Nỗi cô đơn của người làm “sếp” và câu chuyện về những chữ “T”
Cái cây tìm sự cô đơn trên cao, ngọn cỏ tìm sự đông đảo dưới đất. Ranh giới mong manh giữa cô đơn và cô lập từng khiến bao người từ bỏ chiếc ghế quyền lực nhất để trở thành thường dân. Thực tế làm sếp thì phải chấp nhận chịu nỗi cô đơn. Điều này đòi hỏi sự kỷ luật, hi sinh và cả lòng can đảm.
Sếp luôn mặc định bị gạt ra mọi cuộc ăn chơi của nhân viên. Sếp là người “ngoài hành tinh”, “thú dữ”, là nhân vật thứ ba trong câu chuyện phiếm giờ trưa. Có bao giờ bạn suy nghĩ tại sao làm sếp lại bị cô đơn chưa?
Và nếu bạn làm sếp, liệu rằng bạn muốn trở thành người sếp cô đơn hay người sếp lý tưởng trong tưởng tượng của tất cả nhân viên? Khoan đắn đo, hãy trả lời sau khi đọc hết bài này nhé!
Tâm – Sự công bằng, ghi nhận
Một người sếp có tâm rất dễ nhận diện. Tâm ở đây không chỉ là hướng thiện, quan tâm nhân viên mà còn là công tâm. Đứng góc độ là một người sếp, không thể nào quan tâm căn kẽ từng nhân viên được. Sếp không cần làm bạn với tất cả nhân viên nhưng sẽ đối tốt với mọi người, đặc biệt họ đối xử công bằng và biết ghi nhận.
Vậy tại sao họ lại cô đơn? Vì họ công bằng. Vì sự kì vọng của nhân viên áp đặt lên họ.
Thực tế, ai cũng kêu gọi sự công bằng nhưng vẫn luôn mong muốn mình được nhiều hơn người khác.
Chữ “tài” liền với chữ “tai” một vần
Sếp không có tài thì không được nhân viên thực sự tôn trọng, không làm nhân viên tin tưởng được. Ngược lại nếu tài thực thì sao?
Thì họ sẽ cô đơn. Không phải ai cũng sẽ nhìn nhận cái tài một cách tích cực. Thử hỏi 10 nhân viên về sếp của họ thật cởi mở, có tới 7 người sẽ mở đầu bằng câu: “Sếp của tôi tốt, nhưng….”
Rồi sẽ kể hàng trăm tật xấu, những tin đồn thất thiệt, mâu thuẫn giữa họ và sếp, những điều vụn vặt được truyền miệng đó lâu dần khiến nhân viên sợ, có ác cảm, không thiện chí với sếp. Ai cũng rất giỏi trong việc nhìn ra cái xấu, hiệu ứng hài hước là khiến ông sếp tài ba ấy cũng nghi ngờ chính mình.
Tầm nhìn của “chủng loại khác người”
Có ai đôi lúc khó chịu vì ý kiến đột phá của mình bị sếp bạt ngang? Việc đầu tiên nên nhìn lại chính mình đã trình bày tốt và đúng thời điểm chưa? Ở đây cần loại bỏ những ý nghĩ hay sự việc quá tiêu cực, những suy nghĩ tiêu cực không bao giờ làm bạn khá lên được.
Vì vậy, hãy nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Có thể hôm đó sếp “trở trời” thật, nhưng cũng có thể đứng ở tầm nhìn của sếp việc đó thực sự chưa cần thiết hoặc không nằm trong danh sách công việc ưu tiên cho tổ chức thì sao?
Một người sếp có tầm lại dễ bị cô đơn. Nhân viên thì thiếu hụt về thông tin mà không có ông sếp nào lại có nhiều thời gian để giải thích tại sao cả, nên sếp được liệt vào sổ đỏ “chủng loại khác người” là hoàn toàn dễ hiểu.
Hãy xem cách họ ra quyết định, thường ít bị tác động bởi cảm xúc, còn nhân viên dễ bị cảm xúc chi phối hơn.
Nói họ có tầm nhìn mà không tình cảm cũng không đúng. Vì họ là người đứng sau thúc đẩy tổ chức tiến lên dù phải đóng khá nhiều vai “ác” nhưng thời gian sẽ trả lời bằng việc tổ chức đi đến đâu, đi bao xa.
Lời kết dành cho ai có sếp bị cô đơn
Ai cũng có 2 con người, dù bạn có công nhận điều đó hay không. Con người bạn thấy trong công việc và con người ở đời rất khác nhau. Có thể trên cương vị lãnh đạo đôi lúc không thể là hình mẫu lý tưởng của toàn thể nhân viên được.
Nhưng hãy cảm ơn nếu bạn đang làm việc với một vị sếp bị cô đơn. Trong không ít trường hợp những người thiên hướng lãnh đạo mạnh mẽ này sẽ là người bảo vệ quyền lợi của nhân viên tốt hơn những người luôn làm bạn với nhân viên.
Vị sếp cô đơn đó nếu hội tụ những chữ “T” vừa kể thì quá tốt, họ sẽ nhận ra tài năng của bạn bằng cái tài của họ, công bằng với cái tài đó bằng cái tâm của họ. Và cuối cùng, học từ một người có tầm bạn cũng sẽ có tầm.
Lời kết dành cho những ai sắp và đang làm sếp
Đừng lo lắng. Cô đơn không phải là trở ngại. Ai cũng núp vào vùng an toàn của họ, thì ai sẽ là người kéo tổ chức đi lên. Bạn cần có đủ tâm, đủ tài, đủ tầm để dùng đúng người vào việc họ giỏi nhất. Nhân viên nói gì sau lưng bạn, đều không kiểm soát được. Nhưng cách giữ nhân tài, cách giữ đúng người cho tổ chức đó chính là làm cho họ phục. Tâm phục sẽ làm cho họ có động lực làm việc và tin tưởng sếp hơn.
Tuy nhiên, trong công việc bị cô đơn thì rất bình thường, nếu không trong công việc mà vẫn bị cô lập thì bạn có chút vấn đề thật đấy!
Tuệ Tâm (s/t)