Phía sau dự án Skynet của Trung Quốc với hơn 600 triệu camera giám sát
Trung Quốc đang xây dựng hệ thống giám sát Skynet (Lưới trời), trong tương lai gần chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát mọi động thái của 1,3 tỷ người dân Trung Quốc Đại lục.
Nhật báo Apple tại Hồng Kông đưa tin, khi chính quyền Trung Quốc Đại lục thiết lập hệ thống giám sát Skynet tại các thành phố lớn đã gọi đây là mạng lưới giám sát bằng video lớn nhất thế giới, có thể nhanh chóng xác định màu sắc và loại xe chạy trên đường, độ tuổi và giới tính, quần áo người đi bộ, và thậm chí có thể nhận diện khuôn mặt và đối chiếu với cơ sở dữ liệu để xác đinh xem đó có phải là nghi phạm hay không. Hệ thống này chỉ cần một giây là có thể “quét” toàn dân Trung Quốc, chỉ cần hai giây để “quét” toàn dân số thế giới.
Nhiều nhận định cho rằng, mặc dù các quan chức Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ này để chống tội phạm, nhưng đồng thời người dân Trung Quốc hoàn toàn mất quyền riêng tư cá nhân.
Nhiều người đã chỉ ra rằng Skynet là thực sự đáng lo ngại: “Thật là khủng khiếp, chuyện riêng tư của mọi người đều bị theo dõi!”, “Phía trước Skynet là người dân, phía sau là giới quyền lực!”
Một số cư dân mạng khác thì nhạo báng: “Có hệ thống Skynet nào giúp tự động nhận diện các quan chức tham nhũng không?”, “Có Skynet nào giúp nhận ra tài sản của giới quan tham là bao nhiêu không?
Trong thực tế, hệ thống giám sát của Trung Quốc đại lục đã đạt đến mức độ phổ biến rộng khắp. Thời báo Eo Biển (The Straits Times) của Singapore chỉ ra, tính đến năm ngoái, toàn Trung Quốc đại lục đã bố trí được khoảng 176 triệu camera giám sát, và dự kiến sẽ mở rộng lên đến 626 triệu camera vào năm 2020. Theo dữ liệu nhân khẩu do chính phủ Trung Quốc đưa ra, hầu như cứ hai người phải chịu một camera giám sát theo dõi.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, mục đích thực sự của nó là để giám sát người dân. (Ảnh cắt từ video)
Ngoài các nơi công cộng như nhà hàng, trung tâm mua sắm, nhà hát, ngay cả xe buýt, tàu điện ngầm, taxi… cũng đầy camera. Tỉnh Chiết Giang thậm chí còn có trường trung học lắp đặt camera để theo dõi cảm xúc của học sinh.
Trường trung học tại tỉnh Chiết Giang dùng camera giám sát tâm trạng của học sinh.
Không chỉ vậy, chính quyền Trung Quốc cũng từng có văn bản “Quan điểm Về việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn”, theo đó cho rằng cần xây dựng một “mạng lưới giám sát an ninh” ở các vùng nông thôn, vào trước năm 2020, cần hoàn thành mạng lưới camera giám sát “phủ sóng toàn bộ suốt ngày đêm”, tạo thành “mạng lưới theo dõi ổn định trên toàn quốc”.
Nhưng các chuyên gia không lạc quan về điều này. Cựu kỹ sư phần mềm cao cấp của Intel là Takagi từng chia sẻ trên Epoch Times rằng, công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ lâu đã được phát triển thành công ở nhiều nước tiên tiến, nhưng nó không được sử dụng để theo dõi và định vị các công dân, “bởi vì họ (chính phủ) nghĩ rằng việc sử dụng như vậy là vi phạm quyền riêng tư, là vi phạm nhân quyền”.
Ông cho biết, phương Tây nhìn chung cho rằng chính phủ là một “thực thể tàn ác”(evil entity), có nghĩa là quyền lực của chính phủ cần phải bị giới hạn, nếu không nó sẽ lạm dụng quyền lực công, “sự tồn tại của chính phủ, chỉ để cho xã hội được vận hành bình thường”.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc Đại lục thì lại khác. Takagi chỉ ra rằng chính quyền Đại lục lại lợi dụng công nghệ này để theo dõi và ngăn chặn “luật sư, người khởi kiện, nhóm tín ngưỡng, dân tộc thiểu số…”. Đây là vấn đề quá đáng sợ.
Theo Trithucvn