Nhìn lại tục lệ bó chân gót sen của phụ nữ Trung Quốc xưa
Nhiều phụ nữ Trung Quốc thời xưa đã phải đau đớn chịu bó chân trong đôi giày vải có kích thước chỉ nhỉnh hơn bao thuốc lá, để có được “Kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc).
Nguồn gốc
Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân. Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về một cung phi của vua Hán Thành Đế tên là Triệu Phi Yến.
Nàng đã quấn những dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Hán Thành Đế vì rất ấn tượng với dáng điệu của Triệu Phi Yến khi nhảy múa trên đôi chân bó gọn nên gọi nó là “Kim liên tam thốn” (Gót sen ba tấc) và ra lệnh cho những cung phi khác cũng bắt chước theo.
Cũng có tài liệu ghi rằng, dưới thời Nam Đường (937-975), một trong 10 nước thời Ngũ Đại Thập Quốc, có một cung nữ biểu diễn cho Hoàng đế Lý Dục và các quần thần xem. Cô gái trẻ uyển chuyển, duyên dáng với từng điệu vũ của mình và những gót chân quấn lụa lướt trên sàn như chốn bồng lai tiên cảnh.
Rồi từ đó, cái “đôi chân gót sen” nhỏ nhắn, mềm mại đó được các cung tần, phi tử khác trong cung vua đồn thổi là thứ khiến lòng vua ngây ngất. Một đồn mười, mười đôi trăm rồi qua hàng trăm năm lịch sử, các thiếu nữ vẫn cuồng si đôi gót chân thon nhỏ kia với mong muốn được đàn ông để ý. Những cái tên mĩ miều được dùng cho chúng: “gót sen” hay “gót huệ”.
Dần dần, tập tục này lan ra nhiều vùng tại Trung Quốc, đến mức người con gái không có bàn chân bó sẽ bị khinh thường.
Vào thế kỷ 19, người ta ước tính có khoảng 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỷ lệ con nhà giàu bó chân lên tới 100%. Dù không có số liệu điều tra chính xác nhưng nghe thôi đã đủ bàng hoàng.
Thông thường, ở các vùng nông thôn, phụ nữ sẽ bó chân muộn hơn và bó sơ sài vì còn phải làm việc đồng áng. Còn ở thành thị, các con nhà quan lại sẽ phải bó thật chặt và gần như 100%. Đơn giản vì họ có người hầu kẻ hạ, đi lại làm gì cũng có người giúp, chỉ dám lướt thướt bước từng bậc trong nhà. Người ta vẫn tin rằng, đó là chuẩn mực của cái đẹp, một quy chuẩn vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.
Quy trình thực hiện
Để có được đôi chân “gót sen” hoàn hảo không phải điều dễ dàng và đi kèm với rất nhiều đau đớn. Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2 – 5 tuổi. Đây chính là khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện, dễ uốn nắn tạo hình.
Đầu tiên, chân của các bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Sau đó, những người bó chân sẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi bàn chân rồi dùng lực mạnh để bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. Xương vòm bàn chân bị bẻ gẫy, tiếp đến cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong băng vải.
Hai ngày một lần, các mảnh vải bó chân được thay mới và thắt chặt hơn trước. Các cô gái đóng riêng cho mình những đôi giày có kích thước rất nhỏ và được khuyến khích đi bộ nhiều mỗi ngày để đôi bàn chân phát triển theo hình dạng mong muốn. Kích thước của bàn chân nhỏ chỉ 7,5cm được xem là kích thước lý tưởng của một đôi “gót sen vàng”.
Thông thường, người ta sẽ không để các bà mẹ bó chân con gái vì thường mẹ sẽ thương con mà bó nhẹ, không nỡ nhìn con gái đau đớn, thương tật vĩnh viễn.
Quá trình bó chân thường kéo dài trong 2 năm và nó đau đớn đến mức có người đã nói rằng: “Người con gái bó chân phải khóc hàng xô nước mắt”.
Tục bó chân chính thức bị xóa bỏ vào năm 1912 sau khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra, chấm dứt chế độ phong kiến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hủ tục vẫn tồn tại ở một số ngôi làng vùng sâu vùng xa của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuệ Tâm (dịch và t/h)