Những lỗ hổng của thị trường thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang dần thay thế thói quen mua sắm. Chỉ cần ngồi một chỗ và click chuột bạn sẽ được giao hàng tận nơi. Người tiêu dùng đang mất dần hứng thú với việc đến các cửa hàng truyền thống. Thị trường TMĐT chớp lấy thời cơ bước vào thời điểm phát triển mạnh.
Theo thống kê, năm 2016, có 1,61 tỷ người trên toàn cầu mua hàng trực tuyến. Dự kiến, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên toàn thế giới sẽ tăng từ 1.900 tỷ USD năm 2016, lên 4.060 tỷ USD năm 2020.
Thương mại điện tử phát triển rầm rộ
Các nghiên cứu mới đây cho thấy người tiêu dùng trên toàn cầu đang thay đổi thói quen mua sắm với việc dành nhiều thời gian và tiền bạc cho hoạt động mua hàng trực tuyến. Theo đánh giá về tình hình tiêu dùng năm 2017 của Consumer Conditions Scoreboard, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp 2 lần trong 10 năm qua và tăng từ mức 29,7% năm 2007 lên 55% hiện nay. Mua bán trực tuyến hiện đóng góp hơn 9% tổng doanh số bán lẻ tại châu Âu và tính trong những tháng đầu năm 2016, có tới 18 triệu người dùng mạng Internet ở khu vực Bắc Âu mua hàng trực tuyến.
Với mức chi tiêu trung bình 1.033 euro (1.202 USD) mỗi năm cho các hàng hóa mua sắm trên mạng, người Thụy Sỹ xếp thứ 2 ở châu Âu, chỉ sau người Anh, theo một bảng xếp hạng các quốc gia mua sắm qua mạng Internet do Regiodata – nhà cung cấp các dữ liệu kinh tế châu Âu – công bố mới đây. Người Anh giữ vị trí dẫn đầu với gần 1.118 euro dành cho mua sắm trực tuyến qua mạng. Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng là người Na Uy, với khoản chi tiêu trung bình hơn 920 euro mỗi năm.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất được Hiệp hội Thương mại và đặt hàng qua thư điện tử (BEVH) có trụ sở tại Berlin (Đức), giao dịch thương mại qua mạng Internet tại Đức đã đạt mức cao kỷ lục trong quý 2 năm 2017. Báo cáo của BEVH cho biết trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu, doanh thu bán hàng trực tuyến trên mạng tại Đức đã đạt 13,97 tỷ euro (khoảng 15,93 tỷ USD), tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Mỹ, Bộ Thương mại nước này cho biết doanh thu bán lẻ trực tuyến trong quý 2/2017 của nước này tăng 4,8% so với quý I/2017, lên 111,5 tỷ USD và đóng góp 8,9% tổng doanh thu bán lẻ. Trong năm 2016, TMĐT là điểm sáng trong ngành bán lẻ của Mỹ. Thống kê cho thấy doanh thu bán hàng qua mạng trong năm 2016 đạt 394,86 tỷ USD, tăng 15,6% so với với năm 2015, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh thu từ thương mại điện tử (TMĐT) của khu vực đóng góp 40% tổng doanh thu TMĐT toàn cầu trong quý I/2017, nhờ hoạt động mua sắm bùng nổ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Marc Woo, thuộc Google, dự báo khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường TMĐT bùng nổ tiếp theo, nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng như mức độ phổ cập của mạng Internet. Dự kiến, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tại ASEAN sẽ tăng từ 190 triệu người trong năm 2012, lên 400 triệu người năm 2020 và lượng người truy nhập Internet cũng sẽ tăng gấp ba lần lên 600 triệu người vào năm 2025.
Nhưng không tránh khỏi những lỗ hổng
Năm 2017, có 55% người châu Âu mua hàng trực tuyến và nhận các sản phẩm được vận chuyển đến tận nhà, song các giao dịch này không hề được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Một số sản phẩm trong đó thậm chí có thể gây nguy hiểm hoặc không phù hợp với các quy định của EU về an toàn sản phẩm, ví dụ như đồ chơi trẻ em có chứa một số chất cấm.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành hướng dẫn để giúp các cơ quan giám sát thị trường của các quốc gia thành viên có thể kiểm soát tốt hơn những sản phẩm được bán trực tuyến. Hướng dẫn của EC nêu rõ, bất kỳ sản phẩm nào được bán trực tuyến tại thị trường EU đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của khối này, ngay cả khi nhà sản xuất có trụ sở bên ngoài EU.
Theo ủy viên EC phụ trách thị trường nội địa, công nghiệp, doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ Elzbieta Bienkowska, cùng với việc tăng doanh số bán hàng trực tuyến, cơ quan giám sát thị trường các quốc gia nhận thấy việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trực tuyến ngày càng phức tạp.
Số liệu của Consumer Conditions Scoreboard chỉ ra rằng có nhiều nhà bán lẻ vẫn còn do dự trong việc mở rộng các hoạt động mua bán trực tuyến, đồng thời vẫn còn lo ngại về việc bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng của các nước EU. Những lo ngại trên xuất phát từ nguyên nhân lo sợ từ những nguy cơ gian lận thương mại và không thanh toán tiền trong việc mua bán hàng hoá xuyên biên giới, những quy định khác nhau về mức thuế tại các nước, sự khác biệt về pháp luật trong các hợp đồng mua bán, cũng như các quy định bảo vệ người tiêu dùng.
Một vấn đề khác làm đau đầu các chính phủ là kiểm soát hoạt động thu thuế đối với TMĐT. Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) của Vương quốc Anh cho biết, nước này đang thất thu tới 1 tỷ bảng (1,28 tỷ USD) tiền thuế trị giá gia tăng (VAT) mỗi năm do các hành vi gian lận hoặc nhầm lẫn của người bán trên các thị trường trực tuyến như eBay và Amazon. Theo báo cáo của NAO, những người bán hàng vi phạm thường có trụ sở tại Trung Quốc, còn các “gã khổng lồ” Mỹ là Amazon và eBay đã không loại bỏ những người bán vi phạm các quy định về thuế VAT ngay cả khi đã được thông báo.
Trong khi đó, khách hàng tiến hành mua sắm và thanh toán qua mạng có thể gặp rủi ro bị tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân. Trong tháng 4/2017, Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) đã phát đi thông điệp cảnh báo khách hàng nên thận trọng khi lựa chọn công ty hay cơ sở giúp truy cập hệ thống SWIFT. Theo đó, hiệp hội này khuyến cáo khách hàng nên đặc biệt lưu ý đến các thông tin bí mật cá nhân và thận trọng khi chọn một công ty dịch vụ cũng như giao dịch với bên thứ ba.
Theo doanhnhansaigon