Những người khổng lồ ở làng quê Bà Triệu

11/04/17, 16:50 Tri thức

Thuở trời đất mới mở mang, vùng núi Nưa (Tỉnh Thanh Hóa) có một ông Khổng Lồ. Ông Khổng Lồ được Ông Trời giao cho việc cùng thần Núi, thần Sông xếp đặt lại núi sông sao cho đẹp mắt mà vẫn chia đều để chỗ nào cũng có núi, có sông…

Bà Triệu sinh ở miền núi Nưa, quê hương của những nhân vật khổng lồ. (Tranh dân gian)

Sau khi sắp đặt xong, Ông Trời rất ưng ý, nhưng con người lại không bằng lòng vì đi đứng, làm ăn đều khó khăn. Họ luôn kêu trời khiến Ông Trời bị điếc tai không chịu nổi, buộc phải sai thần Núi, thần Sông sắp đặt lại để con người đi dứng dễ dàng, làm ăn tiện lợi. Thần Núi vốn tính lười nhác, kêu mệt, nằm nhoài, đánh ngủ. Thần Sông quen thói quanh co, viện lý do bận rộn, khất lần. Ông Trời đành lại gọi người Khổng Lồ làm thay thần Núi, thần Sông.

Ông Khổng Lồ nghĩ: đất đai rộng lớn, núi non trùng điệp mà con người lại cư trú rải rác, làm sao để họ vừa ý, chi bằng đem hòn nhỏ lấp cho đầy sông, hòn lớn thừa thì ném xuống bể. Thần Núi biết được ý ông Khổng Lồ, liền bàn với thần Sông: Lão ta lấy núi để lấp sông tức là hại cả tôi lẫn bác, phải cùng nhau lên trời kêu ngay cho kịp.

Ông Trời thấy khó xử, suy đi tính lại, mấy ngày sau mới truyền lệnh bảo người Khổng Lồ: “Không được lấp sông, vì lấp sông thì nước không có nơi chảy, không được san núi vì san núi thì cây không có chỗ mọc. Nhà ngươi phải dồn nhiều sông con thành sông mẹ, phải xếp đặt các núi nhỏ làm núi to”. Khi lệnh trời xuống đến nơi thì bao nhiêu đồi gò đã bị ông Khổng Lồ bốc hết lấp đầy các ngòi, lạch. Còn núi lớn, ông đang sửa soạn quang, đòn để gánh đi đổ tận bể Đông. Trời bực mình truyền cho người Khổng Lồ nội trong ba ngày phải làm xong việc.

Ông Nưa Quảy Núi Cày Sông

Lại có truyền thuyết về một người khổng lồ tên là Ông Nưa. Ông Nưa cũng có công dọn dẹp núi non mở mang đồng ruộng để người có đất cấy trồng tiện lợi, đào sâu những dòng sông để người có nước ăn uống, tắm giặt. Những cánh đồng rộng bao la hàng ngàn mẫu như đồng Lai, đồng Nấp Nưa, đồng Liên Khê, đồng Sim, đồng Gốm, Niệm,…đều in dấu bàn tay, bước chân của Ông Nưa khổng lồ.

Rồi ông dùng đôi bàn chân cực kỳ to lớn của mình cày dòng sông Hầm Hầm, xong, cày đến dòng sông Vàng Vàng (sông Hoàng). Sau đó, bao nhiêu đá, ông nắm từng nắm đắp lên núi Hoàng, núi Nghiêu và dồn các núi khác thành một dãy núi dài, tức núi Nưa. Số núi nhỏ còn lại, ông bưng về phía bắc núi Nưa, đặt lần lượt từng hòn như sắp hàng, giống chín quả trứng khổng lồ, đời sau gọi là Cửu Noãn sơn hoặc Liên Châu phong (Núi Chín Trứng, núi Chuỗi Ngọc).

Nhờ vậy, miền núi Nưa, sông kề núi, núi bên sông, thung lũng trở nên rộng dài bao la, đồng ruộng hóa thành những cánh bãi mênh mông tít tắp. Ông Trời ban khen, đặt tên cho ông Khổng Lồ là ông Quảy Núi Cày Sông. Cho đến gần đây, dân gian còn gọi một số hòn núi, khúc sông là núi Quảy, sông Cày, ghi nhận công lao ông Khổng Lồ đối với con người thuở mới mở, đất mới thành, không kể hết nỗi gian lao, vất vả.

Ông Vồm

Bấy giờ ở miền núi Vồm (nay thuộc làng Dương Xá, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bên bờ sông Mã, có người khổng lồ gọi là Ông Vồm. Ông Vồm thích đánh vật, mỗi con voi chỉ cần quật một cái chết tươi. Ông tự cho rằng dưới gầm trời không ai địch nổi mình. Ông Vồm nghe nói Ông Nưa miền núi Nưa sức khỏe vác nổi cả núi Vồm thì không tin thiên hạ lại có người khổng lồ hơn mình. Một hôm, Ông Vồm cất công một chuyến, tìm đến tận nơi để rõ thực hư.

Nhà Ông Nưa ở dưới chân núi Nưa. Tuy có công lớn đối với con người, Ông không lấy của người bất kỳ thứ gì. Nhà rất nghèo, hàng ngày ông lên núi bẻ củi gánh về đem bán đổi gạo nuôi mình và mẹ già. Ông chỉ cần quờ tay một cái là những cây cổ thụ mấy người ôm gẫy đổ rầm rầm, chẳng mấy chốc mà đầy gánh.

Tướng Ông trông dữ tợn, đến voi cũng sợ nem nép, nhưng tính Ông rất lành, mỗi khi vào rừng, lên núi, chân cố bước nhè nhẹ để không dẫm phải các loài vật vô tội. Hàng ngày Ông chỉ ăn một bữa chiều. Ăn xong, Ông vục tay xuống sông Hầm Hầm vốc nước uống một hơi cạn cả khúc sông dài. Rồi Ông ra sông Hoàng tắm mát. Tối đến, Ông nằm dài trên núi Sỏi, ngủ một giấc thông đến sáng.

Ông Vồm rất ngạc nhiên khi thấy ở chân núi Nưa một ngôi nhà nhỏ, trong đó có bà cụ già tóc bạc lưng còng giống như người thường, tự xưng là mẹ Ông Nưa. Bà nói: “Thằng Nưa đi củi đến chiều mới về”. Ông Vồm nói lại: “Cháu xin chờ”. Rồi Ông ra gốc cây lim già trước sân, nằm xuống đánh một giấc! Mãi đến lúc Mặt trời chếch đỉnh ngọn Nưa, bà cụ mới đánh thức Vồm: “Thằng con tôi sắp về, nhìn cái bóng thì biết!”.

Vồm nhìn theo tay bà cụ chỉ. Trước sân nhà hiện ra một bóng người cực kỳ to lớn, với hai bó củi gánh trên vai như hai hòn núi! Vồm giật mình, vô cùng kinh sợ, không kịp chào bà cụ, vội vàng bỏ chạy.

Ông Nưa về chưa kịp ném gánh củi xuống sân, đã nghe tiếng bà mẹ báo tin có ông tên Vồm đến chơi, chờ con mãi, vừa mới ra về. Từng nghe tiếng Ông Vồm ở miền sông Mã, Ông Nưa vẫn mong có dịp gặp mặt. Chắc Ông Vồm chưa kịp đi xa, Ông Nưa liền đuổi theo để mời khách trở lại chơi.

Ông Vồm chạy được một quãng khá dài mới hết run, ngoảnh nhìn lại phía sau, thấy xa xa có người bóng hình hết sức to lớn, thì không còn hồn vía nào nữa. Ông nghĩ chắc Ông Nưa đang đuổi theo mình để hỏi tội dám coi thường bề trên. Thế là ông co cẳng chạy, cứ nhằm hướng phía núi Vồm sông Mã lao đi. Về đến nhà ông đổ ngay tấm thân đồ sộ xuống đất mà chết vì bị đứt ruột!

Truyền thuyết ông Tu Nưa

Ông Tu Nưa tức ông tiên núi Nưa, cũng là nhân vật khổng lồ tu hành ở núi Nưa, đắc đạo thành tiên. Tục truyền cây cỏ rừng Nưa do ông thu nhặt khắp mọi nơi đem về trồng. Nhờ vậy, người trong vùng có củi đun nấu, sưởi ấm, có gỗ để làm nhà, bắc cầu, có vô vàn rau củ, hoa quả để ăn, có muôn loài chim thú để săn bắt. Bản thân ông chưa từng ăn cơm gạo, thịt cá, hàng ngày chỉ dùng một ít hoa quả.

Nhà ông là cái am đá trên đỉnh núi cao, bốn mùa mây lồng, khói phủ. Đấy là nơi ông luyện thuốc trường sinh và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ông thường hóa phép thu mình làm một cụ già râu tóc bạc phơ, lưng đeo vỏ trái bầu khô, tay chống gậy trúc vàng ngà, đi lang thang khắp nơi, lúc bán thuốc ở chợ, khi lại chơi hát nghêu ngao với lũ trẻ chăn trâu.

Tối tối, ông cắm cây gậy xuống đất, gậy biến thành cây, cành lá xanh um. Ông treo quả bầu khô lên cành cây rồi hóa phép chui vào bên trong để ngủ. Ngày nay nhiều nơi còn lưu lại dấu tích của ông. Như trò Tú Huần ở thôn Thiên Linh (tục gọi làng Riềng, ngã ba cầu Vạy, bắc ngang sông Hoàng, kề bên núi Hoàng Nghiêu), tục truyền là do ông dạy cho bọn trẻ mục đồng hát. Lời Giáo đầu trò diễn dân gian Tú Huần ở đây mở đầu bằng câu:

Kìa ngàn Nưa mấy đỉnh lô xô,

Trò Tú Huần có ông tu tiên thuở nọ.

Miệng thời bần bạc, tay thời chỉ chỏ…

Như cái giếng đền Mưng (nay thuộc làng Mưng, xã Trung Chính, Nông Cống) tục truyền là dấu bàn chân ông Tu Nưa. Nhân dân trong vùng khi đồ xôi cúng thần, hay sắc thuốc chữa bệnh, phải đến xin nước giếng tiên ông…

Kết quả hình ảnh cho Huyết

Giếng tiên trên núi Nưa với dòng nước quanh năm luôn trong mát. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Chẳng rõ Ông Tu Nưa cưỡi hạc đen về trời hay hóa thành con hạc trắng bay lên cõi tiên từ bao giờ. Có lẽ truyền thuyết Tu Nưa hay ông tiên núi Nưa là cơ sở để Nguyễn Dữ viết nên thiên truyện “Chuyện người tiều phu núi Nưa” trong Truyền kỳ mạn lục. Những nhà có người mắc bệnh hiểm nghèo thường đến chân núi Nưa ăn chực nằm chờ, hễ nhìn lên đỉnh ngọn Nưa thấy dựng đứng một tảng núi đá, biết ông Tu Nưa đã về, họ liền theo lối tắt trèo lên xin thuốc.

Trước năm 1945, trên đỉnh núi Nưa vẫn còn di tích ông Tu Nưa: Am Tiên, Vườn Tiên, Giếng Tiên, Bàn Cờ Tiên,… Ai cầu thuốc tiên lên đây, đứng trước am đá, chắp tay cúi đầu, thưa rõ họ tên, quê quán, bệnh tình…xin tiên ông cứu giúp. Lễ vật là ba đồng tiền bỏ xuống giếng, nếu không có cũng được.

Người xin thuốc đi vào Vườn Tiên, muốn hái lá gì cũng được, khi cảm thấy đủ rồi thì thôi. Người ta mang theo chai, lọ sạch buộc dây thả xuống giếng tiên xin nước đem về hòa lẫn lá thuốc giã nát, lặng trong, cho con bệnh uống, ai có lòng thành tất khỏi bệnh…

Di tích lịch sử Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Bà Triệu

Quả hiếm thấy nơi nào nhiều người khổng lồ như miền núi Nưa. Trong truyền thuyết, Bà Triệu cũng là một nhân vật khổng lồ.

Các sách sử ca như: Đại Nam quốc sử diễn ca, Sử ký quốc ngữ cũng ca ngợi Bà Triệu với tinh thần ấy, cho đến các cuốn thần phả về Bà Triệu, thần tích của Bà Triệu đều mô tả Bà Triệu như là một phụ nữ khổng lồ đặc sắc hiếm thấy.

Sách Việt điện u linh tân đính hiệu bình của Chư Cát Thị (thế kỷ XVII) viết:

“Bà họ Triệu, tên húy là Trinh…mặt hoa, tóc mây, mắt châu, môi đào, mũi hổ, trán rồng, đầu báo, hàm én, tay dài quá đầu gối, tiếng như chuông lớn, mình cao chín thước, vòng lưng rộng mười ôm, chân đi một ngày 500 dặm, sức có thể khua gió bạt cây, tay đánh chân đá như thần, lại có sắc đẹp làm động lòng người…” 

Thần phả Triệu Ẩu truyện lưu ở đền thờ Bà Triệu núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa có ghi:

“Triệu Ẩu dáng người xinh đẹp mà khỏe mạnh khác thường, đầu beo, hàm én, mũi hùm, má rồng, mình cao 9 thước, lưng rộng 10 vi, vú dài 3 thước, tay dài quá gối, ngày đi bộ 200 dặm, giỏi võ  nghệ…”

Tất cả ghi chép, biên soạn, sáng tác trên, từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX đều dựa theo truyền thuyết dân gian để vẽ lại hình ảnh Bà Triệu, một người con gái mang tầm vóc khổng lồ, tiêu biểu cho sức vóc khổng lồ của phụ nữ Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Điều đáng suy nghĩ là Bà Trưng sống, đánh giặc và hy sinh trước Bà Triệu những 200 năm, tại sao không được dân gian xây dựng thành người phụ nữ kỳ vĩ của dân tộc? Phải chăng vì Bà Triệu sinh ở miền núi Nưa, miền quê của những nhân vật mang tầm vóc dân tộc Việt Nam: Ông Núi Quảy Sông Cày, Ông Nưa, Ông Tu Nưa…trọn đời chinh phục thiên nhiên, xây dựng đất nước quê hương giàu đẹp?

TinhHoa sưu tầm

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

Ad will display in 09 seconds

Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

Ad will display in 09 seconds

Điều gì khiến Quỷ Thần phẫn nộ

Ad will display in 09 seconds

Nếu muốn ly hôn, đừng vội, bạn hãy xem video này

Ad will display in 09 seconds

Dòng nước cam lồ và câu chuyện của người kỹ nữ

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

Ad will display in 09 seconds

5 bằng chứng chấn động về du hành thời gian thời cổ đại

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

    Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

  • Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

    Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

  • Điều gì khiến Quỷ Thần phẫn nộ

    Điều gì khiến Quỷ Thần phẫn nộ

  • Nếu muốn ly hôn, đừng vội, bạn hãy xem video này

    Nếu muốn ly hôn, đừng vội, bạn hãy xem video này

  • Dòng nước cam lồ và câu chuyện của người kỹ nữ

    Dòng nước cam lồ và câu chuyện của người kỹ nữ

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

    Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

  • Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

    Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

  • 5 bằng chứng chấn động về du hành thời gian thời cổ đại

    5 bằng chứng chấn động về du hành thời gian thời cổ đại

x