Phiến đá Dashka – Bản đồ 3 chiều xuất hiện cách đây hơn một trăm triệu năm
Phiến đá Dashka hay Bản đồ Đấng Sáng Thế (Map of the Creator), là một tấm bia đá 120 triệu năm tuổi, không rõ nguồn gốc, được phát hiện tại một ngôi làng thuộc Chandra ở Bashkortostan, Liên bang Nga.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Bashkir đã nghiên cứu cổ vật này và cho rằng, nó là bản đồ miêu tả chi tiết một khu vực thuộc dãy núi Ural, Bashkiria. Nơi này không có những thay đổi đáng kể trong hàng triệu năm qua. Bản đồ cổ đại này được tạo ra với tỉ lệ 1:1,1 km.
Giáo sư Chuvyrov cho biết, phiến đá này đã được tạo ra chứ không phải hình thành tự nhiên. Theo các nghiên cứu, Phiến đá Dashka hay Phiến đá Đấng Sáng Thế là một dạng bản đồ ba chiều, với những đặc điểm sau đây:
- Lớp đầu tiên của phiến đá Dashka là lớp xi măng hoặc ceramic có chứa dolomite dày khoảng 18cm.
- Lớp thứ hai được “làm” từ diopside; dày khoảng 1 inch, lớp này được tăng cường thêm silicon để tăng khả năng biểu đạt của hình ảnh, theo các nhà nghiên cứu.
- Lớp sứ thứ ba chỉ dày vài mm. Theo các học giả, lớp này có thể có công dụng khuếch tán ánh sáng giúp phiến đá sáng hơn, đồng thời để bảo vệ phiến đá trước các tác động bên ngoài.
Nhưng Phiến đá Dashka đã 120 triệu năm tuổi? Đây là phần mà hầu hết mọi người đều hoài nghi khi tìm hiểu về nó.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học có thể xác định tuổi của phiến đá Dashka nhờ vào hai chiếc vỏ cổ đại bị dính trên phiến đá. Trước khi tìm thấy những chiếc vỏ đó, họ cho rằng phiến đá Dashka vào khoảng 3000 năm tuổi.
Khi những chiếc vỏ được phát hiện thì câu chuyện trở nên thú vị hơn. Tuổi của một trong hai chiếc vỏ là Navicopsina munitus thuộc họ Gyrodeidae, có niên đại vào khoảng 500 triệu năm trước đây. Chiếc vỏ thứ hai thuộc về Princeps Ecculiomphalus của phân họ Ecculiomphalinae, được cho là 120 triệu năm tuổi, và đây là độ tuổi được các nhà nghiên cứu chấp nhận.
Các nhà khoa học tin rằng phiến đá này là một phần của công trình đá miêu tả chi tiết về một khu vực rộng lớn hơn nhiều.
Phiến đá Dashka được tìm thấy vào năm 1999, và trở thành một tấm bản đồ đặc biệt thú vị, thể hiện chi tiết các dự án công trình dân dụng, như: hệ thống các kênh đào với chiều dài khoảng 12.000 km và một số đập nước. Bản đồ trên phiến đá Dashka dường như không miêu tả bất kỳ con đường nào. Các học giả tin rằng, bất cứ ai tạo ra phiến đá thú vị này cũng phải dùng đến công nghệ để quan sát các khu vực từ trên không; Trung tâm Bản đồ lịch sử ở Wisconsin cũng đồng ý với quan điểm này.
Phiến đá này nặng hơn 1 tấn, có một số chữ khắc thú vị và được cho là kí tự Trung Quốc cổ đại, nhưng sau đó các nhà khoa học tuyên bố, ngôn ngữ của bản khắc không phải tiếng Trung Quốc, mà là một hệ thống chữ viết tượng hình không rõ nguồn gốc, và hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải mã hay đọc được chúng.
Theo Giáo sư Chuvyrov, “Việc chạm khắc này không thể được thực hiện một cách thủ công bởi những người thợ đục đá cổ đại. Chỉ đơn giản là không khả thi. Rõ ràng là đá được gia công”. Hình ảnh X-quang khẳng định phiến đá này được làm ra bằng một số công cụ có độ chính xác cao.
Các nhà nghiên cứu khác lại rất hoài nghi về phiến đá Dashka và trạng thái của nó, và đối với họ phiến đá này chẳng có gì thú vị. Hệ thống các rãnh dài đó đơn giản chỉ là những vết nứt, và không liên quan với các con sông ở Bashkortostan. Ngoài ra, những người phản đối cho rằng sự hình thành chồng chất các loại khoáng sản khác nhau là không có gì bất thường.
Tất cả điều này đều có vẻ thú vị; và một số người sẽ cho rằng những lời phát biểu của Giáo sư Chuvyrov nhằm gây ra tiếng vang, và có vẻ đúng như vậy. Nhưng trước khi có bằng chứng chứng minh phiến đá này là một cái gì đó “thình lình hiện ra” từ tự nhiên thì nó chắc chắn sẽ luôn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các sử gia và những người theo thuyết âm mưu.
Iris, Hàn Mai – Theo A.C