Nông sản Việt tiếp tục bị Nhật trả lại do nhiễm hóa chất vượt mức
Nhật Bản áp dụng kiểm tra 100% đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu. Cụ thể đối với các mặt hàng như ngò, trà, nấm Fukurotake, thanh long…
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản và các tổ chức cá nhân liên quan về việc Nhật Bản về việc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng của Nhật đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam.
Với vi phạm trên, phía Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Cụ thể, rau ngò tàu (mùi tàu) tươi sẽ bị kiểm tra 100% các chỉ tiêu Chlorpyrifos, Cypermethrin, Profenofos, Hexaconazole; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, quả thanh long tươi sẽ bị kiểm tra 30% một số chỉ tiêu thuốc BVTV.
Theo đó, Cục BVTV yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, tránh tái diễn trường hợp này một lần nữa, gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Được biết Nhật Bản hiện tại là thị trường lớn thứ 4 của rau quả xuất khẩu Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, chiếm gần 3% thị phần, tương đương khoảng 114 triệu USD vào năm 2018.
Ngoài thị trường Nhật Bản, thông tin từ Bộ Công thương cũng cho biết EU cũng đã từ chối nhập hoặc tiến hành giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng nông sản và hải sản của Việt Nam.
Nguyên do là từ đầu năm 2019 đến nay, hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU về mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng đã phát hiện 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm theo tiêu chuẩn EU.
Anh Thư (t/h)