Những tấm bản đồ cổ chứng minh sự phát triển vượt trội của nền văn minh tiền sử
Ngoài những công trình bí ấn, kiến trúc cự đại,… các chuyên gia đã phát hiện hàng chục tấm bản đồ, được cho là kết quả thám hiểm của những nền văn minh cực kỳ tiên tiến, từng xuất hiện trước cả một số nền văn minh cổ xưa nhất được biết đến trên Trái đất.
Lịch sử Trái đất luôn bị bao phủ trong bí ẩn. Đó là câu đố khổng lồ về nguồn gốc loài người mà các học giả chính thống hiện nay không thể giải đáp. Và trong khi những bí ẩn cũ chưa có lời giải thì những câu hỏi mới lại liên tục được đặt ra cho vô số phát hiện trên toàn cầu.
Bạn có bao giờ nghĩ, cách đây rất lâu, từ trước những nền văn mình cổ xưa nhất mà con người từng biết đến như của người Aztec, người Maya, Olmec, Inca, Ai Cập, Trung Hoa, Sumer… đã lại từng tồn tại những nền văn minh khác rất tiên tiến trên hành tinh chúng ta?
Ngoài những công trình bí ấn, các kiến trúc cự đại, và các hiện vật lẽ ra “không thể tồn tại”, thì các chuyên gia đã phát hiện hàng chục tấm bản đồ, được cho là kết quả thám hiểm của những nền văn minh cực kỳ tiên tiến, có khả năng đạt được những thành tựu vĩ đại từng xuất hiện trước sự nổi lên của một số nền văn minh cổ xưa nhất được biết trên Trái đất.
Làm thế nào có thể giải thích 1 cách logic về những bản đồ cổ đại mô tả về lục địa Nam Cực không băng giá?
Nếu chỉ bằng một số phương thức tư duy đơn giản, bạn sẽ thấy điều đó là không thể, tuy nhiên xác thực là đã có vô số bản đồ cùng mô tả một chi tiết đó là: châu Nam Cực đã từng rất ấm áp.
Theo các chuyên gia, châu Nam Cực tách ra khỏi bản khối đại lục khoảng 160 triệu năm trước từ lục địa Gondwana, và bắt đầu hạ nhiệt. Cách đây 23 triệu năm, Nam Cực gần như đóng băng và trong khoảng 15 triệu năm trở lại, nó hoàn toàn là một sa mạc đông cứng dưới lớp băng dày.
Ngày nay, các nhà khoa học ước tính rằng 98% Nam Cực được phủ bởi lớp băng có độ dày trung bình ít nhất là 1,6 km. Châu lục này chiếm khoảng 90% lượng băng tuyết trên thế giới và khoảng 70% lượng nước sạch của thế giới.
Một dự án lập bản đồ ‘quy mô toàn cầu’
Tấm bản đồ cổ đại Piri Reis thực tế miêu tả vùng đất Nam Cực hoàn toàn không có băng và là 1 phần của bản khối đại lục. Điều này đã làm phát sinh nhiều giả thuyết và tranh cãi trong các học giả chính thống.
Điều thú vị là nhiều người cho rằng những bản đồ này có thể chứng minh rất rõ trong quá khứ xa xưa, các nhà thám hiểm cổ đại đã có một hệ thống vẽ bản đồ rất phát triển, tương đương với độ chính xác như ngày nay.
Các bản đồ này cũng chứng minh rằng người cổ đại đã biết được hình dáng, kích thước của địa cầu bằng cách sử dụng phép đo lượng giác cầu và những phép toán chính xác, phức tạp, như thể hàng ngàn năm trước, một nền văn minh chưa được biết đến đã tiến hành một dự án có quy mô toàn cầu để lập bản đồ cho toàn bộ hành tinh này.
Và kết quả, vô số bản đồ cổ đã chứng minh lịch sử của nhân loại không hề giống những gì chúng ta được nghe.
Dưới đây là một số bản đồ cổ khiến các nhà khoa học đau đầu được phát hiện trong nhiều năm qua:
Bản đồ Zeno. Được công bố năm 1380, tấm bản đồ bí ẩn Zeno mô tả chính xác vị trí bờ biển của các quốc gia hiện đại như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và Scotland. Tấm bản đồ cổ này bằng cách nào đó đã mô tả chính xác tọa độ của 1 số hòn đảo trên hành tinh chúng ta.
Bản đồ Iehudi ben Zara, phát hành năm 1487 cho thấy tàn tích của sông băng ở Anh. Bản đồ cũng bao gồm những mô tả cực kỳ chi tiết về các hòn đảo ở Địa Trung Hải và biển Aegean. Ngày nay, những hòn đảo này vẫn còn tồn tại, nhưng do mực nước biển dâng cao, nên hiện chúng đã hoàn toàn bị nước biển che phủ.
Bản đồ Hadji Ahmed, xuất bản năm 1559, cho thấy những mô tả cực kỳ chính xác của bờ biển phía tây Bắc Mỹ và Nam Cực.
Bản đồ Buache phát hành khoảng năm 1737, được cho là tổng hợp của nhiều tấm bản đồ cổ xưa hơn. Biểu đồ này miêu tả Nam Cực trước khi lục địa này thực sự được phát hiện. Thật thú vị, giống như nhiều tấm bản đồ cổ khác, nó minh hoạ chính xác vùng đất Nam Cực khi chưa bị che phủ bởi băng giá.
Một bản đồ gây sốc khác là bản đồ thế giới của Vua Jaime. Nó được công bố năm 1502, bản đồ mô tả chi tiết vùng hoang mạc Sahara với rất nhiều hình ảnh khác biệt so với hiện nay: Đất đai màu mỡ, sông hồ rộng lớn và 1 số chi tiết dường như là những thành phố cổ đại phồn vinh.
Bản đồ thế giới của Oronce Finé được xuất bản vào năm 1534, là một bản đồ hình trái tim (cordiform), nó hiển thị các đặc điểm của Nam Cực khi lục địa này chưa bị băng tuyết che phủ.
Tương tự Buache, bản đồ Piri Reis – Một trong những tấm bản đồ cổ nổi tiếng nhất – được cho là tổng hợp của các bản đồ cũ hơn, hiển thị chính xác đường bờ biển của Nam Cực bên dưới lớp băng. Bản đồ được công bố vào khoảng năm 1520 và ngoài việc cho thấy Nam Cực mà không có băng tuyết, nó còn mô tả đúng vị trí địa lý của châu Mỹ. Với độ chuẩn xác này, có vẻ nó đã được hỗ trợ bởi công nghệ nhiếp ảnh trên không.
Liệu tất cả các bản đồ trên có phải là kết quả của một nền văn minh cổ đại tiên tiến, bằng cách nào đó họ đã có thể thiết lập sơ đồ của toàn bộ hành tinh từ hàng ngàn năm trước, có lẽ vào trước kỷ băng hà gần nhất?
Nếu vậy, những nền văn minh bí ẩn này là gì và phải chăng điều này đã cung cấp đủ cơ sở cho thấy những nền văn minh cổ đại tiên tiến, giống như Atlantis, có thể đã tồn tại trên Trái đất từ hàng ngàn năm trước đây?
Hoàng An, theo AC