Những con sông biến mất bí ẩn trên khắp thế giới
Chuyện cả một con sông hay hồ nước đột ngột biến mất nghe có vẻ khó tin, nhưng điều đó đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Sông Guacalito
Ngày 12/7/2011, tại miền bắc Costa Rica đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter. Động đất không gây thiệt hại về người mà chỉ khiến hàng hóa rơi đổ ở các siêu thị và đồ đạc tại các gia đình bị rung lắc. Chuyện đáng nói chính là hiện tượng khác thường xảy ra với con sông Guacalito tại đây.
Theo trang tin earthquake-report.com, không lâu sau khi động đất xảy ra, người dân huyện Armenia de Upala, nơi Guacalito chảy qua, phát hiện con sông gắn bó với họ từ bao năm nay đã cạn nước. Bất ngờ mất đi nguồn cung cấp nước quan trọng cho khu vực, không chỉ người dân mà cả những đàn gia súc tại đây đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân con sông Guacalito biến mất liệu có phải do hiện tượng hố sụt, vốn có thể xuất hiện sau động đất, hay không. Trận động đất có tâm chấn gần biên giới Costa Rica – Nicaragua, vốn nằm trong cùng khu vực với núi Miravalles.
Sông Iska ở Slovenia
Theo trang tin Inside Costa Rica, vào một đêm của năm 2010, cư dân địa phương nghe thấy một tiếng nổ lớn trong đêm. Sáng hôm sau, con sông Iska ở Slovenia cạn trơ đáy với ngổn ngang xác cá và các sinh vật khác.
Người ta tin rằng nước của con sông bị rút xuống một lòng sông ngầm. Sự biến mất này được tin là không có liên quan gì đến động đất.
Hồ nước Peschёra ở Nga
Hồ nước Peschёra có đường kính 200m, sâu 3m, nằm tại khu rừng thuộc làng Ostashata ở tỉnh Perm, gần núi Ural thuộc Nga.
Người dân ở đây cho biết, chỉ sau một đêm, hồ nước này chỉ còn lại vài vũng nước và một cái hố nhỏ kỳ lạ ngay giữa hồ, đặc biệt trong hồ không còn 1 con cá nào.
Hiện chưa rõ nguyên nhân hồ Peschёra biến mất đột ngột tuy nhiên nhiều người cho là do sự xuất hiện của một hố tử thần nằm dưới lòng hồ.
Một số người cho rằng sự biến mất của hồ nước này có liên quan đến trận động đất mạnh 4,1 độ richter xảy ra khoảng vài tuần trước ở gần Sverdlovsk, Nga. Những người khác lại giải thích rằng do khu vực này vốn có nhiều hang động bên dưới và hố tử thần có thể là do trần của hang Zuyatskaya bị nứt.
Hồ nước ở làng Bolotnikovo
Trước đó, vào năm 2005, một hồ nước ở làng Bolotnikovo thuộc vùng Nizhny Novgorod (Nga) cách thủ đô Moscow khoảng 250 km về phía đông, biến mất chỉ sau một đêm. Theo hãng tin BBC, giới chức Nga khi đó cho rằng có thể nước hồ bị rút xuống một hệ thống hang động hoặc một con sông ngầm.
Hồ băng ở Chile
Một hồ băng rộng 101.200 m2 ở tỉnh cực Nam Magallanes cũng đột nhiên biến mất khi các nhân viên kiểm lâm tuần tra vào tháng 5.
Lúc đó, các chuyên gia địa chất Chile đã nêu ra một giả thuyết rằng, rất có thể một trận động đất đã gây ra vết nứt dưới đáy hồ và nước rút đi theo đường đó.
Chuyên gia sông băng Andres Rivera nói với tờ báo Chile La Tercera rằng, sự biến mất của hồ băng này dường như là một phần của việc liên tục cải tạo của cảnh quan.
Khu vực Magallanes “đã có những thay đổi thú vị trong vài thập kỷ qua“, ông nói và lưu ý rằng, chính cái hồ này cũng không tồn tại vào 30 năm trước.
Sông Atoyac ở Mexico
Vào hôm 28/2/2016, các cư dân ở San Fermin nghe thấy một tiếng nổ lớn và cảm thấy mặt đất rung chuyển. Sáng hôm sau, họ phát hiện sông Atoyac bị nuốt chửng bởi khe nứt dài 30 m, rộng 20 m giữa lòng sông.
Theo Ủy ban Nước Quốc gia của Mexico, con sông chảy trở lại sau khi lấp khe nứt nhưng vẫn còn nguy cơ xuất hiện các hố tử thần khác vì nơi đây hội tụ đủ điều kiện xảy ra hố sụt.
Sông Tliapa và Tlacuapa ở Mexico
Sau sự biến mất đột ngột của sông Atoyac khoảng 2 tháng, sông Tliapa và Tlacuapa cũng cạn trơ đáy. Nguyên nhân được cho là do những hố sụt xuất hiện và hút gần cạn nước sông.
2 con sông này chảy từ những ngọn núi ở trung tâm bang Veracruz tại thành phố Chocaman và Calcahualco, dài khoảng 18 km. Chúng từng chảy vào sông Seco ở trung tâm thành phố Cordoba.
Theo Khoahoc