50 ngày. Sau đó cô nói thêm, nếu muốn nhanh chóng tiến hành phẫu thuật và được ưu tiên, người ta có thể quyên tiền cho quỹ từ thiện của bệnh viện – trả thêm tiền chi phí phẫu thuật. Khi được hỏi phải đóng thêm bao nhiêu, cô trả lời 10.000 NDT (khoảng 1.500 USD).
Trong một cuộc trao đổi ớn lạnh, phóng viên hỏi liệu bệnh nhân có thể nhận được nội tạng của người trẻ tuổi không. Y tá nói bệnh viện chỉ chọn nội tạng của thanh thiếu niên.
Sự thật đằng sau các thí nghiệm về con người
Chương trình cũng đã khảo sát các báo cáo cho biết cựu Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh: Vương Lập Quân, từng giám sát các thử nghiệm trên người bệnh để nghiên cứu phương pháp cấy ghép nội tạng giúp bảo vệ tình trạng của tạng tốt hơn.
Đoàn làm phim tài liệu đã đến bệnh viện Trùng Khánh và phòng thí nghiệm do ông Vương quản lý. Họ phát hiện những bản thiết kế chiếc máy có thể gây chết não treo trên tường.
Khi phóng viên hỏi về mục đích của chiếc máy, nhân viên phòng thí nghiệm khẳng định chiếc máy này được sử dụng trên người để làm chết não trong khi vẫn giữ cho các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể khỏe mạnh.
Các bác sỹ đồng lõa tại Hàn Quốc
Các bệnh nhân Hàn Quốc được đưa đến các bệnh viện Trung Quốc là nhờ các bác sĩ ở Hàn Quốc. Đội ngũ chương trình đã đến thăm một bệnh viện ở Seoul. Tại đây các bác sĩ đã thừa nhận trước đây đã giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện Thiên Tân, nhưng giờ không làm nữa. Khi được hỏi về những lo ngại đối với nguồn cung cấp tạng, người bác sĩ này đã từ chối bình luận.
Tại một bệnh viện giấu tên khác, một bác sĩ cho hay ông biết nội tạng ở Trung Quốc là từ “những tù nhân bị bức hại vì đức tin của họ” và lương tâm đã khiến ông ngừng đề xuất bệnh nhân sang Trung Quốc ghép tạng.
Lượng phẫu thuật cấy ghép nội tạng Trung Quốc bùng phát từ sau năm 2000, nhưng lại không thể giải thích rõ ràng cho cộng đồng quốc tế về nguồn cung cấp. Năm 2000 là thời điểm đặc biệt. Đó là lúc thế lực cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân dùng toàn lực đàn áp Pháp Luân Công. Năm 2000 là năm xảy ra cao trào người tập Pháp Luân Công đi Bắc Kinh khiếu kiện. Khi đó có hơn triệu người tập Pháp Luân Công đi kiện, trong đó nhiều người không còn quay trở về nhà.
Pháp Luân Công là môn tu luyện của nhà Phật, lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên tắc, có hiệu quả giúp trừ bệnh khỏe người. Trước khi bị đàn áp, theo thống kê của nhà nước Trung Quốc, số người tham gia tập Pháp Luân Công lên đến hơn 70 triệu người.
Trang minghui.org của Pháp Luân Công chỉ ra, đa số những người theo Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp đều phải chịu cực hình, nhưng đồng thời họ còn bị đưa vào hệ thống kiểm tra máu và nội tạng (cả siêu âm, xét nghiệm nước tiểu). Nhiều người sau khi trải qua trình tự kiểm tra đã bị mất tích.
Chuyên gia Ethan Gutmann đồng thời là nhà điều tra độc lập về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc đã lo lắng nói: “Dường như họ (giới chức Trung Quốc) đưa những người theo Pháp Luân Công này vào kho dự trữ tầm cỡ mang tính toàn quốc”.
Hồng Liên, theo Epoch Times