Nhiều phụ huynh than phiền sách giáo khoa lớp 1 ‘dạy trẻ thói xấu’
Nhiều phụ huynh đang than phiền sách Tiếng Việt lớp 1 mới, bộ Cánh Diều chứa nhiều câu chuyện khó đọc, dạy trẻ thói lười biếng, lừa dối, bạo lực.
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh luận về việc sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 ở bộ sách Cánh Diều mắc rất nhiều sai sót khó chấp nhận.
Cổ xúy bạo lực, lười biếng, lừa lọc?
Chẳng hạn trong bài tập đọc “Hai con ngựa”, SGK viết: “Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác, còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc: Chị làm hùng hục như thế để làm gì? Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng. Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn. Ngựa ô lẩm bẩm: Có lý lắm”. Bài đọc này bị phụ huynh cho rằng dạy học sinh lớp 1 thói lười biếng.
Chị N.T.V, có con học lớp 1 ở TP.HCM chia sẻ chị đọc truyện ngụ ngôn Hai con ngựa nhưng không hiểu chuyện dạy trẻ điều gì. “Tôi có hỏi con học được điều gì, con bảo không biết. Suy nghĩ một lát sau, con nói nếu bị sai việc thì không làm và trốn đi nơi khác…”.
Các mẩu chuyện như Cua, cò và đàn cá thì bị cho là thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ súy bạo lực, lừa dối. Cụ thể, câu chuyện ghi: “Cá hết, cò tìm cua, cua nửa tin nửa ngờ, cò dỗ: Hồ kia to lắm cua sẽ mê tít. Cua để cò đưa đi, cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò. Cò van xin, cua bắt cò đưa nó về hồ cũ”.
Một câu chuyện khác viết: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá”.
Nhiều giáo viên chỉ ra rằng SGK không những cần đảm bảo kiến thức chuẩn, phù hợp tâm lý lứa tuổi mà những bài học phải mang lại giá trị, ý nghĩa nào đó. SGK mà đưa những kiến thức cổ vũ bạo lực, lươn lẹo để dạy học sinh lớp 1 sẽ rất phản giáo dục.
Gà trống bị gọi là thú dữ
Bài tập đọc “Chuột út” đưa ví dụ: “Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa, về nhà, nó ôm mẹ kể: Mẹ ạ, trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá. Chuột mẹ đáp: Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con”. (Theo Lev Tolstoy:)”. Bên dưới ví dụ là câu: “Đố em, con thú dữ chuột út gặp là con gì?”.
Trên một diễn đàn của giáo viên tiểu học, các giáo viên cho biết họ không thể hiểu vì sao gà trống vốn chỉ là một con vật bình thường nhưng vô sách lại trở thành thú dữ. Ngoài ra, nếu trích dẫn theo nhà văn Lev Tolstoy thì cũng là trích dẫn sai. Khi dịch ra hoàn toàn khác bản gốc, người viết sách vừa làm mất ý nghĩa câu chuyện, vừa làm lời văn thô, và phản giáo dục, khiến trẻ liên tưởng sai về sự vật, hiện tượng.
Nhiều từ địa phương, vô nghĩa
Ngoài những nội dung ‘gây thói xấu cho trẻ’, bộ sách Cánh Diều còn bị chê sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương, gây khó hiểu cho học sinh. Chẳng hạn, thay vì viết “nhai” thì dùng từ “nhá” (nhá cỏ, nhá dưa), “gà con” viết thành “gà nhiếp”, tiếng kêu của quạ bao đời nay vẫn gọi là “quạ, quạ” nhưng trong sách lại biến thành “quà, quà”.
Cụ thể, ở bài tập đọc “Thỏ thua rùa” viết: “Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ. Rùa tự nhủ: Ta sẽ cố. Giữa trưa, chị quạ “quà quà”: A, thỏ thua rùa”.
Chị N.A.T (phụ huynh ở Q.1, TP.HCM) cho biết một lần trò chuyện với con và xem lại SGK Tiếng Việt, chị giật mình: “Hôm đó, tôi hỏi con là ba có đưa con về nhà ông bà nội không, con gọn ghẽ trả lời “chả có”.
Chị hỏi con học từ đó ở đâu, sao trả lời với người lớn cộc lốc như thế. Con cho rằng nói đúng theo trong sách giáo khoa. Con kể chiều qua cô dạy tập đọc, một đoạn có từ “chả sợ gì”, rồi con ghép từ. Chị mở sách ra xem thì đúng như vậy, sách có nhiều chỗ trong phần tập đọc dùng từ “chả””.
Cô H.M.A, GV tại quận 3, TP HCM cũng chia sẻ cảm giác khi đọc SGK Tiếng Việt lớp 1 là có quá nhiều bài học mang tính ngụ ngôn, hàm ý. Thể loại ngụ ngôn thường mang tính hàn lâm, cần có sự liên tưởng và giải thích cặn kẽ. Hơn nữa, nếu đã là một câu chuyện ngụ ngôn cần phải trích dẫn đầy đủ, nếu cắt xén, biến tấu thì ý nghĩa câu chuyện bị thay đổi, dễ gây phản cảm. Chưa kể độ tuổi HS lớp 1, các em không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu chuyện. Ở độ tuổi các em, chỉ cần những bài tập đọc đơn giản, ý nghĩa, ngắn gọn, dễ hiểu.
Mai Lan (t/h)