Phát hiện ngôi mộ của Nữ hoàng Karomama hơn 3.000 năm tuổi
Tại ngôi đền Ramesseum ở bờ tây Luxor, phái đoàn khảo cổ Pháp – Ai Cập đã phát hiện một ngôi mộ có niên đại hơn 3.000 năm có ghi ‘người vợ tuyệt thế của thần Amun’, tước hiệu mà người Ai Cập cổ chỉ dành cho những phu nhân hoàng tộc.
Phát hiện này có ý nghĩa lịch sử quan trọng hỗ trợ làm sáng tỏ về Karomama, cái tên được tìm thấy trên những bức tượng nhỏ trong lăng mộ.
Ramesseum là ngôi đền mai táng của Pharaoh Ramesses II (Ramesses Đại đế) nằm tại nghĩa trang Theban ở Thượng Ai Cập, băng qua sông Nile từ phía thành phố Luxor hiện đại. Trong suốt triều đại của mình, Ramesses II đã cho xây dựng nhiều tòa nhà, theo tục lệ mai táng của hoàng gia dưới thời Tân Vương quốc, sẽ có 1 ngôi đền để tưởng niệm ông: một nơi thờ phụng dành riêng cho Ramesses II, vị thần trên Trái đất, nơi ký ức của ông vẫn sẽ được lưu lại sau khi chết.
Hãng AFP cho biết, quá trình điều tra ngôi mộ nữ hoàng hiện đang diễn ra tại đền Ramesseum. Mặc dù của cải hay cách trang trí đều không quá nổi bật nhưng ngôi mộ lại cung cấp những thông tin mới và rất quan trọng về ‘Karomama’.
“Ngôi mộ tương đối nhỏ với một cánh cửa đá dẫn đến hầm cao 5m và một phòng chôn cất, nơi những đồ dùng tang lễ, lễ vật cùng 20 bức tượng được bảo quản tốt đã được tìm thấy”, Cục trưởng Cục Cổ vật vùng Thượng Ai Cập là Abdel-Hakim Karar phát biểu với Cairo Post.
Những bức tượng nhỏ mang tên ‘Karomama’ được tìm thấy tại lối vào của lăng mộ. Bên cạnh đó, các dòng chữ tượng hình miêu tả bà là “người vợ trần thế của thần Amun”.
Bức tượng đồng độc đáo của Karomama được đặt tại viện bảo tàng Louvre.
Bảo tàng Louvre đã lưu giữ bức tượng bằng đồng độc đáo của Karomama sau khi phái đoàn Napoleon viễn chinh đến Ai Cập (1798 – 1801) và đưa bức tượng sang Pháp.
“Bà là một Thánh nữ tuyệt thế (Divine Adoratrice), một đồng trinh và là người vợ trần thế của thần Amun được thờ tại Karnak. Bà được miêu tả như một nữ hoàng, mặc chiếc áo choàng với đôi cánh kền kền”, đoạn miêu tả bức tượng của bảo tàng Louvre.
“Cuộc sống của bà đã được hiến dâng trọn vẹn cho thần Amun thông qua các nghi lễ tôn giáo do bà thực hiện trong ngôi đền Karnak, như chơi nhạc khí sistrum để làm yên lòng Amun. Bà cai trị như một vị vua trong vương quốc của riêng mình với dấu hiệu hoàng tộc; tên của bà được ghi lại trong danh sách những vị vua (cartouches)”, theo nhóm khảo cổ của Christian Leblanc, một chuyên gia khảo cổ người Pháp đang tiếp tục khai quật tại Ramesseum từ những năm 1980.
Có thể không mang lại ấn tượng từ quan điểm nghệ thuật nhưng chính nhờ sự khan hiếm của những món đồ tạo tác thuộc về Karomama, phát hiện mới chắc chắn là một phát hiện quan trọng bởi khả năng làm sáng tỏ thêm về cuộc sống của bà”, tạp chí Pharaoh Magazine trích dẫn lời của Christian Leblanc.
Dưới thời Ramesside – từ Vương triều thứ 19 (1314 – 1200 TCN) đến Vương triều 20 (1200 – 1085 TCN) – 11 vị vua đều có tên là Ramesses, do đó chưa rõ ai là người đã kết hôn với Nữ hoàng Karomama. Hy vọng công tác điều tra sẽ nhanh chóng làm sáng tỏ câu chuyện cuộc đời bà.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins