Phát minh mới: “Bê tông sống” với khả năng tự liền sau khi bị nứt vỡ
Các nhà khoa học đến từ trường Đại học Colorado Boulder đã tạo ra một sản phẩm được tờ New York Times gọi là “khối bê tông sống”. Khối bê tông này chứa một lượng lớn vi khuẩn quang hợp có khả năng tự sinh sôi và tái tạo lại giống hệt với sinh vật sống.
Theo tờ New York Times, khối bê tông được tạo nên từ một hỗn hợp của gelatin, cát và vi khuẩn lam trông tương tự như món bánh tráng miệng Jell-O.
Khối cấu trúc này có khả năng tự tái tạo lại sau khi bị các nhà nghiên cứu cắt rời đến 3 lần, cho thấy một bước đột phá tiềm năng trong lĩnh vực vật liệu tự lắp ráp.
Khả năng tự tái tạo
Theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư vừa qua trên tạp chí Matter, khối bê tông sống này được các nhà khoa học Colorado hợp tác với Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến tạo nên. Khối bê tông có màu xanh lục lúc mới được tạo và dần phai nhạt do lượng vi khuẩn trong đó chết đi.
“Nó thực sự trông giống như một bộ phận trên cơ thể của Frankenstein”, ông Will Srubar, kỹ sư kiêm người phụ trách dự án, chia sẻ với tờ New York Times.
Ngay cả khi màu sắc trở nên nhạt dần, lượng vi khuẩn vẫn tồn tại trong vài tuần và thậm chí còn có thể được tái tạo phát triển mạnh mẽ hơn nếu được đặt trong điều kiện phù hợp.
Triển vọng cho những ứng dụng trong tương lai
Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến đã dành sự quan tâm đặc biệt tới những vật liệu tự tái tạo có khả năng ứng dụng nhằm tái tạo lại cấu trúc của những vùng hoang mạc xa xôi, hoặc thậm chí ngay cả ngoài không gian.
Nếu “khối bê tông sống” này có thể đạt được tới mức quy mô trên, nó sẽ giúp làm giảm đáng kể số lượng và khối lượng các vật liệu mà các cơ quan vũ trụ cần dùng.
“Sẽ không có chuyện chúng ta cần phải vác cả một nguồn vật liệu nhiều bằng một tòa nhà ra ngoài vũ trụ cả. Chúng ta sẽ mang theo thành quả công nghệ sinh học này”, ông Srubar chia sẻ với tờ New York Times.
Thanh Thiên (theo Science Alert)