Nhìn về “cung điện” ngầm sau 47 năm
KTĐT – Đến nay, “đại bản doanh” của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà và hầm D67 không còn là bí mật riêng của quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những câu chuyện thiết kế đặc biệt, rồi những cuộc họp của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng từ giai đoạn 1967 – 1975 dần dần được hé mở trong buổi hội thảo “Vai trò của cơ quan tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”, diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội. Buổi hội thảo đã thu hút hơn 30 bài phát biểu tham luận, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và nhiều nguyên cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Di tích thời hiện đại Thăm lại nhà và hầm D67 hôm nay, dù 47 năm đã trôi qua, Đại tá Nguyễn Văn Tý – nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh vẫn còn nhớ: “Vì vấn đề bảo mật của công trình hết sức quan trọng, nên nhiệm vụ thi công nhà và hầm D67 chỉ do Tiểu đoàn 2 (bao gồm những chiến sĩ có trình độ, ý thức chính trị, gia đình trong sạch) đảm nhiệm. Ngày ấy chúng tôi làm việc theo nguyên tắc bí mật: Làm việc gì biết việc ấy, làm đâu biết đấy, sống để dạ chết mang theo”. Cho dù lúc đó các cán bộ thi công chưa nhận thức được hết giá trị quan trọng của công trình, nhưng ai cũng hồ hởi làm việc ngày đêm để công trình sớm hoàn thành.
Nhà D67 là một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn, bởi công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững: Sắt, thép, gạch, cát, xi măng, khi có hiện tượng hư hỏng được sửa chữa kịp thời, mặt khác, công trình nằm trong khu vực nghiêm mật, được bảo vệ chu đáo. Trong di tích nhà D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ: Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Từ phòng làm việc của hai vị tướng, có đường dẫn xuống hầm D67 (hầm Quân ủy T.Ư). Đi sâu xuống 10m là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50m2, chung một hành lang bên phải. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ tổng Tham mưu, nơi quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Hơn nữa, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Giá trị của công trình không chỉ ở thời chiến, mà trong thời bình cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Quân ủy T.Ư”. |
Theo KTĐT