Nhóm tàu Hải Dương 8 của TQ đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Theo thông báo của bộ ngoại giao Việt Nam mới đây thì nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng việc khảo sát và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Chiều 7/8, khi được hỏi về hoạt động của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chiều 7/8, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.
Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi nhóm tàu trên.
Ngoài ra, bà Hằng cũng khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được quy định bởi luật quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chia sẻ trên Twitter vào 9 giờ chiều cùng ngày (7/8), ông Devin Thorne,chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS) cũng khẳng định điều này khi trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward.
“Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng ít nhất hai tàu hải cảnh của họ vẫn ở trong khu vực này”, ông Devin Thorne cho hay.
Ở một phương diện khác, ngoài việc khẳng định chủ quyền trên Biển Đông theo luật Biển quốc tế 1982, ngày 8/8, Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc khi nước này có ý định phát hành sách giáo khoa lịch sử mới cho học sinh trung học sử dụng từ tháng 9 chứa thông tin sai lệch về Biển Đông, cho rằng Biển Đông là ‘một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại’.
Ngoài nội dung sai lệch về Biển Đông, sách giáo khoa này còn cho rằng nhóm đảo Senkaku (Điếu Ngư) hiện do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Bắc Kinh cũng đơn phương vẽ ra ‘đường 9 đoạn’ để tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ Biển Đông, cho rằng nước này có ‘quyền lịch sử’ đối với vùng biển bên trong đường này.
Tuy nhiên, Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã bác bỏ ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc trong đường 9 đoạn.
Trước đó, từ ngày 3/7 đến 17/7, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây, gần với lô 06-01 của Việt Nam.
Đây không phải là vùng biển tranh chấp mà thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.
Theo đó, các tàu cảnh sát biển Việt Nam cũng được điều động đến khu vực này, thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Vào ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định hòa bình ở khu vực.
Vũ Tuấn (t/h)