Ông Lý Quang Diệu xuất chúng nhất trong mắt nhiều lãnh đạo thế giới
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu không chỉ được nhân dân tin yêu mà còn được nhiều lãnh đạo thế giới thán phục. Hầu hết những người từng gặp ông đều nhận xét ông là nhà lãnh đạo xuất chúng nhất.
Sau đây là những nhận xét của các nhà lãnh đạo trên thế giới về ông Lý Quang Diệu: Ông Barack Obama, đương kim Tổng thống Mỹ: “Ông Lý là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21. Ông là người đã giúp mở ra điều kì diệu đối với nền kinh tế Châu Á”. (29/10/2009).
Ông Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của Mỹ:”Cuộc đời phục vụ công chúng của ông Lý rất vĩ đại và đáng chú ý… Những thành quả của ông với vai trò là thủ tướng và bộ trưởng cố vấn đã giúp hàng triệu người Singapore và trên khắp khu vực Đông Nam Á có một cuộc sống tốt hơn, thịnh vượng hơn. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tiếp tục những di sản của ông Lý Quang Diệu…Tôi xin cảm ơn các bạn (Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN) vì đã tôn vinh một con người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ”. (27/10/2009) Ông George H.W. Bush, Tổng thống thứ 41 của Mỹ: “Trong sự nghiệp của mình, tôi đã gặp rất nhiều người thông minh, nhưng không ai ấn tượng bằng ông Lý Quang Diệu”. (Lời bình cho cuốn My Lifelong Challenge: Singapore’s Bilingual Journey của Lý Quang Diệu, 2011). Ông Jacques Chirac, Tổng thống Pháp (1995-2007): “Ông Lý Quang Diệu đã tập hợp quanh mình những con người tài giỏi nhất, biến các tiêu chuẩn chính xác nhất thành một hệ thống chính phủ. Dưới sự lãnh đạo của ông, tính ưu việt của các lợi ích chung, sự sùng bái giáo dục, làm việc và tiết kiệm cùng khả năng đoán trước những nhu cầu của đất nước đã giúp Singapore “đi tắt thành công”. (Lời bình cho cuốn From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000 của ông Lý Quang Diệu, 2000).
Ông F. W. de Klerk, Tổng thống Nam Phi (1989-1994): “Nhà lãnh đạo tôi thấy ấn tượng nhất là ông Lý Quang Diệu của Singapore…Ông đã đưa ra những quyết định đúng đắn cho đất nước mình; ông lựa chọn những giá trị đúng và những chính sách kinh tế phù hợp để đảm bảo sự phát triển và thành công của một xã hội. Ông là một họa sĩ đang vẽ trên tấm vải lớn nhất mà xã hội cung cấp. Ông cũng là một trọng tài xuất sắc của thế giới. Ông đã đưa ra những nhận xét rất thiết thực về tình hình của chúng tôi ở Nam Phi khi tôi gặp ông vào đầu những năm 1990”. (30/3/2012) Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc: “Ông Lý Quang Diệu là bậc tiền bối mà chúng tôi kính trọng. Cho đến tận hôm nay, ông vẫn làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy mối quan hệ song phương của chúng tôi và tôi hoàn toàn ngưỡng mộ ông”. (23/5/2011) Ông Tony Blair, Thủ tướng Anh (1997-2007): “Ông Lý là nhà lãnh đạo sáng suốt nhất mà tôi đã từng gặp”. (Một nhận xét trong cuốn A Journey: My Political Life của Blair năm 2010).
Bà Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh (1979-1990): “Khi còn đương nhiệm, tôi đã đọc và phân tích mọi phát biểu của ông Lý Quang Diệu. Ông ấy có cách thức diễn đạt và giải quyết các vấn đề của thời đại một cách đặc biệt rõ ràng. Ông ấy chưa bao giờ sai lầm”. (Lời bình cho cuốn From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000 của Lý Quang Diệu, 2000). Ông Helmut Schmidt, Thủ tướng Đức (1974-1982): “Ngay khi gặp người bạn Lý Quang Diệu, tôi đã rất ấn tượng với trí tuệ tuyệt vời và tầm nhìn của ông ấy. Những thành tựu trong đời ông với cương vị là một nhà lãnh đạo chính trị và một chính khách thật vĩ đại. Những thành tựu kinh tế và xã hội của Singapore hiện đại có được là nhờ vào việc ông đã thiết lập một khuôn khổ chính trị phù hợp cho một nước Singapore phức tạp”. (Lời bình cho cuốn My Lifelong Challenge: Singapore’s Bilingual Journey của ông Lý Quang Diệu, 2011). Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ (2009 -2/2013): “Tôi rất vui được chào đón ngài Bộ trưởng cố vấn tới đây (Nhà Trắng) ngày hôm nay. Singapore là đối tác đáng quý và lâu dài của chúng tôi trong rất nhiều vấn đề quan trọng. Và tôi nghĩ hoàn toàn công bằng khi nói rằng, thưa ngài Lý Quang Diệu, có rất nhiều người ngưỡng mộ ngài. Ngài xứng đáng nhận giải thưởng quan trọng (Giải thường Thành tựu Trọn đời của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN] được trao cho thành tựu trọn đời của ngài, và tôi cùng với nhiều người Mỹ khác cảm ơn vì sự cống hiến của ngài”. (26/10/2009). PHẠM KHÁNH (Tổng hợp) |
Theo Infonet