Phe ông Tập hành động khẩn cấp bảo vệ “uy quyền tối cao”
Tại Hội nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy Giang Tây, tỉnh trưởng Giang Tây Lưu Cơ đã phát biểu phải kiên quyết bảo vệ quyền lực của Tập Cận Bình. Như vậy, sau tuyên bố của ông Lật Chiến Thư, lần đầu tiên có quan chức đứng đầu cấp tỉnh noi theo.
Ngày 23/7, tại Hội nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy Giang Tây, thân tín Lưu Cơ (Liu Ji) của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, hiện là Tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh ủy Giang Tây, đã phát biểu phải kiên quyết bảo vệ quyền lực của Tập Cận Bình. Như vậy, sau tuyên bố yêu cầu bảo “uy quyền tối cao Tập Cận Bình” của ông Lật Chiến Thư, lần đầu tiên có quan chức đứng đầu địa phương cấp tỉnh noi gương theo. Có quan điểm cho rằng, nhìn vào tình hình thể hiện thái độ trong quan trường Trung Quốc về vấn đề này cho thấy thực trạng chia rẽ nội bộ trong ĐCSTQ hiện nay.
Trước đó, kể từ sau khi ông Tập có bài phát biểu trong Hội nghị Công tác tổ chức toàn quốc hôm 3/7, một loạt thân tín ở cấp trung ương của ông Tập đã thể hiện thái độ về “uy quyền tối cao” của Tập Cận Bình, như Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường ngày 12/7, Trưởng thư ký Ban Chính pháp Trung ương Trần Nhất Tân (Chen Yixin) ngày 16/7, Ủy viên Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư ngày 17/7, Ủy viên Chính phủ Triệu Khắc Chí ngày 18/7.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ 19 – 23/7 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Lật Chiến Thư đã đi khảo sát tại Giang Tây; ngày 23/7 Tỉnh ủy Giang Tây đã tổ chức cuộc họp truyền đạt quan điểm của Lật Chiến Thư, tại hội nghị này Lưu Cơ nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “uy quyền tối cao” của hạt nhân Tập Cận Bình, là người duy nhất có quyền quyết định cuối cùng, là lãnh đạo tập trung và thống nhất. Tuyên bố này diễn ra đã cách thời điểm ông Lật Chiến Thư tuyên bố được một tuần, và chỉ được lên tiếng sau khi ông Lật Chiến Thư đích thân đi đến phổ biến.
Cho đến nay, ngoài đại biểu Nhân đại thành phố Hạ Môn, nơi ông Tập từng có thời gian nhậm chức, đã tổ chức buổi học tập trung để thể hiện quan điểm bảo vệ Trung ương Đảng với hạt nhân Tập “giữ uy quyền tối cao”, dường như các quan to trên các tỉnh chưa có ai lên tiếng hưởng ứng. Điều này có vẻ rất khác với tình hình sau Đại hội 19 khi tất cả giới quan to trong các hệ thống (Đảng, Chính phủ, Quân đội) đều nhất loạt lên tiếng bày tỏ trung thành với Tập Cận Bình.
Về vấn đề này, trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nhà sử học và nhà bình luận độc lập Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho biết: “Tình trạng này phản ánh, dường như phe ông Tập Cận Bình trong tất cả các ban ngành đang ở trong trạng thái bị cô lập. Quan chức ở nhiều địa bàn quan trọng đều không thấy có phản ứng gì. Chỉ có duy nhất ở Nhân đại thành phố Hạ Môn là có hưởng ứng, còn quan chức đứng đầu các tỉnh hoàn toàn im lặng. Hiện tượng này thực sự rất đáng chú ý, vì có thể đang xảy ra chuyện bất thường nào đó phía sau động thái này. Nhưng dù sao bây giờ mọi thứ vẫn rất mơ hồ nên tạm thời chúng ta không thể phán xét là chuyện gì, chúng ta chỉ thấy có hiện tượng như vậy”.
Ông Trương Lập Phàm nói: “Trong một đợt thuyết giảng lần trước liên quan vấn đề ‘ủng hộ hạt nhân’ đã xảy ra cảnh tương tự. Khoảng 30 tỉnh trên toàn quốc, có lẽ có một nửa hưởng ứng và nửa còn lại giữ im lặng. Nhưng cuối cùng đến phiên họp toàn thể vẫn thể hiện rõ quan điểm ‘duy trì hạt nhân’. Còn lần này không rõ đang diễn biến như thế nào, tình hình hiện tại vẫn chưa thể xác định rõ ràng”.
Trương Lập Phàm cho biết, các phe phái khác nhau trong Đảng có thể vẫn đang dò chừng tình hình. Hiện nay Hội nghị Bắc Đới Hà vẫn chưa khai màn, còn nhà lãnh đạo cũng đang đến thăm châu Phi. Hiện nay họ đang cân nhắc cán cân quyền lực giữa các bên, vì dù sao những phản ứng phản kháng vẫn chưa phát triển đến mức dám công khai thách thức quyền lực của ông Tập.
Hồ Bình (Hu Ping), chủ biên của “Mùa xuân Bắc Kinh” cũng suy đoán: “Hiện tai, mức độ chia rẽ trong ĐCSTQ là chưa từng thấy kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức”. Theo Hồ Bình, chế độ của ĐCSTQ xác định đặc điểm u ám này của nó, nếu những người bên ngoài có thể dễ dàng thấy rõ được cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ thì cuộc đấu này đã kết thúc từ lâu. Trong quá trình diễn ra, những người bên ngoài như chúng ta không thể thấy rõ được. Tuy nhiên, ít nhiều thì qua cuộc đấu sẽ cho thấy một số manh mối, vì mỗi bên sẽ gián tiếp thể hiện ra ngoài thông qua các cách khác nhau. Biểu hiện này cũng là một trong những cách đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ.
Giới quan sát đã nhận thấy, kể từ tháng 7/2018 đến nay đã bùng nổ tin đồn có thế lực tại Trung Nam Hải đe dọa uy quyền Tập Cận Bình nên thân tín Lật Chiến Thư của ông Tập mới phải kêu gọi “cuộc chiến bảo vệ Tập Cận Bình”, nhấn mạnh bảo vệ “uy quyền tối cao” của hạt nhân Tập Cận Bình nhưng Nhân dân Nhật báo Trung Quốc thì lại công bố những bài viết ám chỉ bóng gió theo quan điểm ngược lại tuyên bố của Lật Chiến Thư.
Ngày 20/7, Nhân dân Nhật báo công bố một bài viết gây tò mò mang tên “Diễn đàn Nhân dân Nhật báo: Vui mừng khi nghe những lời chỉ trích là thể hiện đẳng cấp văn hóa”, bài viết trích lời cố lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông yêu cầu các quan chức phải “học kỹ năng cơ bản chấp nhận nghe lời phê bình”.
Bên cạnh đó, vào ngày 16/7, Nhân dân Nhật báo cũng công bố một bài bình luận nhắc lại “tấm gương” hai nguyên lão ĐCSTQ là Bành Đức Hoài (1898 – 1974) và Trương Ái Bình (1910 – 2003) dám “phạm thượng”. Bành Đức Hoài nổi tiếng là người dám mắng nhiếc Mao Trạch Đông, còn Trương Ái Bình thẳng thắn phê phán Đặng Tiểu Bình cho phép quân đội làm kinh doanh.
Lý do tại sao hai bài báo này được xem là nhạy cảm? Vì thời điểm gần đây là tại Trung Nam Hải xảy ra nhiều biến cố: tin đồn có đảo chính, các nguyên lão truy cứu trách nhiệm Tập Cận Bình, hội nghị Bắc Đới Hà sắp tới sẽ bàn về “lãnh đạo tập thể” đi ngược lại định hướng tập trung hóa vào Tập Cận Bình.
Trên trang BBC tiếng Trung, ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) cựu Phó Tổng biên tập của Tạp chí trường Đảng của ĐCSTQ đã cho biết, chuyện xảy ra tranh luận gay gắt giữa các đảng viên nòng cốt và các nguyên lão đã nghỉ hưu tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay là không thể tránh khỏi. So với quá khứ, cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay sẽ thể hiển rõ ràng hơn thực trạng chia rẽ trong giới chức tối cao ĐCSTQ.
>>>“Thái tử Đảng” La Vũ: Ông Tập Cận Bình đang gặp rắc rối lớn
>>>Giang, Tăng từng nhân cơ hội Tập Cận Bình “vắng nhà” âm mưu chính biến
Theo Trithucvn