Nhiều quan chức đang lo sợ trước sự trở lại của trùm đả hổ Vương Kỳ Sơn?
Đúng như dự đoán, ông Vương Kỳ Sơn đã chính thức nhậm chức Phó Chủ tịch nước. Giới quan sát dễ dàng nhận thấy, trong thời gian diễn ra “lưỡng hội”, nhiều hành động của quan chức đã thể hiện nỗi sợ trước sự trở lại của trùm đả hổ Vương Kỳ Sơn.
Ông Vương Kỳ Sơn thành tâm điểm tại “lưỡng hội”
Trong 5 năm qua, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã khiến các tham quan run rẩy, giờ đây lại trở thành tâm điểm tại “lưỡng hội”; thứ hạng chỗ ngồi bám sát 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, được xem là “ủy viên thứ 8 Ban Thường vụ”.
Ống kính quay của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng dành ưu ái đặc biệt về độ dài thời gian quay cận cảnh đối với ông Vương Kỳ Sơn, vì thế mà nhiều nhà bình luận chỉ ra đây là tín hiệu của nhà cầm quyền thông báo Vương có vị trí đặc biệt trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Có nhà phân tích chỉ ra, sau này quyền lực của Vương có thể chỉ đứng sau Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục “thể chế Tập – Vương”.
Giới truyền thông còn đưa tin, khi ông Vương Kỳ Sơn đi ngang hội nghị, rất nhiều người đã cố chen lên để kịp bắt tay Vương, ngay cả Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long (nhiều tin bóng gió cho rằng sắp giải nhiệm) cũng gặp ông Vương và chào theo nghi thức quân nhân.
Ngày 11/3, Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp, khi đến lượt ông Vương bỏ phiếu, những tràng pháo tay tại hội trường bất ngờ lớn hơn, thậm chí làm lu mờ hình ảnh 7 ủy viên Ban Thường vụ.
Về hiện tượng này, ngày 14/3, Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) phiên bản tiếng Trung có phân tích rằng, việc ông Phạm Trường Long chào theo nghi thức quân nhân như vậy là một hành động hiếm thấy, có thể Tập – Vương thanh trừng nhiều quan to quân đội, nhưng bỏ qua cho Phạm Trường Long nên ông ta cảm tạ, nhiều khả năng quan to này sẽ bình an sau khi giải nhiệm.
Tương tự, các đại biểu cũng dành tràng pháo tay nhiệt liệt cho ông Vương Kỳ Sơn, nhưng khả năng hoan nghênh vì ông Vương trở lại là rất nhỏ, ẩn ý của hành động này chính là vì không quan nào không sợ hãi “Sa hoàng chống tham nhũng” Vương Kỳ Sơn, vì các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng lún sâu vào những vụ bê bối, thật khó khăn để đảm bảo được lý lịch bản thân sạch sẽ.
Hơn nữa, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã xác định rõ tham nhũng nghiêm trọng nhất là “tham nhũng chính trị”, các quan có thể gặp nguy và sự nghiệp có thể tan theo mây khói bất cứ lúc nào.
Trong khi ông Tập Cận Bình đã cho thành lập thêm Ủy ban Giám sát Nhà nước, lấy nhiệm vụ trọng tâm là chống tham nhũng. Tình hình này, ông Vương Kỳ Sơn có khả năng chi phối, kiểm soát, chịu trách nhiệm, hoặc đóng vai ảnh hưởng gián tiếp dưới một số hình thức nào đó đối với cơ quan giám sát này. Vấn đề Vương Kỳ Sơn muốn làm là khiến tất cả đối thủ chính trị đang ẩn náu phải xuất hiện, từ đó “nhốt vào lồng chế độ”.
Tác giả bài viết trên RFI nhận định, trở lại chính trường, ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò là Phó Chủ tịch nước, có lẽ sẽ phụ trách đối ngoại, hoặc Ủy ban Giám sát Nhà nước. Hơn nữa, một khi ông Vương giữ cương vị Phó Chủ tịch nước, theo Hiến pháp mới sửa đổi thì ông sẽ không còn giới hạn nhiệm kỳ, sức răn đe quyền lực của ông sẽ tương tự như lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình.
Cuối cùng bài viết cho rằng, việc các đại biểu vỗ tay khác thường như vậy, nhiều khả năng họ đã nhận thức được tầm ảnh hưởng đặc biệt của ông Vương Kỳ Sơn trong vũ đài chính trị thời gian tới.
Ông Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường, quyền lực sẽ lớn hơn trước?
Ông Vương Kỳ Sơn chống tham nhũng quá mạnh mẽ, khiến các quan chức luôn sống trong cảm giác bất an, câu nói cửa miệng nổi tiếng trong quan trường Trung Quốc “Thà thấy Diêm Vương còn hơn thấy Lão Vương” phản ánh rõ điều này.
Tại Đại hội 19, ông Vương Kỳ Sơn đã trả lại tất cả các chức vụ. Nhưng hiện tượng khác thường là, Đại hội 19 vừa kết thúc, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc lại đăng bài viết dài của ông Vương Kỳ Sơn, một ủy viên Ban Thường vụ mới mãn nhiệm, bài viết nhấn mạnh “tham nhũng chính trị” là tham nhũng nghiêm trọng nhất, trong 5 năm tới phải giải quyết dứt điểm. Còn hiện nay, dường như con đường mà Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đang thực hiện chính là làm theo những gì Vương Kỳ Sơn đã vạch ra.
Trong các hành động “đả hổ” chống tham nhũng trước đây của ông Vương Kỳ Sơn, thường sau khi ông Vương “ẩn thân” một thời gian rồi đến khi xuất hiện là lập tức có một “ông lớn” bị xử lý. Vì thế mà dân gian đồn rằng ông Vương Kỳ Sơn “ẩn thân” là đang bí mật điều tra một phi vụ nghiêm trọng. Lần này, ông Vương “về hưu” hơn bốn tháng của ông, nay lại “tái xuất”, có thể sắp giở tuyệt chiêu khác thường, do đó các quan to mới phải kính cẩn như thế.
Giới quan sát dự đoán, ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch nước, chức vị này sẽ không còn là một chức mang tính tượng trưng nữa, ông Vương Kỳ Sơn từng làm đại diện cho Trung Quốc trong đối thoại chiến lược và kinh tế Trung – Mỹ, thời gian tới đây ông Vương sẽ có thực quyền trong ngoại giao và kinh tế đối ngoại.
Tờ Apple Daily (Hong Kong) từng đưa tin, hai ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tạo thành “thể chế Tập – Vương” có lẽ sau 5 năm nữa sẽ vẫn tiếp tục như vậy.
Nhật báo Đông phương (Oriental Daily News, Hong Kong) có đăng tải bài bình luận nhận định, giới quan sát đều gọi vui ông Vương Kỳ Sơn là “Thường ủy thứ 8” trong dàn lãnh đạo tập thể khóa mới, còn từ mức độ tín nhiệm của chính quyền Bắc Kinh đối với ông mà nói, “vai trò của ông Vương Kỳ Sơn có lẽ không chỉ nằm ở vị trí được gọi là Thường ủy thứ 8”.
Ngày 11/3, Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước. Một khi ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức Phó chủ tịch nước, theo Hiến pháp mới được sửa đổi, nhiệm kỳ của ông sẽ không bị giới hạn, điều này cũng có nghĩa là, lực uy hiếp của ông sẽ vẫn được tiếp tục giống như ông Tập Cận Bình.
Tuệ Tâm (t/h)