Nhờ thay đổi phong thủy cả thôn cổ an bình, thịnh vượng suốt 600 năm
Sau khi trải qua một quá trình trùng kiến, xây dựng bố cục lại theo đồ hình chiêm tinh Thái Cực, ngôi làng nhỏ đã từng thường xuyên bị hạn hán và lũ lụt này, đã được hưởng mưa thuận gió hòa trong 600 năm liên tục.
Đó chính là thôn Du Nguyên tại huyện Vũ Nghĩa, tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, với những cánh đồng được tạo hình giống như Thái Cực đồ, nhà cửa được quy hoạch chiểu theo chiêm tinh học.
Từ trên đồi Mộng San phía sau lưng thôn Du Nguyên nhìn xuống, người ta thấy một dòng suối từ lòng núi chảy vào trong làng từ hướng Đông Nam. Dòng suối này đổi qua hướng chảy từ Đông sang Tây, cắt ngang qua thôn làng cho tới chân đồi ở phía Tây, rồi lại đổi dòng sang hướng Bắc và tạo thành một hình chữ “S” trước khi rời khỏi thôn để chảy vào đồng ruộng.
Dòng suối hình chữ “S” cũng với những vùng đồi bao quanh đã tạo nên một Thái Cực đồ hình (hình tròn) khổng lồ ngay tại cổng thôn. Dòng suối chữ “S” là đường cong tách rời Âm và Dương, chia những cánh đồng ra thành “lưỡng nghi” (hai cực hoặc hai nửa Âm Dương ngư hình con cá) của Thái Cực. Con cá Âm ở phía Nam của dòng suối được bao phủ bởi các loại cây cổ thụ mọc vươn cao, có một con đường chạy dọc theo khóe “mắt” của con cá. Con cá Dương nằm ở phía Bắc của dòng chảy là một cánh đồng lúa trù phú, với các loại cây hoa màu trên cạn được trồng ở “mắt” của con cá.
Thái Cực đồ hình này có đường kính 320 mét, chiếm diện tích 8 héc-ta. Theo dân gian lưu truyền về việc đặt Thái Cực đồ hình tại cổng vào phía Bắc của thôn, chính là được thiết kế với hai lý do: thứ nhất là để chặn không khí lạnh từ phương Bắc và “tà khí” [“khí” nghĩa là sinh lực], và thứ hai là để dựng lên một “tấm chắn khí” để ngăn không cho vận may và “chính khí” của thôn bị phát tiết ra ngoài.
Tất cả nhà cửa trong thôn Du Nguyên đều được bố cục chiểu theo tinh tượng đồ (bản đồ chiêm tinh) của “Thiên Cang dẫn nhị thập bát tú, Hoàng đạo thập nhị cung hoàn nhiễu” (Thiên Cang dẫn dắt 28 vì tinh tú, bao bọc bởi 12 cung Hoàng đạo), giống hệt như những gì khai quật được trong mộ Liêu ở Tuyên Hóa, tỉnh Hồ Bắc vào năm 1974.
Thái Cực đồ hình tại cổng thôn là “cung Song Ngư” cùng với 11 ngọn đồi xung quanh thôn tạo thành 12 cung Hoàng đạo. Còn 28 nhóm công trình cổ trong thôn được quy hoạch căn cứ theo sự bài trí của 7 ngôi sao Thanh Long ở phương Đông, 7 ngôi sao Huyền Vũ ở phương Bắc, 7 ngôi sao Bạch Hổ ở phương Tây, và 7 ngôi sao Chu Tước ở phương Nam, và 7 ao nước (còn gọi là “Thất Tinh Đường” hay “Các ao nước của 7 ngôi sao”) trong thôn được xếp theo trình tự của 7 ngôi sao chính của chòm sao Đại Hùng, tất cả chúng tạo nên hình ảnh của Thiên Cang dẫn dắt 28 vì tinh tú [Chú thích của dịch giả: Thiên Cang là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Đại Hùng hay còn gọi là sao Bắc Đẩu]. Xảo diệu hơn nữa, sao Khuê ở phần đầu của Bạch Hổ phương Tây lại nằm gọn bên trong “cái đấu” của chòm sao Đại Hùng.
Thôn Du Nguyên có dân số hơn 2.000 người sống trong hơn 700 hộ gia đình. Đây là nhóm các gia đình sống chung mang họ “Du” lớn nhất Trung Quốc ngày nay. Theo dân làng thuật lại, bố cục của thôn do đích thân Lưu Bá Ôn (còn gọi là Lưu Cơ) – cố vấn trụ cột cho Hoàng đế đầu tiên của triều Minh. Lưu Bá Ôn là một nhà chiến lược gia, nhà lập pháp trứ danh trong lịch sử Trung Quốc, tinh thông phong thủy và các thuật loại khác. Hình tượng của ông theo truyền thuyết dân gian miêu tả là một người đa mưu túc trí, có cốt cách của thần tiên, và là một nhân vật được trọng vọng giống như Gia Cát Lượng [một chiến lược gia, quân sư trong thời kỳ Tam Quốc của lịch sử Trung Quốc].
Theo như ghi chép trong “Du Thị Tông Phổ” (gia phả họ Du), Du Lai, con trai đời thứ 5 của gia tộc họ Du trong thôn Du Nguyên, đã từng là bạn đồng môn và là bằng hữu rất thân thiết với Lưu Bá Ôn. Vào năm Chí Chính thứ 9 (1349), khi Lưu Bá Ôn từ chức quan và lui về quê nhà, ông dừng chân tại thôn Du Nguyên để thăm Du Lai. Thời đó thôn Du Nguyên thường xuyên phải hứng chịu hạn hán, ngập lụt, hỏa hoạn và dịch bệnh, và dân làng phải rất vất vả để cầm cự chống chọi. Du Lai biết Lưu Bá Ôn là người trên thông thiên văn, dưới rành địa lý, rất giỏi về phong thủy, nên ông đã nhờ Lưu Bá Ôn nghĩ cách để giúp thôn mình thoát khỏi cảnh lầm than.
Nhờ vào tài tinh thông thiên văn địa lý của mình, sau khi khảo sát chi tiết địa thế của thôn, Lưu Bá Ôn phán rằng: Thôn Du Nguyên được bao bọc bởi 11 ngọn núi, sở hữu “khí” [năng lượng sống] tài phúc và vận may, nhưng do dòng suối chảy thẳng một mạch xuyên qua thôn tạo thành “ngạnh” (khắc nghiệt), làm tẩu tán “khí” tốt ra khỏi thôn. Nếu thay đổi cho dòng suối chảy uốn cong vào thôn, dựa theo bố cục của Thái Cực, và kết hợp với 11 ngọn đồi tạo thành 12 cung Hoàng đạo, thì “khí” tốt của thôn sẽ được bảo trì. Sau đó ông thiết kế ra bố cục Thiên Cang dẫn nhị thập bát tú, bảo dân làng đào 7 ao nước mới trong thôn Du Nguyên và đối chiếu chúng với hình dạng của chòm sao Đại Hùng, đồng thời yêu cầu con cháu của dòng họ Du khi xây dựng thôn làng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo cách bài trí này.
Thật đáng kinh ngạc, kể từ đó, thôn Du Nguyên không còn phải bận tâm về hạn hán và lũ lụt nữa, mà họ luôn sống trong hòa bình và thịnh vượng. Không chỉ giàu mạnh về kinh tế lâu dài từ triều Minh sang triều Thanh, thôn còn sản sinh ra 260 nhân vật đỗ đạt cao được bổ nhiệm vào các vị trí khác nhau của triều đình hay còn gọi là tước vị [thượng thư, đại phu, phủ đài, tri huyện, tiến sĩ, cử nhân, v.v] và được ca tụng là “phong thủy bảo địa”, nghĩa là nơi có người tài và đất quý.
“Phép màu” không phải chỉ có thế: cũng kể từ đó, thôn Du Nguyên luôn có mưa vào ngày 26 của tháng thứ 6 Âm lịch và không có ngoại lệ; 8 con cá chép điêu khắc bằng gỗ trong Thanh Viễn Đường luôn thay đổi màu sắc tương ứng với sự luân chuyển của các mùa; trong số những cây sồi trắng mọc trên phần đất hình con cá Âm của Thái Cực đồ tại cổng thôn, có một cây đã hơn 600 tuổi và cao 27 mét, được mệnh danh là “Bạch Lịch vương” ở tỉnh Chiết Giang; còn về cái ao thứ 3 tên Ngọc Hành Đường của Thất Tinh Đường, hễ khi nào dân làng cố lấp nó lại để xây nhà cửa lên trên thì chắc chắn sẽ có hỏa hoạn. Có khoảng 20 đến 30 điều kỳ lạ khó hiểu như vậy nữa ở thôn Du Nguyên, mà khoa học hiện đại không tài nào giải thích được.
Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn không thể không đặt ra câu hỏi rằng, có lẽ nào tất cả những việc này chỉ đơn giản là một minh chứng cho sự huyền diệu của thuật phong thủy cổ xưa?
Một số hình ảnh về thôn Du Nguyên.
Cánh đồng Thái Cực.
Con suối chảy qua thôn.
Miếu Động Chủ mỗi năm tổ chức 2 hội chùa vào ngày 13 tháng giêng và 26 tháng sáu.
Người dân trong thôn đến tham gia lễ hội.
Cho đến tận bây giờ thôn Du Nguyên vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa.
Trong thôn đi đâu cũng có thể nhìn thấy đồ hình Thái Cực.
Theo Soundofhope / Chánh Kiến
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa