Phấn mắt của người Ai Cập cổ đại là một dược phẩm
Rất nhiều nghiên cứu người Ai Cập cổ đại đã được phát hiện và công bố. Trong đó, phấn mắt của người Ai Cập cổ đại không chỉ là một thứ nguyên liệu bình thường, mà còn là một loại dược phẩm.
Hàng ngàn năm về trước, những người Ai Cập cổ đại đã trang điểm mắt; họ tin rằng các vị thần Horus và Ra sẽ bảo hộ những người trang điểm tránh khỏi nhiều căn bệnh về mắt và da.
Điều đó không hề mê tín, theo báo cáo của các nhà khoa học đến từ trường Đại học Pierre và Marie Curie của Pháp trong tạp chí Hóa học Phân tích số ra ngày 15/1/2010, họ đã phát hiện ra các dược tính trong nguyên liệu trang điểm.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích hóa học bằng cách quét qua kính hiển vi electron và thực hiện nhiễu xạ định lượng X-quang đối với 52 mẫu nguyên liệu trang điểm được bảo tồn tại Bảo tàng Louvre ở Paris.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng nguyên liệu trang điểm này được tạo ra bằng cách pha trộn bốn khoáng chất chì lại với nhau – khoáng chất Galen tối (chì sun-fua) và bột trắng chì (chì các-bon-nat), phosgenite (chì clo-rua các-bon-nat), và laurionite (chì clo-rua hydro-xít).
Sự cô đặc một lượng rất nhỏ các ion chì sẽ phản ứng với da và kích thích việc sản xuất vượt mức chất Ni-tơ mô-nô-xít (Ni-tơ ô-xít). Phân tử này là một sứ giả sinh học quan trọng của các động vật có vú. Một trong những chức năng của nó là kích thích hệ thống miễn dịch, các nhà nghiên cứu nói trong bản báo cáo.
“Người ta có thể lập luận rằng những hợp chất chì này đã được chủ định sản xuất và sử dụng trong các công thức của người Ai Cập cổ đại để phòng và trị các bệnh về mắt bằng cách tăng cường hoạt động của những tế bào miễn dịch”, họ viết.
Chất chì clorua các-bon-nat và chì clo-rua hydro-xít rất hiếm và không thể tìm thấy bên trong hoặc gần Ai Cập, và các cổ thư còn ghi rằng chúng đã được tổng hợp để làm thuốc.
Theo Chanhkien