Phát hiện hồ nước ngọt khổng lồ dưới đáy đại dương
Các nhà khoa học vừa tìm thấy một hồ nước ngọt khổng lồ, có thể là lớn nhất thế giới, được bao phủ dưới trầm tích ở độ sâu 180m ngoài khơi vùng bờ biển đông bắc nước Mỹ.
Một nghiên cứu mới cho thấy có một khoang nước ngọt khổng lồ phía dưới Đại Tây dương, ngay ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Mỹ. Kích thước của khoang nước ngọt khổng lồ này vẫn còn là một bí ẩn nhưng nó có thể trải dài từ ít nhất bang Massachusetts tới miền nam bang New Jersey, tương đương gần 350km.
Phát hiện nhờ công nghệ mới
Tuy phát hiện về hồ nước ngọt này rất đáng ngạc nhiên nhưng không phải là điều quá bất ngờ. Giả thuyết đầu tiên về sự tồn tại của những hồ nước ngọt dưới đáy biển xuất hiện từ những năm 1970. Khi đó, các công ty khoan dầu đôi khi đã khoan trúng nước ngọt.
Khoảng 20 năm trước, nhà nghiên cứu Kerry Key, hiện là nhà địa vật lý tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty tại Đại học Columbia ở New York, bắt đầu giúp các công ty dầu xác định các điểm nóng dầu bằng cách sử dụng hình ảnh điện từ. Gần đây, giáo sư Key muốn biết liệu công nghệ này có thể phát hiện các túi nước ngọt dưới đáy biển hay không.
Năm 2015, Key và Rob L. Evans của Viện Hải dương học Woods Hole đã dành 10 ngày trên một chiếc tàu nghiên cứu để thực hiện các phép đo ngoài khơi phía nam New Jersey và đảo Martha’s Vineyard của Massachusetts, nơi một số lỗ khoan rải rác từng khoan trúng khối trầm tích giàu nước ngọt.
Các nhà nghiên cứu đã thả các dụng cụ xuống đáy biển để đo các trường điện từ bên dưới và mức độ tác động của các yếu tố tự nhiên như gió mặt trời cùng sét cộng hưởng.
Con tàu của họ cũng kéo theo một thiết bị phát ra các xung điện từ nhân tạo và ghi lại các phản hồi tương tự từ đáy biển. Nguyên tắc hoạt động của cả hai đều dựa trên khả năng dẫn sóng điện từ của nước mặn và nước ngọt. Nước mặn dẫn sóng điện từ tốt hơn nước ngọt, do đó họ sẽ phát hiện nước ngọt ở vị trí có dải sóng điện từ thấp.
Các phân tích chỉ ra rằng hồ nước không bị phân tán. Các nhà khoa học đã thu được dải sóng điện từ gần như liên tục, bắt đầu từ bờ biển và mở rộng ra xa đến thềm lục địa. Ở đa số các khu vực, túi nước bắt đầu ở độ sâu 182m dưới đáy đại dương và đáy của chúng ở độ sâu 365m.
Quá trình hình thành hồ nước ngọt dưới biển
Theo các nhà nghiên cứu, các tầng chứa nước có khả năng ra đời vào cuối kỷ băng hà vào khoảng 20.000 đến 15.000 năm trước. Phần lớn nước trên thế giới đã bị đóng băng trong các khối băng sâu hàng dặm, khiến mực nước biển thấp hơn so với hiện tại.
Khi nhiệt độ tăng, băng tan chảy cuốn trôi một lượng trầm tích lớn tạo nên vùng đồng bằng ven biển. Và một lượng lớn nước từ các sông băng bị mắc kẹt phía dưới vùng trầm tích này. Sau đó, mực nước biển dâng lên. Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện mới cho thấy các hồ nước này cũng đang được nuôi dưỡng bởi dòng chảy ngầm từ đất liền.
Các nhà khoa học cũng cho biết nhiều khu vực khác có thể có những khoang nước ngọt khổng lồ ẩn giấu phía dưới, kể cả tại những khu vực như Úc, sa mạc Sahara.
Ngoài ra, phía gần bờ của túi nước thường ngọt nhất và mặn hơn khi ra xa. Điều này cho thấy nước bị hòa dần với nước biển theo thời gian. Nếu khai thác nước từ rìa bên ngoài của túi nước, chúng ta sẽ phải khử muối để sử dụng nhưng chi phí sẽ ít hơn nhiều so với xử lý nước biển.
Nếu có những hồ nước tương tự ở những khu vực khô nạn như California, Úc, Trung Đông hoặc Sahara châu Phi, đây có tiềm năng là một nguồn tài nguyên.
Lượng nước ngọt trên hành tinh của chúng ta đang ngày càng cạn kiệt nên việc phát hiện ra nguồn nước mới ngoài khơi bờ biển là rất thú vị và ý nghĩa. Nghĩa là sẽ có thêm nhiều lựa chọn được xem xét để giúp giảm ảnh hưởng của hạn hán và thiếu nước lục địa.
Thùy Linh (t/h)