Những hiện tượng thiên nhiên cực hiếm ai may mắn lắm mới được chứng kiến
Từ mưa sét đến nham thạch xanh tím, những cảnh tượng này chắc chắn sẽ khiến bạn tin rằng thiên nhiên còn vô vàn những điều kí thú tưởng như chỉ có trong mơ.
Một trong số những điều tuyệt vời nhất về thế giới tự nhiên đó là nó hoàn toàn khó đoán trước. Cứ khi nào bạn nghĩ rằng chẳng còn gì để khám phá nữa, thì thiên nhiên lại chứng minh cho bạn thấy có những thứ đáng kinh ngạc vẫn tồn tại mà bạn không thể tưởng tượng ra.
Ngay cả những người đã đi quanh quả địa cầu vẫn còn chưa chứng kiến hết sự vĩ đại của thế giới tự nhiên. May mắn thay, các nhiếp ảnh gia trên thế giới đã cố gắng thu lại được những kì quan này trên những thước phim của mình. Dưới đây là những cảnh tượng độc đáo, kì lạ và không kém phần ấn tượng của những hiện tượng tự nhiên cực hiếm trên Trái Đất.
1. Sông nằm trong sông
Những bức ảnh chụp tại Mexico này trông có vẻ bình thường, cho đến khi bạn nhận ra rằng chúng thực ra được chụp dưới mặt nước. Những vật chất đặc bị chìm xuống đáy sông, tạo nên một dòng chảy thứ hai nằm bên dưới.
Hang động Cenote Angelita, nằm ở Bán đảo Yucatan (Mexico) là nơi xảy ra hiện tượng độc đáo này. Một lớp mỏng khí hydrogen sulfate tách biệt giữa nguồn nước ngọt bên trên và nước mặn bên dưới, khiến những người đi lặn có thể bơi trong lớp khí này và tạo nên ảo giác sông nằm trong sông.
2. Đá chảy máu
Nếu bạn có tình cờ đi ngang quá đống “đất đá” này trên bãi biển, thì có lẽ bạn sẽ chỉ nghĩ đó là một hòn đá ngộ nghĩnh thôi và không để ý nhiều lắm. Nhưng những sinh vật biển nằm ở bờ biển Chile này lại ẩn giấu một bí ẩn thú vị.
Chúng thực chất chính là loài pyura chilensis, một sinh vật biển thuộc họ sống đuôi tương tự như một khối cơ quan bên trong một tảng đá. Pyura chilensis kiếm ăn bằng cách hút nước biển và lọc vi sinh vật. Mặc dù có vẻ ngoài xấu xí nhưng pyura chilensis là nguồn thức ăn chính cho những cư dân sinh sống tại khu vực Chile.
3. Cây mạng nhện
Tại Pakistan, những đợt nước bão lũ dâng cao khiến cho loài nhện không thể xây tổ ở dưới tầng mặt đất được. Khi mực nước bắt đầu dâng, những con nhện sẽ trèo lên ngọn cây cao và gần như bọc kín cái cây bằng những tấm mạng nhện rất dày để bảo vệ tổ của chúng khỏi bão tố gió lốc.
4. Mưa sét
Nếu như bạn là người sợ sấm sét thì có lẽ bạn sẽ không muốn đến nơi này. Tại cửa sông Rio Catatumbo ở Venezuela, sấm và sét thường xuyên đánh xuống đây với tần suất có thể lên tới 160 ngày trong một năm. Con số này tương đương với 159 cơn bão. Dù vậy không thể phủ nhận rằng cảnh tượng này vô cùng đẹp mắt.
5. Mây thấu kính
Từng tầng mây mỏng xếp chồng lên nhau tựa như những lớp kính nằm lơ lửng bên trên ngọn núi Phú Sĩ (Nhật Bản) trông giống hệt một sản phẩm chỉnh sửa kĩ thuật số, nhưng lại hoàn toàn có thật. Bí mật đằng sau sự hình thành mây này đó là do mây bị cắt đứt đoạn bởi những đợt gió mạnh tràn qua đỉnh núi.
6. Túm lông băng
Nếu bạn bất ngờ bắt gặp cảnh tượng này khi đang leo núi thì có lẽ bạn sẽ nghĩ đây là bộ tóc giả của ai đó làm rơi. Tuy nhiên, những gì bạn thấy ở đây chính là những sợi băng cực mỏng bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên pseudomonas syringae, một loại khuẩn hình roi. Chúng là thủ phạm khiến nước trong thực vật bị đóng băng ở nhiệt độ -4 đến -2 độ C và tạo ra cảnh tượng kì thú trên.
7. Sét núi lửa
Khi một ngọn núi lửa phun trào, bạn nghĩ rằng chỉ có khí bụi và dòng chảy magma cực nóng thôi ư? Thật ra, núi lửa phun trào có thể tạo ra những cơn bão phóng điện giống như bức ảnh ấn tượng trên đây.
Các nhà khoa học tin rằng những hạt điện tích gây ra sét núi lửa chính là bắt nguồn từ các vật chất giải phóng từ núi lửa và quá trình hình thành điện tích ở bên trong đám khói bụi khi di chuyển trong không khí. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn đang gây tranh cãi.
8. “Nham thạch xanh tím”
Núi lửa Kawah Ijen tại đảo Java (Indonesia) trông như thể phun trào nham thạch màu xanh tím, nhưng thật ra lại không hẳn là vậy. Hiện tượng này được gây ra bởi một phản ứng hóa học giữa khí sunfua của núi lửa và khí oxy được đốt cháy bởi nham thạch, tạo ra thứ lửa màu xanh ánh tím bao phủ dòng lava.
Kì thực, nham thạch của Kawah Ijen không có gì khác biệt so với ở các ngọn núi lửa khác, tất cả là nhờ lượng khí sunfua cực lớn được giải phóng ở áp lực và nhiệt độ cao cùng với nó.
9. Đá biết đi
Tại thung lũng Chết ở California (Mỹ) người ta có thể nhìn thấy những hòn đá tảng để lại những vệt dài trên cát như thể chúng đã tự bò đi một quãng dài mặc dù không có ai động vào chúng. Vậy chúng đã làm điều đó bằng cách nào?
Bí mật của hiện tượng này đó là vào buổi tối hoang mạc trở nên cực lạnh nên quanh tảng đá hình thành nên một lớp băng giá mỏng. Thứ này đã khiến các hòn đá trượt đi trên mặt cát và để lại dấu vết như trên.
10. Cây cầu vồng
Bạn không nằm mơ đâu thực sự có tồn tại cây sặc sỡ bảy sắc cầu vồng như thế này. Loài cây độc đáo mang tên eucalptus deglupta, hay khuynh diệp cầu vồng, được tìm thấy tại Philippines và Indonesia. Khi lớp vỏ cây chết đi, các phần khác nhau của vỏ cây sẽ diễn ra quá trình này với tốc độ khác nhau, tạo nên những mảng màu đối lập và hiệu ứng tuyệt đẹp trên.
Theo afamily