Nhân Dân tệ giảm mạnh sau những chuỗi bất ổn
Nhân Dân tệ giảm mạnh ngay từ đầu năm, mặc dù Trung Quốc từng ấp ủ hy vọng vào điều tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên ngay trong phiên giao dịch đầu năm vào 8/1/2016, Nhân Dân tệ đã thực sự bước vào vòng xoáy của sự rối loạn. Điều này từng được dự đoán trước đó, về một tình trạng không mấy tốt đẹp lại trở nên muôn
Nhân Dân tệ giảm 0,6%, mức đáng kể đối với một đồng tiền được cho là quan trọng, xuống còn 6,55 CNY/1 USD, thấp nhất kể từ tháng 3/2011. Các nhà đầu tư hối hả bán tống Nhân Dân tệ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định giá trị của đồng bản tệ hạ 0,22%, một đợt phá giá chính thức tiếp theo.
Trung Quốc lần đầu phá giá Nhân Dân tệ vào tháng 8/2015 rồi sau đó can thiệp thẳng tay vào thị trường để duy trì sự ổn định của đồng bản tệ thông qua khoản chi lấy từ dự trữ ngoại hối là 255 tỷ USD tính đến cuối tháng 11/2015.
Sau khi quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa Nhân Dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế hồi tháng 11/2015, Bắc Kinh đã bớt tiêu hao lượng dự trữ ngoại tệ và để đồng tiền dần hạ giá.
Bắc Kinh cũng đã đưa ra cảnh báo khá rõ ràng cho thị trường khi tuyên bố sẽ neo đậu tỷ giá Nhân Dân tệ so với cả rổ tiền tệ của IMF chứ không chỉ USD.
Nhân Dân tệ giảm giá so với USD trong năm 2015 nhưng lại tăng so với rổ tiền tệ, điều này giúp Bắc Kinh có thêm lý do để tiếp tục phá giá đồng bản tệ so với USD.
“Trung Quốc đang chuẩn bị phá giá mạnh đồng tiền của mình”, nhà quản lý Kyle Bass tại quỹ quản lý đầu tư Hayman LLC nói với tuần báo Wall Street. Ông cho rằng đợt phá giá này có thể khiến Nhân Dân tệ mất giá tới 20%.
Vì vậy các nhà đầu tư đã đón đầu xu thế để nhanh chóng giải ngân số Nhân Dân tệ nắm giữ càng mau lẹ càng tốt. Và tất nhiên là không ai dại gì cứ cố chấp để mất tiền vì nắm giữ tiền tệ rớt giá. Vấn đề nằm ở chỗ động thái mang tính hàng loạt này sẽ càng khiến Nhân Dân tệ thêm lao dốc.
Trong khi giới chức Trung Quốc có thể ngăn chặn xu hướng bán tháo vô tội vạ Nhân Dân tệ ở đại lục bằng biện pháp kiểm soát vốn, cũng không ai can thiệp vào đợt bán tống đồng Nhân Dân tệ (CNH) giao ngay ở hải ngoại, đa phần tại Hồng Kông.
CNH đã giảm 1,1% so với USD, xuống 6,7 CNH/1 USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2010. Chênh lệch giá trị giữa CNY và CNH cũng tăng lên mức kỷ lục là 2,5%.
Vốn tháo chạy
Bên cạnh xu thế rớt giá đồng bản tệ, vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc cũng là hiện tượng gây chấn động thời gian qua. Cho đến năm 2014, Trung Quốc vẫn thu hút nhiều vốn ngoại, đẩy tỷ giá lên cao. Hiện giờ vốn thi nhau đội nón ra đi, dìm tỷ giá Nhân Dân tệ xuống thấp.
“Bạn đã trải qua một giai đoạn mà trong đó luôn theo xu thế tiền tăng giá, vốn chảy vào, hiện giờ mọi thứ đảo ngược. Các công dân của bạn bây giờ chỉ muốn đầu tư sang lĩnh vực khác”, giáo sư Carmen Reinhart tại Havard bình luận.
Bà cho rằng Trung Quốc đang đối mặt “một cuộc khủng hoảng nợ trong nước khá nghiêm trọng”, đó là lý do vì sao các công dân nước này và nhà đầu tư quốc tế đều đang chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
“Dòng vốn lưu thông đang xoay chiều và sự chuyển biến này cũng thúc đẩy giao dịch bất động sản ở London, Boston, New York. Bạn thấy nhà đầu tư không chỉ mua Trái phiếu kho bạc. Chúng ta thấy các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Nga”.
Bloomberg ước tính số vốn rời Trung Quốc 3 tháng cuối năm 2015 lên tới 367 tỷ USD. Tờ Epoch Times từng ước tính dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2015 là 850 tỷ USD, vì vậy tổng số vốn bỏ đi có thể vượt quá 1,2 nghìn tỷ USD, khớp với tình huống tồi tệ nhất theo dự đoán của Societe Generale.
Thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc là lý do nước này không phải bán thêm ngoại tệ trong quỹ dự trữ để cản trở Nhân Dân tệ rớt tiếp.
Lý do phá giá Nhân Dân tệ
Trung Quốc không thể làm gì để cản dòng vốn tháo chạy, ngoại trừ việc cải tổ triệt để kinh tế.
Bắc Kinh có thể can thiệp vào các thị trường bằng cách bán ngoại hối trong dự trữ nhằm chặn đà giảm của Nhân Dân tệ. Đối với đồng CNY, giới chức cũng có thể áp dụng biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn, điều mà họ đã làm, tuy nhiên nó lại đi ngược với những cam kết cải tổ kinh tế.
Tuy vậy, khi tính đến những lựa chọn không mấy khả quan, việc từ từ phá giá đồng Nhân Dân tệ tại đại lục và ở hải ngoại thực chất là tối ưu nhất trong số những điều tồi tệ nhất.
Các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong quá khứ như Anh quốc phá giá Bảng Anh năm 1992, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và gần đây nhất là Rúp Nga lao dốc, đều cho thấy giá trị các đồng tiền sẽ rớt xuống mức cân bằng, bất chấp mọi biện pháp một quốc gia có thể áp dụng để can thiệp vào thị trường.
Vì thế nếu Nhân Dân tệ buộc phải hạ giá, Trung Quốc ít nhất cũng duy trì được quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình, cho dù những người hoài nghi có thể đặt câu hỏi vậy thì dùng quỹ dự trữ để làm gì?
“Quỹ dự trữ ngoại hối chỉ đơn giản là chứa ngoại tệ. Tiền trong đó không phải là Nhân Dân tệ, không phải là đồng tiền được đem ra để đỡ đần gánh nặng trong nước”, tác giả cuốn “Red Capitalism”Fraser Howie bình luận.
Nhân Dân tệ phá giá mặt khác sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, dựa trên lợi thế là lao động rẻ mạt và giá nhà đất đang tăng. Tuy nhiên hiện giờ lợi thế này đã không còn mấy tác dụng như trước đây. Chuyên gia Kyle Bass cho rằng phá giá Nhân Dân tệ sẽ giúp Trung Quốc “lấy lại đôi chút thế cạnh tranh so với phần còn lại của thế giới”.
Tuy nhiên, Trung Quốc không cần phải cạnh tranh theo cách đó để tạo ra tăng trưởng như nhiều người vẫn tưởng. Mặc dù Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Bắc Kinh ước tính GDP nước này chỉ tăng 6,7% năm 2016 (dưới mức mục tiêu thông thường 7%), vấn đề quan trọng nhất nằm ở tình hình việc làm và đánh giá của công chúng.
Khối xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đóng góp khoảng 10% tổng số việc làm mới trong nước.
Tác giả Gordon Chang viết cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” nhận định: “Tại Trung Quốc người dân chỉ cảm thấy mệt mỏi và chán nản, đặc biệt là khi thể chế này đã không còn có khả năng tạo ra của cải và sự thịnh vượng. Khi vấp phải khó khăn kinh tế thực sự, tôi nghĩ mọi người sẽ nói thế này: ‘bấy nhiêu thế đã quá sức chịu đựng rồi!”. Để chờ tới lúc ấy, Nhân Dân tệ sẽ còn rớt dài.
Theo minhbao.net