Phát hiện hành tinh lạ có kích cỡ tương đương trái đất
Một hành tinh bên ngoài thái dương hệ chỉ cần 8,5 giờ để xoay hết một vòng xung quanh ngôi sao của nó.
National Geographic đưa tin các nhà thiên văn của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ vừa tìm thấy một hành tinh cách trái đất khoảng 700 năm ánh sáng có chu kỳ quỹ đạo cực ngắn. Kính thiên văn không gian Kepler đã phát hiện nó.
Bán kính quỹ đạo của Kepler 78b, tên của hành tinh, chỉ gấp khoảng ba lần so với bán kính của ngôi sao riêng. Do vậy, nó xoay quanh ngôi sao trong vỏn vẹn 8,5 giờ – khoảng thời gian mà phần lớn người trên trái đất dành cho giấc ngủ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ánh sáng phát ra từ Kepler 78b. Đây là lần đầu tiên con người phát hiện một hành tinh nhỏ bên ngoài hệ Mặt Trời phát ra ánh sáng. Nhờ đó mà họ có thể phân tích chi tiết cấu tạo bề mặt và các đặc tính phản chiếu của Kepler 78b. “Mặc dù kích thước của Kepler 78b tương đương trái đất, sự sống không thể tồn tại trên hành tinh đó do khoảng cách giữa nó và ngôi sao riêng quá ngắn”, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Astrophysical Journal. Theo tính toán của họ, nhiệt độ bề mặt của Kepler 78b có thể lên tới 2.760 độ C. Trong môi trường nóng như vậy, rất có thể tầng vật chất trên cùng của hành tinh đang tan chảy hoàn toàn, tạo nên một đại dương dung nham khổng lồ và chuyển động liên tục. “Con người không thể tồn tại trong một thế giới nhiều dung nham như vậy”,, Josh Winn, giáo sư vật lý của MIT, phát biểu. Thái Dương Theo Tri Thức |
Theo Zing