Những chuyện kinh hoàng trong đêm tân hôn
Tục “náo động phòng” ở Trung Quốc với ý nghĩa gây nhộn nhạo trong phòng hoa của cô dâu chú rể để xua đuổi tà ma, yêu khí đang dần biến thái trong xã hội khi cô dâu, chú rể nhiều phen khiếp vía, thậm chí có nơi cô dâu bị xâm hại tình dục ngay trong đêm tân hôn.||
Theo phong tục truyền thống của người TQ, lễ cưới phải qua sáu trình tự lễ nghi, gọi là sáu lễ gồm nạp thái (tặng lễ vật để cầu hôn), đính hôn, nạp cát tường (tặng lễ vật để ăn hỏi), đón dâu… Tiệc cưới là đỉnh cao của hôn lễ, còn gọi là “tiệc hỷ”. Mọi người gọi đi ăn tiệc cưới là đi “uống rượu hỷ”. Phòng của cô dâu chú rể còn gọi là “phòng hỷ”, “động phòng”, “náo động phòng” là hoạt động cuối cùng của hôn lễ.
Theo báo chí TQ, tục “náo động phòng” bắt đầu xuất hiện từ thời Tần với ý nghĩa gây nhộn nhạo trong phòng hoa của cô dâu chú rể để xua đuổi tà ma, yêu khí và giúp đôi tân hôn vượt qua nỗi e dè, ngại ngùng, dễ dàng gắn kết với nhau với ý nghĩa “nhân bất náo, quỷ náo” (người không quậy thì ma quỷ sẽ quấy phá). Ngoài ra, nó còn biểu thị thành ý của khách dự cưới chúc phúc cho hai vợ chồng. Ngày nay, những người tham gia “náo động phòng” thường là các thanh niên nam nữ chưa thành lập gia đình. Họ nghĩ đủ mọi cách để cho vui, trêu chọc cô dâu, hoặc buộc cô dâu, chú rể biểu diễn các trò vui… với mục đích là để tăng thêm bầu không khí vui nhộn của hôn lễ, khiến cô dâu, chú rể nhớ mãi suốt đời không quên… “Náo động phòng” có hai loại “văn náo” và “võ náo”. Văn náo là phương thức nhã nhặn, dễ chịu: Các vị khách thường ra các câu đố hoặc đặt ra các vế đối buộc cô dâu trả lời, có khi hơi tục nhưng gây cười, vui vẻ. Võ nào thô hơn với những ngôn từ thô tục, hành vi đụng chạm thân thể, trò đùa gài bẫy cô dâu. Thế nhưng, gần đây mỹ tục đó đã bị biến dạng, mất kiểm soát, trở thành trò chơi biến thái, hủ tục kỳ quái, gây khổ sở cho cặp tân hôn, thậm chí mượn men rượu để thỏa mãn tâm lý biến thái tình dục, xâm phạm thân thể cô dâu, phù dâu, vi phạm pháp luật, gây nên hậu quả đáng tiếc… Không chỉ cô dâu chú rể và bạn bè, mà ở các tỉnh phía Nam TQ, thậm chí các bậc có tuổi khả kính như bố mẹ cô dâu chú rể cũng bị lôi vào trò “náo động phòng”. Gần đây, một cô dâu ở Hạ Môn lên mạng kể về tình trạng khốn đốn của mình trong lễ cưới: Sau tiệc cưới, đến phần “náo động phòng”, bạn bè buộc ông bố chồng phải cõng con dâu leo cầu thang từ phòng khách lên phòng hoa trên tầng, lại còn bắt ông hôn môi con dâu trước khi đưa vào phòng cho con trai. Cô đến giờ vẫn còn hãi hùng và chưa quên được cái mùi hỗn hợp của rượu, hành sống và các loại thực phẩm mà ông bố chồng phả vào miệng mình. Thế vẫn chưa bằng màn “náo động phòng” kinh hoàng mà một cặp ở Hà Nam phải trải qua, được mô tả bằng những hình ảnh được đưa lên mạng khiến dư luận nổi sóng: Bà mẹ cô dâu dẫn theo cô con gái út cùng một đám người nhà vào khuê phòng yêu cầu cặp tân hôn phải “động phòng hoa chúc” ngay trước mặt mọi người. Trước yêu cầu thẳng thừng của mẹ vợ, chú rể buộc phải cởi bỏ quần áo, leo lên bụng cô dâu đã nằm đợi sẵn. Thế vẫn chưa xong, bà mẹ vợ còn kéo cô con gái út chưa lấy chồng đứng bên cạnh để theo dõi mẹ “chỉ đạo kỹ thuật” để sau này thực hiện… Câu chuyện này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận. Ở Quảng Đông, dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động năm trước xảy ra chuyện cô dâu bỏ trốn ngay hôm cưới, còn chưa kịp động phòng cùng chú rể. Chuyện là tục “náo động phòng” ở vùng này đã bị biến thành “quậy cô dâu, quậy phù dâu”, khi “náo động phòng” 8 anh chàng bạn chú rể ào vào lột sạch váy áo cô dâu. Vừa bất ngờ, vừa phẫn nộ cô dâu đã chửi rủa cả đám bạn bè, họ hàng nhà chồng, rồi vơ lấy quần áo che thân, chạy ra ngoài, không bao giờ quay lại nữa. Đầu năm ngoái, một phóng sự video dài 4 phút được phát trên truyền hình và được đưa lên mạng chia sẻ video Youku đã gây xôn xao dư luận: Tiểu Lệ, cô gái 16 tuổi khóc kể lại với phóng viên việc đã bị lạm dụng tình dục khi làm phù dâu trong đám cưới người chị họ. Hơn chục gã khách nam bạn của chú rể nhân lúc “náo động phòng” đã dồn cô vào góc phòng, xé hết váy áo rồi sờ soạng khắp người. Cảm thấy nhục nhã và phẫn uất, cô đã hai lần tự tử nhưng đều được cứu kịp thời. Người cha phải bỏ việc ở nhà để khuyên bảo và trông chừng con. Tiểu Lệ và bố cô đòi phải điều tra, trừng trị những kẻ mà họ gọi là “lưu manh”, “tội phạm” này. Đoạn phóng sự đã làm dấy lên làn sóng tranh luận mạnh mẽ, đòi chính quyền phải nghiêm trị những kẻ lợi dụng tục “náo động phòng” làm bậy. Có ý kiến đòi trừng phạt các công ty tổ chức đám cưới cố ý quảng cáo cho những trò chơi “náo động phòng” nhố nhăng để thu hút khách hàng. Một vụ việc nghiêm trọng suýt nữa gây chết người khác xảy ra ở hồ công viên Huyền Vũ cạnh ga xe lửa Nam Kinh: Một cô gái trẻ đang đêm chạy ra lao đầu xuống hồ tự tử, may thay khi đó có tốp cảnh sát đi tuần nên đã kịp thời cứu thoát. Qua tìm hiểu, nạn nhân cho biết mình là em gái của cô dâu, làm phù dâu cho chị, bị đám tân khách lợi dụng trò “náo động phòng” để làm nhục. Phẫn uất và nhục nhã, cô đã định tìm đến cái chết, may mắn được cảnh sát cứu thoát.
Báo Thanh niên Trung Quốc ngày 18/11/20144 cho rằng: Trước đây, “náo động phòng” là mỹ tục có ý nghĩa tốt đẹp chúc phúc và “vỡ lòng về tình dục” cho các cặp tân hôn; ngày nay nó đã trở thành “ác tục”, rào cản hôn lễ hiện đại. Qua điều tra cho thấy 79,2% người được hỏi trả lời họ đã trải qua, thì 60,9% nói thẳng là không thích tục lệ này. Nguyên nhân là họ cảm thấy “náo động phòng” đã trở thành dịp, cớ để các khách đàn ông vượt qua rào cản về đạo đức và pháp luật, sàm sỡ, thậm chí xâm hại tình dục đối với cô dâu, phù dâu. Tại nhiều địa phương, “náo động phòng” đã trở nên dung tục, xấu xa, đơn thuần là dâm ô, mua vui rẻ tiền bằng cach làm nhục phụ nữ. Ngay dưới thời xã hội phong kiến, những hành vi như thế cũng không thể diễn ra. Tờ báo kêu gọi các cô dâu phải biết tự bảo vệ mình, kiên quyết từ chối, không chấp nhận những hành vi xâm phạm nhân cách, xúc phạm nhân phẩm, không tham gia những trò chơi biến thái, thô tục. Tập tục “náo động phòng” nay đã không còn là cao trào của một đám cưới, không làm tăng thêm màu sắc, không khí vui nhộn mà chỉ gây khó xử, phương hại cho những người trong cuộc. Đã đến lúc phải xem xét, thay đổi, thậm chí hủy bỏ tập tục này. Thu Thủy (Theo Báo Tiền phong Chủ Nhật Xuân Ất Mùi) |