Phát hiện hố thiên thạch “khủng” ở Bắc cực
Các nhà nghiên cứu ở vùng phía tây Bắc cực thuộc chủ quyền của Canada đã phát hiện bằng chứng về một hố khổng lồ được hình thành khi một tảng thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái đất cách đây hàng triệu năm.||
Với kích thước khoảng 25km bề ngang, vùng cảnh quan được gọi là hố va chạm Hoàng tử Albert theo tên của khu vực bán đảo, nơi người ta phát hiện ra nó. Các nhà nghiên cứu không biết đích xác hố được tạo ra khi nào, nhưng bằng chứng còn lưu lại cho thấy nó khoảng 130 – 350 triệu năm tuổi. Theo trang Live Science, một nhóm các nhà địa chất đến từ trường Đại học Saskatchewan (Canada) đã phát hiện hố thiên thạch mới được nhận diện này trong lúc khảo sát khu vực nhằm tìm kiếm các nguồn dự trữ năng lượng và khoáng sản. Ban đầu, họ đã ngạc nhiên vì các vỉa địa tầng nghiêng dốc cheo leo hiển hiện trong các hẻm sống cũng như những đặc điểm khác của vùng lãnh nguyên bằng phẳng phía tây bắc đảo Victoria. Nhận xét về hố va chạm Hoàng tử Albert, nhà nghiên cứu Brian Pratt cho biết, bề mặt địa hình với các khối hình nón vỡ xuất hiện trong những kiểu lượn sóng đặc biệt là đặc trưng chỉ được tạo ra bởi một lực va chạm rất lớn của thiên thạch hoặc một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất. Ngoài ra, bản đồ của ông Pratt hé lộ, cấu trúc có hình vòng tròn, đặc trưng của các hố va chạm. “Các hố va chạm như thế này cung cấp cho chúng ta những bằng chứng về việc lớp vỏ Trái đất được tái sinh như thế nào và tốc độ của sự xói mòn. Chúng cũng có thể hàm chỉ những giai đoạn xảy ra sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật trong quá khứ địa chất. Đây là một khám phá rất thú vị”, ông Pratt nhấn mạnh. Hiện có khoảng 180 hố va chạm đã được biết đến trên Trái đất. Các nhà địa chất học tin rằng họ có thể phát hiện thêm vô số hố va chạm nữa nếu như quá trình vận động nâng lên của các địa tầng, hoạt động núi lửa và sự xói mòn không che giấu bằng chứng và những va chạm cổ xưa nhất. Tuấn Anh
|