Những phát hiện bất ngờ bên trong mộ Chúa Jesus
Sau khi tháo dỡ phiến đá che trên phần mộ được tin là của Chúa Jesus, các nhà khảo cổ đã xác định được những vết tích bên trong tại nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, Israel.
Theo Fox News, ngôi mộ có một tấm ốp đá cẩm thạch che đậy ít nhất từ năm 1555, thậm chí có thể từ nhiều thế kỷ trước đó. Ngôi mộ lần đầu tiên được mở ngày 26/10, nằm trong dự án trùng tù lớn của nhà thờ.
Quá trình kiểm tra ban đầu của nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens tiết lộ, bên dưới phiến đá cẩm thạch là một lớp bụi. Đây là phát hiện nằm ngoài dự kiến của nhóm chuyên gia vì các thiết bị thăm dò trước đó như radar xuyên đất không phát hiện sự tồn tại của lớp bụi này. Qua 60 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một phiến đá cẩm thạch khác màu xám khắc hình cây thánh giá nhỏ.
Giờ phút cuối cùng trước khi đóng lại ngôi mộ ngày 28/10, nhóm nghiên cứu phát hiện bệ đá hay còn gọi là “giường chôn”, nơi được cho là đặt thi hài Đức Chúa trước khi Ngài phục sinh. Bệ đá này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. Giường chôn được đẽo từ mặt bên của hang động đá vôi sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh, theo truyền thống Kitô giáo.
“Tôi vô cùng ngạc nhiên. Chân tôi muốn ngã quỵ vì tôi chưa từng nghĩ tới điều đó”, nhà khảo cổ làm việc cho Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, Fredrik Hiebert chia sẻ.
“Chúng tôi không chắc chắn 100% nhưng có lẽ đó là bằng chứng trực quan cho thấy ngôi mộ đã không hề thay đổi qua thời gian. Đây là điều mà các nhà khoa học cũng như các sử gia đã băn khoăn trong nhiều thập kỷ”. Hiebert cho rằng phiến đá cẩm thạch thứ hai có niên đại từ thế kỷ 12.
Cộng đồng Cơ Đốc giáo quản lý nhà thờ chỉ cho phép nhóm chuyên gia khai quật địa điểm linh thiêng này trong 60 tiếng đồng hồ. Nhóm nghiên cứu đã làm việc ngày đêm để đến gần đáy mộ và phân tích. “Chúng tôi đóng kín ngôi mộ sau khi ghi chép về nó”, Antonia Moropoulou, kiến trúc sư tại Đại học Công nghệ Quốc gia Athens, người giám sát dự án tôn tạo, cho biết.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng xác nhận sự tồn tại của thành hang động đá vôi ban đầu bên trong Edicule (ngôi nhà nhỏ). Đây là cấu trúc nhỏ được sửa chữa lần cuối cùng vào năm 1808-1810 sau một vụ cháy.
Nhóm chuyên gia đã khoét một cửa sổ ở tường phía nam bên trong Edicule để lộ ra một trong những thành hang động. Những người hành hương từ đó có thể nhìn qua bức tường đá vôi trong mộ Chúa Jesus.
Việc phân tích bệ đá cho phép nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về hình dáng ban đầu của ngôi mộ và quá trình địa điểm này trở thành nơi tôn nghiêm từ khi Thánh Helena, mẹ hoàng đế La Mã Constantine, phát hiện lần đầu tiên vào năm 325.
Nhà khảo cổ Martin Biddle, chuyên gia về nhà thờ Mộ Thánh nói trên National Geographic rằng, các dữ liệu về bệ đá và thành hang động đá vôi cần phải được phân tích kỹ lưỡng, bởi bất kỳ họa tiết nào cũng có thể cung cấp bằng chứng quan trọng đối với lịch sử hình thành ngôi mộ.
Theo danviet