Bí ẩn tượng nhân sư 1000 năm trong ngôi mộ cổ đời nhà Đường
Các nhà khoa học tìm thấy một bức tượng nhân sư có niên đại hơn 1.000 năm trong ngôi mộ cổ thời nhà Đường ở tây bắc Trung Quốc.
Theo Shanghai Daily, bức tượng có nét chạm khắc tinh tế với hình đầu người đặt trên mình sư tử, cao 36 cm. Tượng được khai quật cùng với 8 tượng chiến binh, ngựa, lạc đà và sư tử vào cuối tháng 11 ở Cố Nguyên, một thành phố thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ.
Ngôi mộ nằm trong số 29 mộ cổ trong khu vực, nơi các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật từ đầu năm trước khi xây dựng nhà máy nước. Họ tìm thấy hơn 150 vật mai táng, bao gồm tượng, gốm sứ, đồ đồng và sắt. Chủ nhân của ngôi mộ là Liu Jun và vợ, những người sống ở thời nhà Đường (618 – 907).
Theo nghiên cứu sơ bộ, tượng nhân sư làm từ đá cẩm thạch trắng còn nguyên vẹn ngoại trừ hư hại nhỏ ở phần mặt. Những bức tượng trong mộ thể hiện tài năng điêu khắc xuất sắc, theo Fan Jun, người đứng đầu nhóm khai quật của Viện Khảo cổ và Di chỉ văn hóa Ninh Hạ.
“Phong cách điêu khắc mang những nét đặc trưng từ phương Tây và rất hiếm xuất hiện ở những ngôi mộ Trung Quốc cổ đại ở cùng thời kỳ“, Fan cho biết. Đá cẩm thạch trắng cũng rất ít khi hiện diện ở miền bắc Trung Quốc.
Hình tượng nhân sư ra đời ở Ai Cập cách đây 5.000 năm. Tượng nhân sư khổng lồ của người Ai Cập nằm ở bờ tây sông Nile gần đại kim tự tháp Giza.
Tuy tượng nhân sư cũng có mặt ở miền nam và Đông Nam Á, phát hiện ở khu vực phía bắc Trung Quốc khá kỳ lạ. Phạm vi sinh sống của sư tử ở thời tiền sử không bao gồm miền bắc Trung Quốc. Có thể bức tượng nói lên ảnh hưởng của Con đường Tơ lụa gần Ninh Hạ. Công tác khai quật ở ngôi mộ sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về lưu thông hàng hóa dưới thời nhà Đường.
Theo khoahoctv