Phát hiện loài hổ lâu đời nhất trên Trái đất
Các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích loài hồ lầu đời rất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, loài hổ này đã tuyệt chủng trên Trái đất.
Tiến sĩ Andrew Kitchener và các cộng sự thuộc Viện bảo tàng quốc gia Scotland đã phát hiện được một loài hổ mới sống trên Trái đất cách đây 2,16 triệu năm cho tới 2,55 triệu năm, sau khi phân tích mẫu hóa thạch sương sọ được khai quật tại khu vực gần ngôi làng Longdan ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) vào năm 2004. Đây là loài hổ lâu đời nhất được phát hiện từ trước tới nay. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài hổ mới được phát hiện là Panthera zdanskyi – theo tên của nhà cổ sinh vật học người Áo – Otto Zdansky, người đã có nhiều phát hiện hiện mới về hóa thạch các loài ăn thịt cổ đại ở Trung Quốc. Hộp sọ của loài hổ Panthera zdanskyi khá nhỏ, chỉ bằng kích thước hộp sọ của loài hổ hiện đại nhỏ nhất. Mặc dù vậy, những đặc điểm như răng nanh, mũi dài của loài hồ Panthera zdanskyi tương đối giống với các loài hổ ngày nay. Các nhà khoa học phỏng đoán thức ăn của loài hổ lâu đời nhất thế giới là các loài động vật có móng guốc như hươu và lợn. “Việc phát hiện loài hổ lâu đời nhất từ trước tới nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa của các động vật thuộc họ mèo và mối quan hệ giữa chúng”, tiến sĩ Andrew Kitchener, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên LiveScience. Các nhà nghiên cứu cho rằng loài hổ Panthera zdanskyi là tổ tiên của loài hổ hiện đại ngày nay. Mặc dù loài hổ Panthera zdanskyi có kích thước hộp sọ nhỏ, nhưng kích thước hộp sọ đã tăng dần trong quá trình tiến hóa để có thể săn được những con mồi có kích thước lớn hơn. Loài hổ được coi là lâu đời nhất trước đó là loài hổ Panthera tigris. Hóa thạch của loài hổ này có niên đại cách đây 2 triệu năm được phát hiện ở miền trung của Trung Quốc. Kết quả phân tích hóa thạch cho thấy loài hổ Panthera tigris có chiều dài cơ thể khoảng 4m, bao gồm cả đuôi và nặng tới 300 kg. Hà Hương |
Theo VietnamNet