Nỗi đau sau vụ máy bay rơi ở Indonesia: Người cha nhìn hình con mới sinh chết lặng
Vụ tai nạn máy bay thảm khốc vào ngày 9/1 đã để lại nhiều tổn thất to lớn cho hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia). Nhiều hơn thế là nỗi đau của những người ở lại có thân nhân là nạn nhân của chuyến bay định mệnh.
Ngay khi chứng kiến chiếc máy bay rơi xuống biển cùng hai tiếng nổ lớn, các ngư dân đã lập tức liên lạc với lực lượng cứu hộ. Sau đó, ngư dân tại đảo Lancang đã tích cực phối hợp cùng tham gia vào công tác cứu hộ khẩn cấp.
Đại diện chính quyền khu vực Quần đảo Nam Seribu nói rằng đã tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay nhờ mỏ neo và sự hỗ trợ của các ngư dân.
Một trong những người có người thân là hành khách của chiếc máy bay xấu số mang số hiệu SJ182 là anh Yaman Zai. Anh sống và làm việc ở thành phố Pontianak, tỉnh West Kalimantan đã được một năm.
Theo kế hoạch, vợ anh cùng 3 đứa con sẽ từ thành phố Jakarta bay đến Pontianak để cùng đoàn tụ và có một chuyến du lịch vui vẻ. Thế nhưng, sau cuộc điện thoại cuối cùng vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 9/1, lúc vợ con anh đang đợi ở sân bay thì anh đã bị mất liên lạc hoàn toàn với họ. Anh đã đợi ít nhất một tiếng đồng hồ nhưng vẫn không có tin tức gì.
Người đàn ông này chỉ biết ngồi bần thần nhìn bức ảnh đứa con mới sinh trên điện thoại, chờ mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Một trường hợp khác đáng buồn không kém đó là chị Ratih Windania. Trước đó, chị cùng cô con gái 2 tuổi và một cháu trai 8 tuổi đã cùng nhau chụp lại khoảnh khắc trước khi máy bay cất cánh, chị Ratih Windania đã đăng nó lên mạng xã hội để nói lời tạm biệt với mọi người, chia sẻ niềm háo hức cho chuyến đi mới.
Nhưng không thể ngờ rằng, đó cũng là tấm ảnh cuối cùng của cô và những đứa trẻ. Trong khi đó, cô còn đang mang thai một đứa bé 4 tháng tuổi, có lẽ đứa bé sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Tại sân bay Quốc tế Supadio lúc này, không chỉ anh Yaman Zai hay người thân của chị Ratih Windania mà còn rất nhiều thân nhân của các hành khách khác trên chuyến bay tử thần vẫn đang trông chờ tin tức. Cả sân bay bao trùm bởi bầu không khí nặng nề, đau thương.
Mạch Khê (t/h)