Ông Tập Cận Bình sẽ dùng độc tài để chấm dứt nền độc tài?
Truyền thông Hong Kong mới đây đã đưa ra nhận định về vấn đề sửa đổi Hiến pháp của Trung Quốc, cho rằng việc hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước là bước đầu để ông Tập Cận Bình xây dựng chế độ Tổng thống.
Liên quan đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới thông qua sửa đổi Hiến pháp hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, truyền thông nhà nước Trung Quốc giải thích là để duy trì “tam vị nhất thể” của chức vụ này với chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên một bài viết trên Minh Báo (Mingpao) của Hong Kong ngày 11/3 cho rằng thực ra đây không phải vấn đề, vì trước đây ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không cần “tam vị nhất thể”, nhưng không ảnh hưởng đến quyền uy tuyệt đối về chính trị của họ.
Bài viết suy đoán: Mục đích thực sự của việc ông Tập Cận Bình sửa đổi Hiến pháp, không loại trừ “hiện thực hóa” quyền lực của Chủ tịch nước, cuối cùng phát triển thành chế độ Tổng thống. “Nhưng điều này không thể đạt được trong lần sửa đổi Hiến pháp lần đầu, phải chờ xem có thể trao quân quyền cho vị trí Chủ tịch nước không…”
Bài viết nhìn lại những thay đổi trong quyền lực của vị trí Chủ tịch nước Trung Quốc trong lịch sử của ĐCSTQ.
Năm 1954, Hiến pháp đầu tiên của ĐCSTQ xác định rõ, Chủ tịch nước là nguyên thủ tối cao của Nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch nước có thể kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và “chỉ huy lực lượng vũ trang toàn quốc”. Hiến pháp này không quy định giới hạn nhiệm kỳ của chức vụ Chủ tịch nước.
Vào thời điểm đó, Chủ Tịch nước là ông Mao Trạch Đông, và toàn bộ quyền lực tối cao của quốc gia nằm trong tay ông. Nhưng Mao Trạch Đông chỉ làm Chủ tịch nước khóa đầu tiên, 5 năm sau vì sai lầm “Đại nhảy vọt” mà Mao bị buộc phải từ chức, chức Chủ tịch nước do ông Lưu Thiếu Kỳ kế nhiệm, nhưng Mao vẫn đứng sau hậu trường thao túng quyền lực.
Năm 1967, Mao phát động Cách mạng Văn hóa, triệt để hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ, vào năm 1970 ĐCSTQ lại thảo luận về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, Mao Trạch Đông kiên quyết từ chối tái nhiệm làm Chủ tịch nước, cuối cùng khi thông qua Hiến pháp mới vào năm 1975 đã hủy bỏ chức vụ này, đồng thời chỉ định Chủ tịch Ủy ban Trung ương “chỉ huy lực lượng vũ trang toàn quốc”, trao các hoạt động lễ nghi của quốc gia cho Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (hay Chủ tịch Quốc hội) phụ trách.
Sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, Hiến pháp mới được công bố vào năm 1982 do ông Đặng Tiểu Bình chỉ đạo sửa đổi, mặc dù khôi phục chức Chủ tịch nước nhưng không khôi phục lại quân quyền của vị trí này, còn lập ra chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương để chỉ huy lực lượng vũ trang quốc gia.
Trong thời gian ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền lực cao nhất, vị trí Chủ tịch nước lần lượt trao cho ông Lý Tiên Niệm (kể từ tháng 6/1983) và ông Dương Thượng Côn (từ 1988), chức vụ này trở thành chức hữu danh vô thực, quyền lực rất hạn chế.
Năm 1989, sau sự cố Thiên An Môn ngày 4/6, uy tín của Đặng Tiểu Bình trong lòng dân hoàn toàn không còn, dần dần Đặng phải rút lui khỏi vũ đài chính trị. Đến thời Giang Trạch Dân, từ năm 1993 Giang đã nắm trọn toàn bộ các chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hình thành cái mà ĐCSTQ ngày nay gọi là “tam vị nhất thể” của hệ thống chính trị.
Nhìn lại những thay đổi lịch sử như kể trên trên, bài viết trên truyền thông Hong Kong đưa ra kết luận: Chủ tịch nước Trung Quốc hiện nay không nắm quân quyền, không có thực quyền gì ngoài việc chủ trì vô số hoạt động lễ nghi vụn vặt. Vì vậy, mục đích thực sự của việc ông Tập Cận Bình sửa đổi Hiến pháp này không loại trừ để “hiện thực hóa” quyền lực của chức vụ này, và cuối cùng phát triển thành chế độ Tổng thống. Nhưng mục đích này không thể đạt thành trong lần đầu sửa đổi Hiến pháp này của ông Tập.
Về việc Trung Quốc chuyển sang chế độ Tổng thống này đã có tin đồn ngay từ trước Đại hội 19, tuy nhiên sau Đại hội 19 vấn đề này lắng xuống, không mấy ai còn tưởng tượng ông Tập Cận Bình sẽ bước sang con đường dân chủ. Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình không thể triệt để thay đổi diện mạo đất nước chừng nào còn giữ chế độ độc tài một đảng.
Ngày 28/2, trong một cuộc phỏng vấn Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV, Mỹ), nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) cho biết: “Bây giờ vẫn có một số người thiện chí mong muốn ông Tập Cận Bình noi theo ông Tưởng Kinh Quốc, dùng độc tài kết liễu chế độ độc tài, dùng quyền lực cá nhân kết liễu chế độ cai trị độc đảng.
Nhưng đồng thời cũng lo lắng, nếu cuối cùng ông Tập không bỏ chế độ chuyên chế độc đảng, quyền lực cá nhân ông ta lớn đến mức không ai dám chất vấn chính sách của ông ta, điều này sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia, chẳng hạn như rơi vào những trường hợp thảm họa trong quá khứ như Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa…”
Ông Đường Tĩnh Viễn chỉ ra, chừng nào ĐCSTQ còn cai trị thì còn phải đối mặt với vấn đề tính hợp pháp, rất khó giải quyết được. Nếu chất liệu của bình có độc thì bất kể đổ rượu mới nào vào cũng không uống được.
Theo Trithucvn