Nổi tiếng lịch sự nhưng vì sao người Nhật không bao giờ nhường ghế cho người già?
Là một đất nước với hàng ngàn năm lịch sử, những nét đặc trưng trong văn hóa của con người Nhật Bản là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại.
Trong quá trình phát triển, người Nhật không bảo thủ đóng kín mà mở cửa đón nhận những điều mới. Nhưng họ tiếp nhận theo một cách riêng và vẫn giữ được bản sắc dân tộc, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa của họ. Cho tới ngày nay, Nhật Bản vẫn có những quy tắc, lễ nghi riêng trong giao tiếp, ứng xử mà ai cũng phải tuân theo dù thuộc tầng lớp xã hội nào.
Đất nước Nhật Bản với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiều thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần… đã tạo ra một ý chí, một nghị lực kiên cường, đoàn kết chống lại thiên tai của con người. Người dân Nhật Bản tuy không phải chịu cảnh chiến tranh nhưng lại phải đấu tranh với thiên nhiên để đảm bảo cuộc sống. Vì thế họ đã sớm hình thành đức tính cần cù, chịu khó và bền bỉ cũng như tinh thần võ sỹ đạo.
Xã hội Nhật Bản đề cao lối sống đạo đức, có văn hóa, mỗi người dân luôn luôn thể hiện ra trách nhiệm cao với chính bản thân và với cộng đồng. Chính bởi vậy, mặc dù có rất nhiều quy tắc, lễ nghi trong giao tiếp ứng xử, đặc biệt giao tiếp nơi công cộng nhưng người Nhật không hề cảm thấy gò bó hay áp lực. Họ cảm nhận rằng những quy tắc đó giúp xây dựng một xã hội Nhật Bản văn minh, những con người Nhật Bản văn minh và khác biệt.
Chúng ta thường vẫn nghe câu nói “kính trên nhường dưới”, biểu hiện ở nơi công cộng như nhường ghế cho người già trên xe buýt hay trên tàu điện ngầm. Nhưng ở Nhật Bản, những quy tắc họ dùng để cư xử với nhau có lúc trái ngược với những quy định quen thuộc, bởi những giá trị họ theo đuổi hoàn toàn khác biệt. Ai cũng biết chuyến tàu điện buổi sáng tại Nhật Bản có thể coi là “ác mộng” với người dân khi số lượng người đi làm, đi học rất lớn, dẫn đến các toa tàu luôn trong tình trạng chật cứng, thế nhưng người Nhật tuyệt đối không nhường ghế cho người già.
Có người cho rằng trong tình trạng như vậy, nhường ghế cho ai đó cũng là việc rất khó khăn, bởi vì không có một khoảng trống trong tòa tàu để di chuyển. Hơn nữa, có một chỗ ngồi trong những giờ cao điểm chẳng khác gì tìm được một ốc đảo khi đang lang thang giữa sa mạc, nên không ai muốn nhường sự thoải mái, dễ chịu cho người khác. Tuy nhiên, lý do thực sự sẽ khiến chúng ta bất ngờ và khâm phục.
Người Nhật có lòng tự trọng và ý thức rất cao. Trên mỗi toa tàu đều có một dãy ghế ưu tiên (gọi là yusenseki) dành riêng cho người già, người tàn tật và phụ nữ mang thai. Cho nên dù tòa tàu trong tình trạng chật cứng, họ vẫn cố gắng thích nghi và đứng đúng vị trí của mình, không bao giờ ngồi vào dãy ghế này. Đơn giản họ thấy mình là những người lành lặn, khỏe mạnh, họ sẽ không ngồi vào nơi không dành cho họ, lòng tự trọng của họ không cho phép họ làm những điều ảnh hưởng tới người khác và tự biến bản thân trở nên “khác biệt” không cần thiết.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, đất nước Nhật Bản đã rất nhiều lần phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai, nhưng tinh thần samurai được truyền từ đời này qua đời khác đã cho họ sự bất khuất, kiên cường trong mọi tình huống. Chính vì vậy, người Nhật không bao giờ muốn mình trở nên yếu đuối trước mặt người khác, nhất là những người lạ.
Vì thế, hành động bạn nhường ghế cho họ có thể gây ra tác dụng ngược lại so với ý định tốt đẹp ban đầu. Dù họ sẽ vẫn cảm ơn bạn lúc ấy, nhưng họ cũng sẽ một mực từ chối ngồi vào chỗ đó và trong lòng họ sẽ âu sầu, buồn phiền vì họ có thể nghĩ trong mắt bạn, họ là một người yếu đuối, cần những ưu tiên đặc biệt.
Ngoài ra, là một nước phát triển với nhịp độ sống cao nhất thế giới nhưng Nhật Bản lại là một đất nước với dân số già. Tuy nhiên người Nhật không bao giờ thừa nhận mình già, và thực tế bản thân những người cao tuổi đều có sức khỏe rất tốt. Họ coi việc thích nghi với những toa tàu đông nghẹt vào buổi sáng là điều hết sức bình thường và họ thực sự đủ khả năng để làm điều đó.
Việc những bạn trẻ nhường ghế cho người lớn tuổi cũng giống như coi người đó là “già”, “không còn sức khỏe”, nó cũng giống như một mũi tên bắn thẳng vào lòng tự ái và sự kiêu hãnh của họ. Hơn nữa, họ quan niệm rằng dù trong hoàn cảnh nào, ở độ tuổi nào, tự lập vẫn phải được đặt lên hàng đầu, họ không thể dựa dẫm vào người khác để được an nhàn, thoải mái. Vì vậy, dù bạn có nhường ghế cho người lớn tuổi ở Nhật, họ cũng lịch sự từ chối.
Cuối cùng, người Nhật Bản vô cùng coi trọng sự bình đẳng, muốn ai cũng được đối xử như nhau, họ không thích sự ưu ái, nhường nhịn. Họ quan niệm rằng không làm thì không được, nỗ lực nhiều thì sẽ được nhiều. Bởi vậy, ai lên tàu trước, người đó sẽ có ghế ngồi, người đến sau sẽ phải đứng, đó là điều dĩ nhiên. Lòng tự trọng và tinh thần samurai nghĩa hiệp không cho phép họ đòi quyền lợi từ người khác, đặc biệt khi họ hiểu có một chỗ ngồi trên tàu điện ngầm là điều hoàn toàn không dễ dàng. Bạn phải bỏ rất nhiều công sức để có được chỗ ngồi ấy, và người Nhật không muốn nhận những thứ họ không phải nỗ lực mà vẫn đạt được.
Khi nhắc tới Nhật Bản, bạn thường nghĩ tới điều gì? Có người nghĩ tới Nhật Bản là đất nước phát triển vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ, không ngừng sáng tạo và luôn thách thức hiện tại. Nhưng có một điều chắc chắn: con người Nhật Bản đã lưu lại trong tâm trí những ai từng một lần đặt chân đến nơi đây: linh hồn, văn hóa, và đạo đức của toàn xã hội Nhật Bản. Một người nông dân Nhật Bản từng nói rằng “Tôi trồng những củ hành này bằng tất cả lòng tự trọng của mình”.
Chúng ta có lẽ đã cảm nhận được người dân Nhật Bản có tính tự giác, tính kỷ luật, sự tôn kính lịch sự và tinh thần trách nhiệm cao đến nhường nào. Họ thực sự không chỉ sống cho bản thân mình mà họ luôn luôn nghĩ tới người khác, họ thực sự không chỉ sống một đời của mình, mà họ còn muốn sống tốt để tích đức cho những con cháu đời sau. Đó là tinh thần sâu sắc đáng quý đằng sau hành động: không nhường ghế cho người già của họ.
Theo phununews.vn