Ông Kim Jong-un đã ra lệnh hạ sát anh trai mình?
Trong khi chưa có kết luận chính xác từ các nhà điều tra Malaysia, đã có rất nhiều nguồn tin cho rằng ông Kim Jong-un chính là người đã ra lệnh hạ sát người anh trai cùng cha khác mẹ của mình, Kim Jong-nam.
Kim Jong-nam, con trai của Kim Jong-il và nữ diễn viên nổi tiếng Song Hye-rim
Kim Jong-nam sinh vào tháng 5/1971 tại Bình Nhưỡng. Mẹ ông, bà Song Hye-rim là một ngôi sao nổi tiếng tại Bắc Hàn, sở hữu một lượng lớn người hâm mộ trong đó có ông Kim Jong-il. Bà là con gái một gia đình trí thức Hàn Quốc di cư sang Triều Tiên trong chiến tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Bà Song Hye-rim lớn hơn ông Kim Jong-il 6 tuổi. Khi hai người bắt đầu mối tình, bà vẫn còn đang vợ của một người đàn ông khác, hai người đã có 1 người con.
Vì đây là một mối quan hệ không chính thống, nên trong nhiều năm ông Kim Jong-il đã giấu cha mình, cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, về người vợ và con trai.
Kim Young-soon, một vũ công nổi tiếng cùng thời với bà Song, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2003, tiết lộ bà đã bị bỏ tù vì hé lộ chuyện của ông Kim Jong-il. Bà Kim Young-soon kể lại, một ngày bà gặp lại bà Song Hye-rim, bà Song khoe với bà rằng, đã chuyển đến Bình Nhưỡng và sống trong “một khu dinh thự 5 tầng” – ngôi nhà dành cho giới quý tộc của Triều Tiên. Bà Kim hiểu điều này có ý nghĩa gì, người bạn của bà đã trở thành vợ của ông Kim.
Khi Kim Jong-nam chào đời, Kim Jong-il đang được lựa chọn làm người kế vị ông Kim Nhật Thành, nếu như chuyện này bị tiết lộ chắc chắn sẽ gây nhiều bất lợi cho tham vọng chính trị của ông.
Kim Jong-nam sống ẩn nấp trong một dinh thự tại Bình Nhưỡng.
Vì gặp nhiều vấn đề sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, nên bà Song Hye-rim phải ra nước ngoài điều trị, bà mất tại Nga vào năm 2002. Kim Jong-nam sống với bà ngoại cùng dì, Song Hye-rang.
Kim Kyong-hui (em gái Kim Jong-il) đã từng có ý định đưa Kim Jong-nam về nuôi khi ông còn rất bé. Tuy nhiên, chuyện này không thành, sau đó bà Kim vẫn luôn hỗ trợ Kim Jong-nam.
Ông Kim Jong-il rất yêu quý con trai của mình, luôn gọi điện cho con khi vắng nhà. Sau một thời gian dài, Jong-nam cũng gây dựng được chút tình cảm với ông nội Kim Nhật Thành.
Năm 1979, Jong-nam bắt đầu 10 năm đi du học tại Nga, Thụy Sĩ, ông rất giỏi tiếng Pháp và Anh. Cuối thập niên 1980, ông trở lại Triều Tiên.
Vì có nhiều cơ hội tiếp xúc thế giới bên ngoài và không thích sống cô độc ở Bình Nhưỡng và Wonsan, những điều này đã khiến ông đặt câu hỏi về hệ thống chính trị và kinh tế của Triều Tiên.
Trong một cuốn sách của nhà báo người Nhật Bản, ông Kim Jong-nam từng nói: “Cha tôi đã cố gắng che giấu một sự thật là ông ấy đã sống với mẹ, một người đã kết hôn, một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng, vì vậy tôi không bao giờ được ra khỏi nhà hay có bạn bè. Cô đơn từ thời thơ ấu có thể đã làm nên tôi bây giờ, thích tự do”.
Ông Kim Jong-il rất giận con trai mình, từng có lần ông Jong-il dọa đưa Jong-nam vào một trại tù làm lao động mỏ than.
Thay vì bị đưa đi tù, Jong-nam đã trải qua những năm tháng tuổi 20 bằng những yêu cầu và kì vọng không thực tế từ cha của mình.
Kim Jong-nam chưa bao giờ là ứng cử viên thích hợp cho vị trí kế nhiệm lãnh đạo của Triều Tiên, nhưng ông được giao cho rất nhiều nhiệm vụ kinh doanh của gia đình.
Hồi năm 1990, khi hàng ngàn người Triều Tiên chết đói, Jong-nam đã tham gia hoạt động kiểm toán, xem xét tình hình tài chính của các nhà máy quốc doanh.
Tại đây, Jong-nam được chứng kiến những vụ hành hình các quản lý của nhiều nhà máy bị tố cáo biển thủ. Những chuyện này đủ khiến Jong-nam thất vọng về đất nước và hệ thống chính trị mà ông và cha dẫn dắt.
Cuối thập niên 1990, Kim Jong-nam kết hôn và có một vài người con.
Từ đầu những năm 2000, ông Jong-nam bắt đầu sống ở nước ngoài, chủ yếu là Macau, ông cũng có nhà riêng tại Bắc Kinh.
Ông được giao nhiệm vụ quản lý một số tài khoản gia đình có giá trị lên tới hàng tỷ USD và một vài hoạt động kinh doanh ngầm của Triều Tiên.
Mặc dù, Jong-nam từng dính dáng đến những hoạt động buôn bán ma túy hay buôn lậu vũ khí, nhưng ông giữ một nhiệm vụ quan trọng trong việc hợp pháp hóa những khoản tiền kiếm được từ các hoạt động phi pháp. Rõ ràng, không ngẫu nhiên khi Jong-nam thường xuyên qua lại những casino ở châu Á. Việc này biến Jong-nam trở thành tay chơi có tiếng tại các sòng bài trên khắp khu vực này.
Sự cạnh tranh trong gia đình
Trong một lần, khi uống rượu say, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã khóc và mắng vợ mình bà Song Hye-rim: “Cô chính là thủ phạm. Cô cướp con trai tôi”.
Cuối thập niên 1970, Kim Jong-il quen một vũ công người Nhật Bản gốc Triều Tiên, Ko Yong-hui.
Sau khi Jong-nam bỏ ra nước ngoài, Kim Jong-il sống với bà Ko và sinh được 3 người con, trong đó người con thứ 2 là lãnh đạo Triều Tiên hiện tại, ông Kim Jong-un.
Không như những gì ông Kim Jong-il nghĩ, bà Ko là một người có nhiều tham vọng. Bà bắt đầu kết thân với các trợ tá và tướng của chồng.
Cuối năm 1999 – đầu năm 2000, bà Ko chính thức trở thành đệ nhất phu nhân, cùng chồng tham gia những chuyến thị sát quân đội. Đây là một trong những nền tảng cho cơ hội kế vị của Jong-un và anh trai Jong-chol.
Kim Jong-nam đã từng được coi là người kế vị hợp pháp của Kim Jong-il, ông còn từng được mệnh danh là “tiểu tướng” ngay khi còn nhỏ. Tuy nhiên, năm 2001, sau một nỗ lực nhập cảnh vào Nhật Bản bất thành, do dùng hộ chiếu giả mạo sử dụng một bí danh của Trung Quốc, Pang Xiong, (nghĩa là “Gấu béo” theo tiếng Quảng Đông). Jong-nam trở thành kẻ không được ưa thích ở Bình Nhưỡng nên đã quyết định đi lưu vong ở nhiều nơi, chủ yếu là Macau, Trung Quốc.
Kim Jong-un lên làm lãnh đạo Triều Tiên khi cha ông qua đời vào năm 2011. Jong-nam đã không tham dự đám tang của cha mình.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đang cố gắng tăng cường quyền lực của mình trước áp lực quốc tế về chương trình hạt nhân và tên lửa. Sự ra mắt một tên lửa tầm trung hôm Chủ Nhật (12/2) mới đây, đã bị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lên án và nhận phản ứng gay gắt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một cuộc trao đổi email với một nhà báo Nhật Bản được công bố năm 2012, Jong-nam nói về người em trai của mình không có “bất kỳ khả năng phán đoán công việc hay sự thành thật” và cảnh báo rằng hối lộ và tham nhũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Triều Tiên.
Ngoài ra ông nói thêm:“Bất kỳ người nào cũng đều sẽ cảm thấy rất khó để chịu đựng một chế độ 3 đời cha truyền con nối”.
Ông nói trên chương trình Asashi TV của Nhật Bản năm 2010: “Tôi hy vọng em trai mình có thể làm hết sức mình vì lợi ích của Triều Tiên”.
Kim Jong-un ra lệnh hạ sát anh trai mình?
Thật khó để tin rằng, Kim Jong-un lại đang cố gắng làm hài lòng các vị lãnh đạo Hàn Quốc.
Theo học giả Michael Madden, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, ông Kim Jong-nam không phải là mối đe dọa hay đối thủ lớn của Kim Jong-un. Ông ấy cũng không quan tâm tới chính trị.
Sống ở nước ngoài lâu năm, Jong-nam không có bất kỳ nền tảng quyền lực nào trong giới chính trị Triều Tiên, và ông ấy cũng không biết cách kiểm soát chính thể.
Jong-nam có mối quan hệ thân thiết với giới quyền thế Trung Quốc và được chính quyền Trung Quốc bảo hộ. Trong nhiều tháng qua, Bình Nhưỡng đã nỗ lực cải thiện và củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh.
Bên cạnh những giả thuyết về cái chết của anh trai Kim Jong-un, nhiều chuyên gia cho rằng ông Kim tử vong có thể do lên cơn đau tim. Điều này không phải không có cơ sở bởi nhiều thành viên nhà họ Kim mắc bệnh tim. Cả ông nội Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il cũng qua đời vì bị đau tim, trong khi người cô ruột Kim Kyong-hui nhiều lần điều trị bệnh tim mạch ở Nga.
Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện của đau tim nặng thường là đau thắt ngực, hoa mắt, chóng mặt – khá trùng khớp những mô tả của ông Kim khi cầu cứu nhân viên sân bay.
Theo BBC/Daily Mail