Oxford Economics: Nhập khẩu Trung Quốc giảm 4%
Nếu kinh tế Trung Quốc “hắt xì hơi”, toàn thế giới có thể bị ốm. Đó là một câu nói thường được sử dụng trong năm nay.
Tác động đến thương mại
Oxford Economics cho biết nhập khẩu của Trung Quốc từ đầu năm đến nay giảm 4%, trong khi năm ngoái lại tăng khoảng 4% và tăng trung bình 11% trong giai đoạn 2004-2014.
Riêng con số đó đã khiến tăng trưởng GDP toàn cầu mất đi 1 điểm phần trăm, trong khi 1 thập kỷ qua Trung Quốc lại giúp cho GDP toàn cầu tăng thêm 1 điểm điểm phần trăm.
Những ảnh hưởng của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đến thương mại toàn cầu là không đồng đều, với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chịu tác động nặng nhất.
Điều này được thể hiện qua việc xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng lượng xuất khẩu của Australia, hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Đài Loan và Hàn Quốc, gần 20% tổng lượng xuất khẩu của Nhật Bản và 10-15% tổng xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á lớn khác.
Tác động đến hàng hóa
Trung Quốc là một nước tiêu thụ hàng hóa lớn, chiếm 1/2 nhu cầu thế giới về quặng sắt, xi măng và than, 1/4 nhu cầu toàn cầu về đậu tương và 11% nhu cầu về dầu mỏ.
Một sự chuyển đổi mạnh từ phát triển công nghiệp và xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đang gây sức ép lớn cho các nước xuất khẩu hàng hóa, nhưng lại thực sự mang lại lợi ích cho các quốc gia nhập khẩu lớn.
Tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nền kinh tế phát triển vào Trung Quốc đạt mức 1,5 nghìn tỷ USD. Theo tính toán của Oxford Economics, lợi nhuận từ các khoản đầu tư này có thể đứng ở mức khoảng 130 tỷ USD/năm.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc có thể làm tăng áp lực đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo đó sẽ châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu.
Oxford tính toán rằng giá cổ phiếu giảm 15% sẽ khiến GDP thế giới giảm đi 0,4-0,7% sau 2 năm.
Tác động đến thị trường tài chính
Có một rủi ro rõ ràng rằng tăng trưởng của Trung Quốc nếu tiếp tục giảm tốc có thể tạo ra những cú sốc tài chính ở Trung Quốc và sau đó sẽ lan ra thế giới, nhưng thị trường tài chính của Trung Quốc đang có sự liên thông với thế giới ít hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn như Mỹ.
Đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu Trung Quốc đạt tổng cộng khoảng 700 tỷ USD, và vào các công cụ nợ khoảng 200 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 3 nghìn tỷ USD đầu tư vào cổ phiếu và 7 nghìn tỷ USD đầu tư vào công cụ nợ tại Mỹ năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra.
Tuy nhiên, rủi ro sẽ lớn hơn nhiều nếu tính cả Hồng Kông và Đài Loan. Trong trường hợp này, Anh sẽ gặp nhiều rủi ro nhất khi có khối tài sản trị giá 590 tỷ USD liên đới tới khu vực này, tiếp đến là các ngân hàng của Mỹ khoảng 198 tỷ USD, và Nhật Bản khoảng 172 tỷ USD
Theo ndh.vn