Nhục đậu khấu – Loại gia vị quý đã có từ 3.500 năm trước
Một hương liệu quan trọng là nhục đậu khấu được phát hiện trên những mảnh gốm cổ ở Indonesia, cho thấy người dân ở đây đã biết dùng hương liệu trong chế biến thức ăn từ hàng ngàn năm trước.
Nhục đậu khấu là một loại gia vị có nguồn gốc từ các đảo Ceram (phía Nam Ukraina) và các đảo khác của Nam quần đảo Moluques (ở Indonesia), sau đó được trồng ở những xứ nóng khác. Ở nước ta, nhục đậu khấu được trồng ở miền Nam.
Ở phương Tây, nhục đậu khấu được dùng nhiều để làm bánh, thêm vào cà phê. Đây là thành phần của “gia vị bí ngô” (pumpkin spice) trong bánh bí ngô truyền thống và món kẹo ngô vị bí ngô lạ lùng, thường được các bà nội trợ làm trong dịp Lễ Tạ ơn.
Nó còn được dùng trong y học, cả Tây y lẫn Đông y, như vị thuốc dùng để kích thích tiêu hóa, làm thuốc kích thích chung trong các trường hợp kém ăn, sốt rét.
Về phương diện lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng con người đã sử dụng hạt nhục đậu khấu làm thức ăn từ khoảng 2000 năm trước, lâu hơn chúng ta nghĩ. Trên Pulau Ay, một trong những đảo trong quần đảo Banda ở Indonesia, các nhà khảo cổ tìm thấy dư lượng hạt nhục đậu khấu cổ xưa trên các mảnh gốm sứ mà họ ước tính đã được 3.500 năm tuổi.
Liên kết các sự kiện lịch sử của nhục đậu khấu có thể giúp định hình sự phát triển của ngành thương mại hương liệu toàn cầu sau này. Hàng ngàn năm sau khi người dân trên đảo Pulau Ay trộn bột nhục đậu khấu trong chậu, loại gia vị này và các gia vị khác trở thành những mặt hàng cực kỳ quý giá mà mọi người trên toàn thế giới sử dụng trong thực phẩm và thuốc men. Châu Á bán gia vị cho Trung Đông và Bắc Phi. Từ đó, chúng đã len lỏi vào châu Âu – khu vực bị thiếu thốn hương liệu.
Vào những năm 1300, hoặc có thể sớm hơn, các thương lái đã đến quần đảo Banda, còn được gọi là “quần đảo gia vị” của Indonesia bởi vì đó là nơi duy nhất trồng nhục đậu khấu. John Munro, giáo sư kinh tế học nổi tiếng tại Đại học Toronto, cho biết: “Tại một thời điểm vào những năm 1300, khi thuế đang ở mức cao nhất, một pound (khoảng 0,45kg) nhục đậu khấu ở châu Âu có giá bằng bảy con bò béo và là mặt hàng có giá trị hơn vàng”.
Thèm muốn có được thứ gia vị này, người châu Âu lại vượt biển đến liên lạc với người châu Mỹ. Trong thực tế, người Hà Lan từng rất muốn có hạt nhục đậu khấu. Cuối năm 1600, họ bán hòn đảo thuộc địa New Amsterdam của họ cho Anh để đổi lấy đảo Pulau Run – một hòn đảo trồng nhục đậu khấu nằm ở quần đảo Banda thuộc chủ quyền của Anh. Người Anh đổi tên thuộc địa này thành “New York”, cái tên này hiện là tên một trong những thành phố sầm uất nhất nước Mỹ. Đảo Pulau Run là thuộc địa của Hà Lan cho đến giữa thế kỷ 20, sau đó thuộc về quốc gia độc lập mới Indonesia.
Theo thông cáo báo chí của trường đại học, Peter Lape, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, người đồng dẫn dắt cuộc khai quật khảo cổ học gần đây ở Pulau Ay, cho biết: “Thật thú vị khi biết rằng hạt nhục đậu khấu được sử dụng sớm như vậy, đó là loại gia vị làm thay đổi thế giới vài nghìn năm sau đó”.
Xuân Nhạn, theo History