Ông lão 99 tuổi nhớ lại nỗi kinh hoàng trong Nạn Đói Lớn mà Liên Xô gây ra
Khi Fedir Habelko còn là một cậu thiếu niên ở quê hương Ukraine vào đầu những năm 1930, ông đã từng chứng kiến một trong những tội ác lớn nhất của thế kỷ 20 do Đảng Cộng sản Liên Xô gây ra, mà nhiều người vẫn chưa biết.
Theo một số học giả, hàng triệu người đã bị chết khi nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin bỏ đói dân chúng, dẫn đến Nạn Đói Lớn ở Ukraina. Đối với họ, bi kịch năm đó được gọi là “tội ác diệt chủng dân tộc Ukraina”.
Stalin theo đuổi các mục tiêu chính trị để ngăn chặn các phong trào đòi độc lập của người Ukraina và để củng cố chính quyền Liên Xô tại Ukraina. Trước đó, Liên Xô đã hành động mạnh với giới trí thức và các giáo sĩ người Ukraina. Giữa năm 1926-1932, 10.000 giáo sĩ bị thủ tiêu bởi những người Bolshevik.
Vào năm 1931, hơn 50.000 trí thức bị trục xuất đến những trại cưỡng bức lao động khét tiếng tàn bạo ở Siberia. Sau đó, Đảng Công sản Liên Xô (ĐCSLX) bắt đầu đối phó với những người nông dân, những người vẫn còn “ngoan cố chống lại” tập thể hóa. Trong tinh thần “Nga hóa”, văn hóa riêng của Ukraina bị loại bỏ để chỉ còn một nền văn hóa Xô Viết.
Nán Đói Lớn bắt đầu với một đợt hạn hán nghiêm trọng vào mùa đông và mùa xuân năm 1931/1932 và kéo dài cho đến tháng 7/1933. Mặc dù dân cư nông thôn bị thiếu ăn, nhưng các chính phủ vẫn tăng tỷ lệ thuế đến 44%. Lương thực chủ yếu được bán ra để thu ngoại tệ trên thị trường thế giới.
Nạn đói đã được dự đoán từ năm 1930 bởi các viện nghiên cứu và cố vấn cho ĐCSLX, nhưng hầu như không có hành động phòng ngừa nào được thực hiện.
Trong cuộc tập thể hóa nông nghiệp đã xảy ra nạn đói nhiều lần tại khu vực của Liên Xô, kể từ khi tiếp quản bởi những người Bolshevik từ năm 1917 sau Cách mạng tháng 10. Không giống như ở các vùng khác bị ảnh hưởng bởi hạn hán, chính quyền đã đóng cửa biên giới Ukraine để ngăn cấm xuất cảnh ngay từ đầu nạn đói, làm cho người dân không thể ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Các lữ đoàn Bolshevik truy lùng thực phẩm cất giấu của nông dân để bắt họ nộp thuế. Nhiều nông dân bị mất tất cả tài sản của họ và kết thúc như người ăn xin ở các thành phố.
Fedir Habelko, người sống sót sau nạn đói, đã chia sẻ với trang Herald Sun trong một cuộc phỏng vấn gần đây, về những ký ức của ông trong thời kỳ kinh hoàng này.
Trong suốt Nạn Đói Lớn, thời kỳ đã giết chết khoảng 2,5 đến 7,5 triệu người Ukraina trong năm 1932-1933, các quan chức cộng sản đã cố gắng ngăn chặn mọi người có được thức ăn nhằm buộc nông dân vào tập thể hóa nông nghiệp. Ông Habelko, 99 tuổi, di cư đến Melbourne sau chiến tranh, nói rằng Stalin đã bán lúa mì Ukraina cho châu Âu trong khi người ta chết đói.
Habelko cho biết: “Tôi còn nhớ như in một ngày khi đang trên đường đi học qua một nhà ga, tôi bắt gặp gần đó một phụ nữ cùng một đứa trẻ nằm trên người cô, cả hai đều đã chết.
Đến trường học, chúng tôi được cho ăn một chén súp, dường như chỉ có 3 hạt đậu đơn độc trong đó, kèm theo là một mẩu bánh mì nhỏ”. Ông nói, cha ông còn có thể bắt được cá trong một con sông cạnh trang trại nhà ông, nhưng rất nhiều khác không được may mắn như vậy.
Ông nói: “Một số người thân của chúng tôi đã bị chết đói”. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện về ăn thịt đồng loại.
“Sự sống lúc ấy là một cuộc đấu tranh về mặt đạo đức cũng như vật chất”, theo cuốn sách “Những vùng đất đẫm máu: Châu Âu giữa Hitler và Stalin” của nhà sử gia của Hoa Kỳ Timothy Snyder.
Ông nói thêm: “Một nữ bác sĩ đã viết thư cho một người bạn vào tháng 6/1933 kể rằng cô vẫn chưa trở thành người ăn thịt chó, nhưng “không chắc chắn tôi sẽ không làm vậy khi bức thư này đến được chỗ cậu’. Những người tốt chết trước. Những người từ chối ăn cắp hoặc bán rẻ danh dự và những người cho người khác thức ăn lần lượt qua đời. Tiếp đến là những người từ chối ăn thịt các thi thể đã chết. Những người từ chối giết đồng bào của họ cũng ra đi. Những người cha mẹ chống lại việc ăn thịt người cũng chết trước khi con cái họ làm vậy”.
Ông Ngộ La Văn, một nhà văn hiện đang sinh sống ở Mỹ cho biết: “Nạn Đói Lớn của Ukraina là do con người gây nên chứ không phải là môi trường tự nhiên tạo thành. ĐCSLX là một chính quyền tàn ác, coi rẻ sinh mạng con người, nên đã cố ý cướp đoạt hết lương thực”.
Năm 1991, sau khi Ukraina độc lập, rất nhiều chính trị gia và học giả Ukraina cho rằng, Nạn Đói Lớn là loại tội ác diệt chủng Ukraina của ĐCSLX.
Đầu năm 2002, cựu Tổng thống Ukraina, ông Leonid Kuchma đã ký pháp lệnh, xem thứ 7 tuần thứ 4 của Tháng 11 là “ngày tưởng niệm Nạn Đói Lớn”.
Tuy nhiên, ĐCSLX vẫn phủ nhận Nạn Đói Lớn đã từng xảy ra cho đến cuối những năm 1980, ngay trước khi nó sụp đổ. Còn chính phủ Nga ngày nay vẫn phủ nhận đó là một vụ diệt chủng.
Video: Những ký ức về một trong những tội ác lớn nhất thế kỷ 20
Tổng hợp