PGS.TS Lê Quý Đức: “Văn hóa ép bia rượu là một tập tục lạc hậu và dã man”
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Quý Đức, việc ép nhau từng chén rượu ly bia là thói quen phản văn hóa. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, nó như một tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án chứ bản thân rượu bia không có tội.
Tai nạn gia tăng do bia rượu
Thời gian gần đây, các vụ tai nạn đau lòng có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tai nạn liên quan đến rượu bia. Các tài xế sau những cuộc vui “chén chú chén anh”, đã không còn tỉnh táo nhưng vẫn tự tin lái xe rồi gây tai nạn cướp đi mạng sống của những người vô tội, để lại đau đớn ám ảnh cho những đứa con, người chồng, người bạn – những người ở lại đối diện với mất mát lớn nhất đời mình.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng vẫn đang còn bàng hoàng, đau xót về vụ việc tài xế ô tô say rượu tông tử vong nữ công nhân môi trường khi đang làm việc. Chỉ mấy ngày sau, một tài xế khác cũng bất chấp lái xe khi còn say rượu và dẫn đến vụ tai nạn thương tâm ở hầm Kim Liên, cướp đi mạng sống của hai người phụ nữ.
Bia rượu không có lỗi, lỗi do ý thức và sự kiên định của mỗi người
Trao đổi với phóng viên, PGS – TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa cho hay, những người uống rượu bia rồi ngồi trước vô lăng cầm lái biết mình đang vi phạm pháp luật, biết mình không được tỉnh táo nhưng vẫn bất chấp tất cả. Họ coi thường pháp luật, không coi trọng mạng sống chính mình và cũng không biết nghĩ đến tính mạng của người khác để rồi tự đẩy mình vào con đường tù tội.
Ông Đức cũng nhận định thêm về việc các tài xế đổ lỗi cho việc không thể chối từ chén rượu ly bia nên phải nâng ly “làm tí” rồi gây nên hậu quả đau lòng.
Lỗi ở đây không phải là bia rượu, mà lỗi xuất phát từ chính hành vi của mỗi người… Những ai có ý thức trong các cuộc nhậu họ đều uống rượu có điểm dừng, biết từ chối đúng lúc. Không bê tha, hơn thua với bạn bè từng ly bia chén rượu. Bởi họ biết hơn thua cũng chẳng để làm gì.
Ép người khác uống rượu bia là thói quen gây phản văn hóa
Chia sẻ thêm về việc nhiều người đi nhậu có thói quen ép bạn nhậu uống đến khi say, không còn tỉnh táo. Còn người bị ép thì vì sợ ảnh hưởng công việc nên cố uống cho vừa lòng lãnh đạo, anh em.
Ông Đức cho rằng việc ép người khác uống rượu bia là thói quen phản văn hóa. Việc mời rượu là để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Nhưng những người ép người khác uống rượu bia dù biết họ còn phải lái xe về nhà đã thể hiện mình là người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa đồng thời không tôn trọng người khác.
Ông cũng nhắn nhủ những người bị ép bia rượu rằng đừng vì sĩ diện mà chiều lòng người khác, phải thẳng thắn nói “Không!”. Một lần, hai lần, đến lần thứ 3 thì chẳng ai còn muốn mời bia ép rượu mình nữa.
Cần triển khai mô hình “đưa người say về nhà”
Theo PGS -TS Lê Quý Đức, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh khi đi nhậu, người dân không nên tự lái xe đi, có thể bắt xe grab hoặc xe taxi. Khi đó tâm lý mình nhậu sẽ thoải mái hơn, nhậu xong mình có người đưa về, vừa an toàn lại đỡ mệt cho bản thân.
Trên thế giới và ở cả Việt Nam, mô hình “đưa người say về nhà” cũng đã được áp dụng. Tuy nhiên, bên phương Tây họ thực hiện tốt hơn Việt Nam vì nước ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Trao đổi về việc làm sao để hạn chế những hậu quả đáng tiếc do bia rượu gây ra, ông Đức cho rằng, cần phải có sự giáo dục từ gia đình cho đến trường học dành cho lớp trẻ nhằm hình thành nên tư tưởng không được tùy tiện.
Những nơi như công sở thì thủ trưởng phải làm gương cho các nhân viên, mọi người cùng xây dựng một môi trường làm việc văn minh hiện đại. Nhà nước, cơ quan chức năng cũng cần đưa ra các chế tài xử phạt nặng hơn cho những hành vi này.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: