Phát hiện bằng chứng nền văn minh cổ đại 8.000 năm tuổi ở Kazakhstan
Việc truy tìm bằng chứng về nền văn minh cổ đại 8.000 năm tuổi ở Kazakhstan gần như rơi vào bế tắc cho đến khi hình ảnh kỳ lạ chụp từ không gian gửi về Trái Đất.
Hình ảnh về nhiều hình vẽ khổng lồ kỳ lạ như hình tròn, hình vuông, dấu chữ thập hay thậm chí là chữ vạn, được NASA vô tình chụp được nằm ở khu vực Geoglyphs, một khu vực hẻo lánh và đầy bí ẩn ở đất nước Kazakhstan.
Những hình vẽ kỳ quái này có niên đại lên tới 8000 năm tuổi, là bằng chứng chứng minh một nền văn minh cổ đại đã từng tồn tại ở Kazakhstan.
Hơn 260 hình vẽ khổng lồ và kỳ lạ đã được tìm thấy ở Geoglyphs. Hiện tại, các nhà khảo cổ đang cố gắng nỗ lực để tìm kiếm và khám phá những bí ẩn liên quan đến nền văn minh cổ đại ở Kazakhstan.
Ngoài phát hiện trên, giới khảo cổ học thế giới còn có những khám phá gây bất ngờ:
1. Bãi đá cổ Stonehenge có thể ra đời ở xứ Wales
Theo bằng chứng mới được một nhóm các nhà nghiên cứu trình bày cho biết, một trong những di tích cổ và bí ẩn nhất ở Anh, Stonehenge được dựng lên lần đầu tiên ở xứ Wales.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về dấu vết cho thấy tượng đài Stonehenge đã từng có mặt ở nơi đây từ 500 năm trước khi chúng được dựng lên ở Wiltshire như chúng ta biết ngày nay.
Các nhà khảo cổ cho hay, trong một thời gian dài, loại đá xanh tạo thành hình móng ngựa ở trung tâm tượng đài được di chuyển từ ngọn đồi Preseli ở Pembrokeshire, cách đồng bằng Salisbury chừng hơn 200 km.
Bằng chứng mới đã khiến rất nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về công trình tiền sử bí ẩn nhất nước Anh có thể đã được xây dựng lần đầu tiên ở xứ Wales và niên đại thực sự của Stonehenge.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy vỏ hạt phỉ và than gỗ tại khu vực dựng trại của những công nhân xây dựng. Những hiện vật cổ đại này được đem đi giám định bằng phương pháp đồng vị cacbon để xác định chính xác thời điểm khai thác đá.
Tuy nhiên, cấu trúc và cách sắp xếp và lý do vận chuyển những khối đá khổng lồ của công trình kỳ vĩ này, vẫn còn là một bí ẩn lớn của nhân loại.
2. Tượng nhân sư đã… 800.000 tuổi?
Theo một báo cáo trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Khảo cổ học và Địa chất học, tổ chức tại Sofia, (thủ đô của Bulgaria) có tựa đề: “Khía cạnh địa chất về vấn đề xác định niên đại của công trình tượng nhân sư”.
Báo cáo chỉ ra rằng, tượng nhân sư của kim tự tháp Giza ở Ai Cập có niên đại ít nhất 800.000 tuổi.
Tác giả của báo cáo bất ngờ này là hai nhà khoa học Manichev Vyacheslav I và Alexander G. Parkhomenko, nghiên cứu và làm việc tại Viện Địa chất học của Ukraine.
Mặc dù đưa ra những bằng chứng về thay đổi địa chất xung quanh cao nguyên Giza ở Ai Cập, song đến nay nghiên cứu này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Tượng nhân sư là một trong những tuyệt tác vĩ đại nhất của Ai Cập cổ đại cũng như toàn nhân loại. Do đó, bất cứ nghiên cứu mới nào về bí ẩn tượng nhân sư đều có sức hút đặc biệt đối với nhiều người trên thế giới.
3. Thành phố thần thoại mất tích, bỗng tìm thấy trong rừng mưa Honduras
Một trong những phát hiện khảo cổ khiến nhiều người ngỡ ngàng nhất chính là việc phát hiện ra thành phố tưởng chừng chỉ có trong truyện cổ tích vào tháng 3/2015.
Trong khu rừng mưa u tịch ở Honduras, các nhà nghiên cứu đã vô tình phát hiện ra một thành phố cổ đại mà họ tin rằng đây chính là nơi thờ thần khỉ, có niên đại lên tới hàng nghìn năm và nổi tiếng với những lời đồn thổi về những kho báu bí ẩn.
Các chuyên gia khảo cổ của chương trình National Geographic cho hay, thành phố phát hiện trong rừng mưa ở Honduras có thể chính là “Thành phố trắng” huyền thoại.
Không dừng lại ở đó, các nhà khảo cổ tin rằng phát hiện không tưởng này có thể dẫn dắt họ khám phá ra một nền văn minh cổ đại mà lịch sử chưa hề biết trước đó ở khu vực Trung Mỹ.
Theo Soha