Phát hiện “tập truyện tranh” trên vách đá từ thời La Mã cổ đại
Một ngôi mộ La Mã vừa được khai quật ở thị trấn Beit Ras, miền Bắc Jordan có một loạt bức tranh tường nối liền nhau, nổi bật với những dòng chữ như lời thoại của các nhân vật. Tất cả tạo nên khung cảnh trông hệt như một tập truyện tranh thời xưa vậy.
Hypogeum hay còn gọi là ngôi mộ dưới lòng đất này có diện tích xây dựng ấn tượng với 50 mét vuông và hai phòng tang lễ riêng biệt. Trong đó, căn phòng chính được trang trí với 4 bức tranh mô tả 260 vị thần, hình người và động vật.
Điểm nổi bật là trung tâm của các bức tranh mô tả hình ảnh một người La Mã cổ đại đang làm lễ tế các vị thần bảo trợ vùng đất Captolias (thị trấn Beit Ras ngày nay) và Caesarea Maritima, thủ phủ của tỉnh Judea.
Bức tranh thứ hai vẽ hình ảnh những người nông dân đang cày ruộng cùng trâu bò và đốn hạ cây cối với sự giúp đỡ của các vị thần. Riêng bức tranh thứ 3 miêu tả lại quá trình xây dựng một bức tường thành, trong đó có một số công nhân bị tai nạn khi trèo tường hoặc cắt đá. Cuối cùng, bức tranh thứ tư minh họa một vị linh mục đang tế thần.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tất cả bức tranh này và sự sắp xếp của chúng đang kể về một câu chuyện liên quan đến quá trình thành lập vùng đất Capitolias. Quá trình này bắt đầu với vị linh mục đang quay về hướng các vị thần để thỉnh xin ý kiến về nơi thành lập thủ phủ.
Sau đó những người công nhân bắt tay vào việc mở rộng đất đai và tăng cường khả năng phòng thủ. Kết thúc câu chuyện, cộng đồng người dân đã gửi lời tạ ơn đến các vị thần qua một buổi cúng tế khác khi mọi việc được hoàn thành.
>>> Loài người diệt vong vô số lần, biết được nguyên nhân sẽ khiến bạn sửng sốt
>>> Văn minh nhân loại từng diệt vong nhiều lần trước đó và chúng ta cũng không phải ngoại lệ?
>>> Hàng loạt dự ngôn, tiên tri, hiện tượng siêu thường đều nói tới một đại sự (Phần 1)
Trong một ấn phẩm mới nhất được phát hành, các nhà nghiên cứu khẳng định lối trang trí khác biệt có phần bất thường của ngôi mộ được tiến hành vô cùng công phu.
Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó, điều thú vị nhất mà chúng ta có thể khám phá chính là các dòng chữ đi kèm hình ảnh. Tổng cộng có khoảng 60 chữ được viết giống như những bong bóng lời thoại được sử dụng để thuyết minh cho những hành động này. Sắc thái của từng câu chữ giống như lời nói trực tiếp của các nhân vật trên tường.
Mặc dù ý nghĩa của chúng không hoàn toàn giống như nhà văn Alan Moore đã nói: “Thương thay thân tôi! Tôi đã chết rồi!”, nhưng những chữ viết hứa hẹn nhiều nghiên cứu thú vị.
Hầu hết chúng được viết bằng tiếng Aram nhưng lại sử dụng các chữ cái Hy Lạp. Đây là kiểu kết hợp độc đáo giữa hai loại ngôn ngữ chính của Trung Đông La Mã, nhưng thực tế nó còn phức tạp hơn thế. Ngoài ra, bên trong mỗi chữ đều gắn liền với các vị thần được viết bằng tiếng Hy Lạp đơn lẻ.
Theo sử sách ghi chép, vùng đất Capitolias thuộc đế quốc La Mã được gọi là Decapolis. Khu vực này bao gồm 10 thành phố lưu trữ nhiều di sản văn hóa Hy Lạp và được hưởng quyền tự chủ tương đối từ đế quốc hùng mạnh này.
Đó là lý do vì sao có rất nhiều hiện vật được phát hiện trong thị trấn Beit Ras. Tuy nhiên, việc các bức tranh trên tường được tìm thấy là một sự may mắn lớn. Công trình này được phát hiện sau khi công việc thi công đường xá bên ngoài một ngôi trường được tiến hành trong năm 2016.
Tú Văn, theo atlasobscura.com