Nhật Bản tái chế gần 80.000 tấn rác điện tử làm huy chương cho thế vận hội Olympic
Theo Dự án Huy chương Tokyo 2020, Nhật Bản sẽ sử dụng gần 80.000 tấn điện thoại di động và các thiết bị điện tử đã qua sử dụng để tạo ra 5.000 huy chương phục vụ cho Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Năm 2013, một bài báo của Dell đã ước tính rằng nếu trích xuất kim loại quý từ điện thoại thông minh đã qua sử dụng, chúng ta sẽ nhận được khoảng 300g vàng cho mỗi 10.000 điện thoại được tái chế. Các ước tính khác cho biết một chiếc điện thoại thông minh có thể chứa tới 0,034g vàng, 0,34g bạc, 15g đồng, 0,001g bạch kim và 0,015g palladi.
Vào ngày 24/7 vừa qua, ban tổ chức đã tiết lộ một số thông tin về huy chương dành cho các vận động viên trong thế vận hội Olympic Tokyo 2020, đúng một năm trước lễ khai mạc. Những huy chương này được thiết kế với nguyên liệu chưa từng được sử dụng trong lịch sử: Tất cả đều được làm từ điện thoại di động và những thiết bị điện tử đã qua sử dụng.
Ban Dự án Huy chương Tokyo 2020 cùng nhà mạng NTT Docomo Nhật Bản đã thu thập điện thoại di động từ giữa tháng 4/2017 đến tháng 3/2019. Sau 2 năm, thông qua quá trình xử lý, các công ty đã tách được khoảng 32,2 kg vàng, gần 3,5 tấn bạc và 2,2 tấn đồng từ 80.000 tấn thiết bị và đã tích đủ lượng kim loại cần thiết để đúc được gần 5.000 huy chương cho 2 Thế vận hội.
Sau đó, lượng kim loại này sẽ được đổ vào khuôn theo thiết kế của Junichi Kawanishi, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế huy chương Olympic khi vượt qua 400 đối thủ.
Theo Ban tổ chức Tokyo 2020, thiết kế của huy chương này mang ý nghĩa rằng: Để đạt được vinh quang, mỗi ngày trôi qua các vận động viên đều phải nỗ lực để giành chiến thắng. Mặt trước của huy chương sẽ được khắc hình Nữ Thần Nike – vị Thần Chiến thắng của Hy Lạp. Mặt sau của mỗi chiếc huy chương được thiết kế giống như một viên đá thô ráp được đánh bóng và bây giờ nó có thể tỏa sáng.
Anh Junichi Kawanishi – chủ nhân của ý tưởng thiết kế cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc mẫu thiết kế của tôi, chỉ là một vật kỷ niệm trong sự kiện để đời này, cuối cùng lại được chọn. Với những vòng tròn tỏa sáng, tôi hy vọng chiếc huy chương sẽ được coi là sự tôn vinh cho những nỗ lực của các vận động viên, niềm vinh quang của họ và tượng trưng cho tình bằng hữu”.
Đại diện Dự án Tokyo 2020 phát biểu: “Chúng tôi hy vọng rằng dự án của chúng tôi sẽ góp phần tái chế các thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ và những nỗ lực của chúng tôi có thể đóng góp cho một xã hội bền vững và thân thiện với môi trường”.
Mặc dù là một quốc gia hầu như không có khai thác kim loại quý, nhưng các thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ của Nhật Bản được cho là chứa tương đương 16% trữ lượng vàng của thế giới và 22% trữ lượng bạc của thế giới.
Khay đựng huy chương được làm từ gỗ tần bì Nhật Bản, có kèm theo dải ruy băng được truyền cảm hứng từ các họa tiết truyền thống và kỹ thuật layer của bộ quốc phục Kimono.
“Tôi tin chắc rằng kỹ thuật làm khuôn của Nhật và thiết kế tuyệt vời này sẽ kết hợp ăn ý với nhau. Và chúng tôi tự hào rằng mình sở hữu chiếc huy chương tốt nhất thế giới. Ở đây có cả vẻ đẹp của sự cân bằng trong thiết kế giữa chiếc huy chương và dải ruy băng. Tôi có cảm tưởng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được chiếc huy chương cho riêng mình”, Ryohei Miyata, chủ tịch hội đồng tuyển chọn thiết kế huy chương của Olympic Tokyo 2020, nói trong một thông cáo báo chí.
Với những nỗ lực này, Tokyo 2020 hy vọng sẽ góp phần làm cho xã hội trở nên thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Đây là di sản mà họ muốn Thế vận hội năm 2020 để lại. Mỗi huy chương cũng đại diện cho tinh thần của những người tham gia, đồng thời tôn vinh sự đa dạng của Thế vận hội và Paralympics. Sự tỏa sáng của chúng cũng giống như sự ấm áp của tình bạn lan tỏa giữa các quốc gia.
Thiên Thanh (t/h)