Phép màu giữa nhân gian: “9 chữ vàng” cứu người qua cơn hoạn nạn
Câu chuyện tôi sắp kể đây là một câu chuyện có thật, nhưng vì vài lý do nên tôi đã thay đổi tên của nhân vật. Tôi hy vọng mọi người có thể dành chút thời gian để xem câu chuyện này, và giúp tôi chia sẻ nó.
Tính là con trai một trong một gia đình tương đối khá giả, tuổi thơ của cậu có thể nói là hạnh phúc hơn nhiều so với rất nhiều đứa trẻ khác. Nhưng khi Tính lớn lên, ở cái tuổi trưởng thành, gia đình cậu gặp rất nhiều biến cố, mà nguyên nhân là từ cha của cậu.
Cha của Tính, nhiều năm gần đây bỗng dưng thay đổi tính tình, biến thành một người lười biếng và ăn chơi đua đòi. Nói ra thật lạ, con người ta càng già thì càng nghiêm khắc và chín chắn hơn, còn cha của Tính càng có tuổi lại càng hư thân, những tật xấu mà tuổi trẻ ông không có, tuổi trung niên lại xuất hiện rất nhiều.
Vì mê cờ bạc, rượu chè, và cả bị phụ nữ dụ dỗ, cha của Tính tiêu hết tiền trong nhà một cách không đâu ra đâu. Hết tiền, cha của Tính lại mượn tiền của giang hồ để chơi, khi ông không còn cách để góp nữa, đành phải khai thật ra cho vợ con biết, thì số tiền đã quá lớn rồi. Mẹ của Tính đành phải rút hết tiền trong ngân hàng để trả, đó là tiền dành dụm cả đời của bà, và là cả số tiền mà Tính dự định sau này sẽ dùng để học thạc sĩ Pháp Việt. Tuy nhiên gì thì gì, tình thân vẫn là trên hết, trả nợ cho cha mình chồng mình, vẫn là điều mà hai mẹ con Tính lựa chọn.
Nhưng như vậy chưa thôi, sau không đầy nửa năm, cha của Tính lại đổ vỡ ra nợ nần lần thứ hai, vẫn là nợ giang hồ. Lần này, thật khó tưởng tượng, còn nhiều hơn cả lần trước. Mẹ của Tính phải chịu rất nhiều khổ sở, đến nỗi ăn ngủ không yên. Cuối cùng, gia đình đưa ra giải pháp cho thuê khu mặt bằng mà mẹ Tính đang dùng để kinh doanh, sau đó dùng số tiền đặt cọc để trả nợ.
Mặc dù cha Tính đã hứa hẹn đủ thứ, nhưng không đầy một năm sau, vừa khớp thời gian đầu năm nay, ông lại đổ ra nợ giang hồ lần thứ ba! Lần này cũng nhiều y như lần thứ hai. Thật sự là hết cách! Vì sao? Tiền trong ngân hàng đã rút hết rồi, mặt bằng cho thuê thì vẫn còn đang trong thời gian hợp đồng, căn bản ngay cả cuộc sống thường ngày cũng không dễ dàng gì, nói chi đến chuyện trả nợ cho cha của Tính.
Thật ra Tính không cảm thấy buồn khổ gì mấy, nhưng mẹ của Tính không chịu nổi những cú sốc liên tục này nên vô cùng đau khổ, cứ khóc mãi, sức khỏe và tinh thần đều suy sụp, đây mới là điều thật sự làm Tính khó chịu.
Tính có nhiều lý lẽ hợp lý để trách cứ cha mình, nhưng không muốn nói, vì cậu không hẳn là căm giận cha. Trong một lần tình cờ cậu biết được, mẹ cậu từng làm chuyện rất có lỗi với cha cậu, đương nhiên bà không dám cho ông biết, nhưng Tính là người tin vào nhân quả, Tính hiểu rằng đây là quả báo của mẹ mình. Nếu không, vì sao cha của Tính – một người vốn rất thương yêu vợ con, lại tự dưng trở nên như vậy? Hẳn là dù ông không biết về sai lầm của vợ, nhưng ông Trời vẫn bắt vợ ông phải chịu trách nhiệm, phải đau khổ vì ông.
Tính biết được điều này, hiểu được nhân quả, nên Tính không muốn nặng lời với cha, nhưng Tính cũng không biết nên nói gì với ông nữa.
Lại nói trong lần đổ nợ thứ ba này, cha Tính không còn cách gì, tất cả giấy tờ tùy thân đều đã cầm cố, một mình ông ngồi uống rượu sau nhà. Đó là một chuỗi ngày tự đày đọa bản thân của ông. Ông không ăn gì, cứ uống rượu và hút thuốc, say thì đi ngủ, ngủ dậy lại rót rượu uống, sáng trưa chiều tối, liên tiếp nhiều ngày. Một thanh niên sung sức còn không chịu nổi, huống chi tuổi ông đã cao rồi? Những lúc hơi tỉnh, ông tự lẩm bẩm một mình, rằng ông sẽ chết vì suy kiệt sức khỏe trước, hay là sẽ bị giang hồ giết vì không có tiền trả nợ trước đây?
Tính quan sát nhiều ngày, tới một buổi trưa cậu quyết định nói chuyện với cha, sau một khoảng thời gian dài không nói lời nào. Cậu khuyên cha giữ gìn sức khỏe rồi từ từ tìm cách.
“Làm gì có cách?” – Cha cậu đáp, càng uống nhiều hơn.
Tính lại cố gắng nói với cha, rằng ông nên dừng lại và cùng suy nghĩ với vợ con, nếu ông cứ như vậy, đến khi ông chết rồi, món nợ này chẳng phải sẽ trút hết lên vợ con hay sao?
“Tao chết rồi không cần quan tâm nữa, nợ là chuyện của người còn sống” – Cha cậu đáp, giọng dửng dưng.
Tính lại nói với cha, rằng ông đã liên tiếp gây ra những tai họa nghiêm trọng, ông đã phá đi ước mơ đi du học của con trai mình, hiện giờ ông phải bù đắp lại điều đó, thay vì cứ nghĩ tới chữ “chết” để trốn nợ đời. Cậu nói ông nên có trách nhiệm hơn với gia đình.
“Tao có trách nhiệm hay không, mày có du học được hay không, khi tao chết rồi tao không cần biết” – Cha cậu rót rượu uống, giọng vẫn hờ hững.
Tính không khuyên được gì, đành thở dài nhẹ, nhắc lại những lời cũ một lần nữa, rồi đứng lên rời đi.
Đêm hôm ấy, sau khi cha đã ngủ say, Tính ngồi chống cằm suy nghĩ. Suy nghĩ thì được gì? Căn bản chỉ là một chữ “tiền”, có thật nhiều “tiền” thì sẽ trả được nợ, mọi việc sẽ bình thường trở lại. Nhưng làm gì mà có được số tiền lớn như vậy, căn nhà Tính đang ở là ba Tính đồng sở hữu với các cô và các bác, dù có muốn bán nhà trả nợ cũng chẳng thể bán được. Tính tự cho rằng bản thân thông minh, nhưng vấn đề này không có cách.
Nghĩ không ra, nhưng vẫn còn một phương pháp tinh thần mà Tính nghĩ sẽ hữu hiệu: Cầu nguyện!
Nghe thật nực cười phải không? Cũng giống như những người đang nhìn dịch bệnh Vũ Hán hôm nay, họ cao giọng: “Chống dịch không lo chống dịch đi, cầu nguyện thì được cái gì? Nếu Thần Phật linh thiêng chữa cho mấy người lành bệnh thì bác sĩ y tá chết đói à?”.
Lời này, trong trường hợp của Tính, có phải sẽ diễn giải thành: “Trả nợ không lo trả nợ, cầu nguyện thì được cái gì? Nếu Thần Phật linh thiêng cho tiền bạn trả nợ, thì thế gian lấy đâu ra kẻ nghèo?”.
Nói vậy cũng có cái lý, nhưng lý ấy không thông! Ai chẳng biết cần trả nợ, nhưng làm sao mà trả? Đã nghĩ nát óc, nếu có thể tìm ra cách thì đã tìm ra rồi! Cầu nguyện là phương pháp cuối cùng của con người ta, khi họ không còn cách nào khác, chỉ vậy thôi.
Nhưng biết cầu ai? Và cầu điều gì? Tính nhớ đến điều mà cậu vẫn thường xuyên được nghe và được xem trên mạng, chín chữ vàng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.
Cậu đã nhẩm niệm. Cậu không cầu xin, cậu chỉ nhẩm niệm chín chữ ấy mà thôi. Cậu không phải là một học viên Pháp Luân Công, nhưng cậu từng xem qua sách “Chuyển Pháp Luân” – quyển sách chính của Pháp Luân Công, rất kính phục nguyên lý Chân Thiện Nhẫn mà Pháp Luân Đại Pháp giảng dạy, cậu tin rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân Thiện Nhẫn là tốt. Nhiều người nói đây là “chín chữ vàng”, họ đã niệm và đã có phúc báo, cậu tin vào điều đó.
Sáng hôm sau, cha cậu vẫn rót rượu uống, vẫn hút thuốc, tưởng như không có gì thay đổi. Nhưng bất ngờ, ông đột nhiên nôn mửa rất nhiều, nôn ra cả máu, lại bị sốt, mặt mày xanh xao không còn huyết sắc. Đây là thêm một tai họa giáng xuống chăng?
Tính liền đưa ông đi bệnh viện. Trên đường đi ông thở phì phò như hết hơi, và vẫn không ngừng nôn mửa, nôn ra toàn là máu hòa với rượu. Tính vẫn giữ bình tĩnh, vừa giữ ấm cho ông vừa không quên niệm “chín chữ vàng”. Tính còn mang theo cả “hoa sen Chân Thiện Nhẫn” – một vật mà Tính từng được các học viên Pháp Luân Công tặng, Tính mong điều tốt đẹp sẽ đến.
Khi đến bệnh viện, cha Tính được đưa vào phòng cấp cứu. Thật sự Tính đã niệm “chín chữ vàng” từ đêm qua tới giờ không biết bao nhiêu lần, chẳng lẽ không hiệu quả gì? Tính không nghĩ đến điều đó, ở bên ngoài phòng vẫn lẩm bẩm niệm.
Lát sau cha Tính được chuyển lên phòng theo dõi, tình trạng đã ổn lại rồi. Khi Tính gọi điện về nhà báo tin, mới biết một chuyện, đó là Tính vừa đưa cha đi không bao lâu thì có hai gã giang hồ hung hăng vác dao tiến vào nhà, cũng may vì cha Tính không có nhà nên họ đã bỏ đi.
Nghĩ lại, cha Tính phải đi cấp cứu, là họa hay phúc? Rõ ràng ai cũng hiểu, nếu cha Tính còn ở nhà, con dao của hai gã giang hồ kia nhất định sẽ chém vào người ông ngay khi ông nói không có khả năng trả nợ, dù không chết thì cũng tàn phế! Bây giờ tuy rằng ông nằm bệnh viện, tình trạng lại tốt hơn rồi. Ở bệnh viện, ông không thể uống rượu hay hút thuốc, sức khỏe dần hồi phục, đầu óc cũng tỉnh táo hơn, ông bắt đầu nhận sai và nói vài lời xin lỗi với Tính.
Cô ruột của Tính, một người vô cùng giàu có, vốn đã từng tuyên bố tuyệt giao với cha Tính vì chuyện đất đai, nay nghe tin ông bệnh, sau nhiều ngày cuối cùng cũng đến thăm. Bà hỏi han tình hình nợ nần của ông, rồi đột nhiên gọi Tính ra ngoài, mắng cho một trận. Tính hiểu rằng bà không phải đang mắng cậu, mà vì nỗi bất mãn của bà với cha cậu bà đành phải trút lên cậu.
Tính lẳng lặng nghe người cô ruột giáng xuống cơn thịnh nộ, thật sự không khác gì trận cuồng phong. Bà mạt sát cha cậu, lây qua cả mẹ cậu, và cả cậu, lời lẽ vô cùng cay nghiệt. Tính muốn nói vài lời, nhưng nghĩ tới suốt mấy ngày nay đều niệm “Chân Thiện Nhẫn”, Tính hiểu bà cũng vì quá tức giận sai lầm của cha mình nên mới làm dữ như vậy, mình không thông cảm mà còn oán giận cô, thì có thể là Thiện, là Nhẫn sao?
Sự im lặng của cậu mang lại tác dụng bất ngờ! Sau khi cơn giận đi qua, cô của Tính bình tĩnh lại, bà hỏi về nợ nần của cha cậu, và hứa sẽ giúp giải quyết món nợ ấy nếu cha cậu chịu làm với bà một tờ cam kết về nhà đất.
Cha Tính chỉ ở viện mấy ngày đã khỏe hẳn, sau khi ông xuất viện, Tính mang lời cô nói lại cho cha nghe, ông lập tức đồng ý làm cam kết. Sau đó, vào ngày 29/02 vừa rồi, món nợ của gia đình Tính đã được người cô giúp đỡ thanh toán xong. Thật sự là bất ngờ, vì cha mẹ Tính chưa bao giờ nghĩ đến điều đó!
Hiện tại, mọi việc trong gia đình đã ổn định, cha của Tính cũng không cờ bạc hay uống rượu nữa, lần này ông đã rút ra được một bài học sâu sắc, và có lẽ ông sẽ thay đổi.
Hồi tưởng lại những điều này, nếu ngày đó cha Tính không đột nhiên nôn ra máu phải đi cấp cứu, thì ắt kết cục sẽ rất đau lòng! Cũng vì ông đi cấp cứu, họa lại chuyển thành phúc, nhưng không người nào biết, trừ tôi và Tính, rằng đêm trước ngày đó, Tính đã niệm hàng trăm lần “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”. Tính tin đây là uy lực của “chín chữ vàng”.
Tính muốn tôi viết lại câu chuyện này và chia sẻ với mọi người, để bạn biết rằng Pháp Luân Công – Pháp Luân Đại Pháp là tốt, “chín chữ vàng” thật sự có thể mang đến phúc báo cho người thường xuyên tin tưởng nhẩm niệm.
“Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.
Thế Di