Những điều trái ngược hiển nhiên chỉ có tại Nhật Bản
Nhật Bản nổi tiếng với sự “dị” và “độc” của mình. Chính thế mà không ngạc nhiên khi nhiều thói quen của người Nhật Bản cũng trở nên “ngược đời” – khác hẳn với các nền văn hóa khác. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thói quen khó hiểu tại Nhật khiến bạn bật cười.
1. Ngủ ở văn phòng là… đáng khuyến khích
Ở nhiều quốc gia, việc nhân viên bị sếp bắt gặp ngủ gật trong văn phòng thường là một tai họa. Tuy nhiên tại Nhật, hành động này lại hoàn toàn được chấp nhận, đôi khi còn được khuyến khích.
Đối với sếp Nhật, một người nhân viên ngủ gật là người vô cùng tận tâm với công việc đến nỗi họ không ngủ đủ giấc ở nhà. Do đó, sẽ không có lý do gì để trách mắng hay kiểm điểm một nhân viên tận tâm với nghề như vậy.
2. Hàm răng đẹp là phải có… răng khểnh
Trái ngược với những đứa trẻ ở các quốc gia khác phải đeo niềng răng để có hàm răng đều và thẳng, nhiều phụ nữ và các em gái Nhật lại đến viện phẫu thuật để có chiếc răng khểnh.
Theo đó, các bác sĩ ở đây sẽ làm thủ thuật để ép chiếc răng nanh sao cho chúng vểnh ra phía ngoài. Phong trào này trở nên phổ biến khắp nơi sau khi được “quảng bá” bởi nhiều ngôi sao nhạc Pop và người nổi tiếng. Họ cho rằng, một chiếc răng khểnh khiến họ nâng cao độ duyên của mình lên gấp bội phần.
Để phù hợp với xu thế, nhiều phòng khám răng còn tạo ra những phiên bản răng khểnh “tạm thời” dành cho người muốn thay đổi ý định sau đó.
3. Nhường ghế cho người già là… bất lịch sự
Ở Nhật Bản, người ta coi việc nhường ghế cho người già – một cử chỉ thường được cho là tốt đẹp – lại có phần nào bất lịch sự.
Đó là bởi người Nhật có tinh thần samurai cao. Họ không muốn thừa nhận hay cảm giác rằng mình yếu đuối hơn những người khác nên không muốn chấp nhận chiếc ghế được nhường.
Hơn nữa, những người lớn tuổi lại không thích thừa nhận là mình đã “già”. Vậy nên lời đề nghị của bạn đối với họ có thể là ý chê bai tuổi tác. Do đó, nếu đến Nhật, bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi các bạn trẻ không đứng lên nhường ghế cho người lớn tuổi.
4. Húp mì phải tạo ra tiếng động
Ở nhiều quốc gia, tiếng động phát ra khi ăn bị coi là biểu hiện của sự mất vệ sinh và thói quen bất lịch sự. Tuy nhiên nếu đến Nhật, tiếng húp mì “xì xụp” lại có giá trị như một lời khen ngợi.
Đối với người Nhật, tiếng húp mì khi ăn được coi là điều kiện tối thiểu cần làm nếu bạn muốn bày tỏ rằng bạn đang thưởng thức một tô mì ngon.Tương tự như vậy, ngay cả khi ăn ở nhà hàng, tiếng húp mì được coi như thay lời khen dành cho người đầu bếp vì đã nấu một bát mì ngon như vậy.
5. Tiền tip không xuất hiện trong từ điển người Nhật
Hành động đưa thêm tiền tip (hay tiền bo) cho người phục vụ ở các nước phương Tây là hoàn toàn bình thường, nếu không nói là bắt buộc. Người phương Tây cho rằng, khách hàng không tip tiền sau khi sử dụng phục vụ là những kẻ keo kiệt và bất lịch sự – nhưng ở Nhật lại hoàn toàn ngược lại.
Tiền tip ở Nhật gần như không tồn tại. Những nhân viên dịch vụ như phục vụ bàn, nhân viên khách sạn hay lái xe taxi không bao giờ đòi hay nhận tiền tip từ khách hàng.
Nhiều khi nhân viên còn phải chạy theo khách hàng để trả lại tiền tip mà họ… để quên. Bởi lẽ, tinh thần Samurai trong người Nhật vô cùng cao, họ cho rằng, hành động này thực sự khiếm nhã và không tôn trọng họ.
6. Rót rượu cho bạn và chờ bạn rót lại cho mình
Chúng ta vẫn thường có thói quen rót rượu cho bạn bè, khách trước rồi sau đó tự rót rượu cho mình và cùng nâng ly thưởng thức. Nếu bạn cho rằng, như vậy là bạn đã làm đủ phép lịch sự thì bạn phải cẩn thận khi ghé thăm Nhật Bản.
Tại đất nước Mặt trời mọc, tự rót rượu cho mình là hành vi cấm kị bởi họ cho rằng, đó là hành vi tự mãn, thiếu văn hóa và không tôn trọng người uống cùng mình.
Do đó, khi bạn rót rượu mời người đối diện thì hãy đợi để người đó rót rượu lại cho bạn. Sau đó, hai bạn mới có thể nâng ly và thưởng thức ly rượu này.
Theo Trí Thức Trẻ