Ông Tập Cận Bình được bảo vệ với mức độ “chưa từng có” trong hội nghị Bắc Đới Hà
Truyền thông bên ngoài Trung Quốc đưa tin, hội nghị Bắc Đới Hà đã chính thức diễn ra. Để đảm bảo an toàn, ông Tập Cận Bình được sắp xếp ở trong căn “biệt sự số 0”, có lắp đặt gia cố kính chống đạn.
An ninh được thắt chặt tại hội nghị Bắc Đới Hà
Theo trang mạng tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình đã đến Bắc Đới Hà và ở tại căn “biệt thự số 0”. Quy mô và mức độ đảm bảo an ninh của Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay là “chưa từng có trong lịch sử”.
Vì Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã cận kề, nên không cho phép có bất cứ sơ suất nào. Các biện pháp an ninh và phòng vệ tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà của cơ quan trực thuộc trung ương đã được nâng lên mức cao nhất.
Một người nắm rõ tình hình tại Trung Nam Hải cho biết, “nhất là căn biệt thự số 0 mà ông Tập Cận Bình ở, nó được gia cố lắp đặt kính chống đạn”. Theo đó, sau khi ông Tập Cận Bình tới Bắc Đới Hà, đã có 3 lần “xuống biển” tắm, mỗi lần đều được bảo vệ bởi hơn 200 cảnh sát biển đã qua lựa chọn và xét duyệt nghiêm ngặt, có thể nói ông Tập đã “khoác” lên người rất nhiều “phao cứu sinh”.
Theo đài truyền hình NTDTV dẫn nguồn tin cho biết, cuối tháng 7, Bắc Đới Hà đã chuyển sang trạng thái phòng bị dày đặc, người và xe cộ ra vào đều phải qua nhiều lớp kiểm tra. Bắc Đới Hà đã trở thành khu vực quan trọng được cảnh sát vũ trang, đặc cảnh, công an, biên phòng và các quân chủng liên hợp phòng thủ giám sát.
Ngày 5/8, trang tin Đông Võng (Hong Kong) cho biết, hiện tại tất cả các đường đi đến Bắc Đới Hà đều dày đặc các chốt kiểm tra, trên các giao lộ cao tốc tất cả người và xe cộ đều phải được kiểm tra, đồng thời phải làm giấy thông hành, sau khi vào trong khu vực Bắc Đới Hà, vẫn cần phải được kiểm tra lại lần nữa tại các chốt kiểm tra 24/24h của cảnh sát vũ trang, đặc cảnh và công an.
Bản tin còn nói, tất cả các nhân viên chấp pháp và tuần tra đều có thể tiến hành “ngũ kiểm” với bất cứ người nào và vào bất cứ thời gian nào, tức là kiểm tra xe, kiểm tra các loại giấy tờ, kiểm tra túi đồ, kiểm tra điện thoại, kiểm tra wechat.
Một người phụ trách điều dưỡng của “cơ quan trực thuộc trung ương” nói: “Tôi đảm nhận công việc này đã nhiều năm, lần bận rộn và căng thẳng nhất, có thể nói chính là mùa hè năm nay tại Bắc Đới Hà, mức độ phòng bị nghiêm ngặt vượt qua cả thời ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào”.
Bắc Đới Hà – Nơi quyết định vận mệnh Trung Quốc
Bắc Đới Hà là địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Bắc, nằm cạnh biển Bột Hải và cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía Đông.
Không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng, vào mùa hè Bắc Đới Hà còn trở thành trung tâm chính trị của Trung Quốc. Nơi này được mệnh danh là Trại David của Trung Quốc (Trại David là nơi các tổng thống Mỹ thư giãn và nhóm họp với các cố vấn, tiếp đón các vị lãnh đạo nước ngoài).
Trong nhiều thập kỷ, các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc thường có mặt tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà để tham dự cuộc họp thường niên nhằm bàn thảo về phương hướng những chính sách quan trọng và những thay đổi nhân sự quan trọng.
Đây là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những quyết sách quan trọng trong lịch sử, trong đó có kế hoạch “Đại nhảy vọt” thời Mao Trạch Đông.
Truyền thống họp không chính thức ở Bắc Đới Hà bắt đầu vào năm 1953, khi các lãnh đạo Trung Quốc tới đây họp hành vào mỗi mùa hè để tránh nắng nóng ở thủ đô. Hội nghị Bắc Đới Hà thường tổ chức vào tháng 8, khoảng thời gian giữa Hội nghị nửa đầu năm của Bộ chính trị (cuối tháng 7) và Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc tổ chức vào mùa thu.
Tất cả các cuộc họp này đều là diễn ra kín và không có trong chương trình nghị sự chính thức. Trên thực tế, cách duy nhất để biết được lúc nào nó diễn ra là sự vắng mặt của giới lãnh đạo cấp cao trên các bản tin truyền hình buổi tối.
Trong những năm gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có những thay đổi khi đưa tin liên quan đến sự kiện này, tuy nhiên chỉ mới dừng ở mức độ thông báo về cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo và các chuyên gia trong thời gian nghỉ dưỡng.
An ninh được tăng cường xung quanh khu nghỉ mát nổi tiếng và sự hiện diện của những chiếc xe sedan là tín hiệu cho người dân địa phương biết rằng các lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước đang có mặt tại khu vực.
Vị thế của ông Tập tại hội nghị năm nay
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được cho là đã tới khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà ở Hà Bắc. Giới phân tích cho rằng cuộc họp kín năm nay rất quan trọng bởi nó diễn ra chỉ vài tuần sau khi một Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc bị cách chức, điều tra vì “vi phạm kỷ luật” và ngay trước thềm đại hội Đảng.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19 sẽ chứng kiến thay đổi lớn trong giới lãnh đạo, một số quan chức hàng đầu sẽ được thay thế. Hội nghị Bắc Đới Hà lần này nhiều khả năng là nơi các lãnh đạo về hưu và đương nhiệm của Đảng Cộng sản thảo luận để thương lượng và chốt danh sách các ứng viên cho các vị trí hàng đầu.
Tuy nhiên, tờ SCMP dẫn lời một số nhà phân tích chính trị nhận định, tại hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, ông Tập hình như nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của cá nhân ông thay vì tham vấn các cựu lãnh đạo theo truyền thống.
“Quyền kiểm soát Đảng, kiểm soát chính phủ và kiểm soát quân đội tất cả đều ở trong tay ông Tập”, ông Trần Đạo Ngân, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải nói, “Cấu trúc chính trị hiện nay đồng nghĩa với việc không có ai có thể có ý kiến trái ngược với ông ấy”.
Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc mới đây ở Nội Mông, ông Tập là lãnh đạo nhà nước duy nhất có mặt. Sau đó, trong một bài diễn văn dài về an ninh quốc gia trước các quan chức cấp cao của đảng và nhà nước, ông Tập không một lần đề cập đến hai người tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Đây rõ ràng là sự loại bỏ có chủ ý, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định. Các lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống tôn vinh những người tiền nhiệm còn sống, vốn vẫn duy trì ảnh hưởng lớn trong đảng thông qua mạng lưới những thuộc hạ thân tín.
Các cuộc diễu binh trước đây đều diễn ra trên Đại lộ Trường An ở thủ đô Bắc Kinh với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo về hưu bên cạnh các lãnh đạo đang tại chức trên lễ đài ở quảng trường Thiên An Môn.
Nhà sử học Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh nhận định rằng, theo thông lệ thì các lãnh đạo về hưu được tham gia vào các hoạt động chính trị, nhưng ông Tập giờ đây đang xa rời thông lệ đó và dồn nỗ lực để củng cố quyền lực cá nhân, tìm cách đưa những người thân tín vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định chính sách tối cao, càng nhiều càng tốt.
Giáo sư Vương Chính Tự, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở Đại học Nottingham nói, ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo về hưu đã suy giảm dần trong thập niên qua: “Ông Tập sẽ hành động nhiều hơn trong vấn đề này. Ông có thể ngăn các nhà lãnh đạo về hưu tham gia chính sự bằng cách thay đổi hệ thống”.
TinhHoa tổng hợp