Nhà kinh tế trưởng của Citigroup: Giá trị cân bằng của bitcoin là 0
Thời gian qua, bitcoin liên tục tăng đột biến và dường như đang hình thành bong bóng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Trước tình hình này, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Citigroup, ông Willem Buiter đã phân tích những ưu – nhược điểm của loại tiền mã hóa hàng đầu này và công nghệ blockchain.
Mặc dù làm việc cho ngân hàng lớn nhất thế giới nhưng Willem Buiter lại không phải là một người ham mê tiền bạc. Ông từng gọi vàng là một quả bong bóng 6.000 năm tuổi và cho rằng những loại tiền giấy có giá trị cân bằng là 0.
“Giá trị cơ bản của hàng hóa không có giá trị thực tế là 0. Đối với tất cả các loại tiền giấy nếu giá trị của nó là dương thì đó là một quả bong bóng. Có những quả bong bóng tốt khi chúng ổn định. Có những quả bong bóng xấu khi chúng phát nổ và xẹp xuống”, ông nói với tờ Epoch Times hồi tháng 7/2016.
Khi được hỏi về sự tăng giá ngoạn mục của đồng tiền mã hóa bitcoin, đạt tổng giá trị thị trường lên đến hơn 70 tỷ USD, ông đã đưa ra câu trả lời tương tự như những hình thức tiền tệ khác: “Nó chỉ có giá trị bởi vì mọi người tin rằng nó có giá trị. Có một giá trị cân bằng cho bitcoin; đó là 0, cũng như tất cả các loại tiền giấy”.
Ông Buiter cho rằng, bitcoin thuần túy chỉ là đầu cơ và “không phải là thứ mà những người bình thường nên đến gần”, ông so sánh nó với tiền giấy và vàng mà trước đó ông từng nói rằng ông có thể sở hữu như một phần của danh mục vốn đầu tư đa dạng.
“Vàng có một số công dụng tự nhiên, các loại tiền giấy do chính phủ phát hành ít nhất có một ngân hàng trung ương vốn cố gắng ổn định giá trị của nó về mặt hàng hóa và dịch vụ”, ông nói. “Vấn đề với bitcoin là nó có lượng hữu hạn, và rất tốn chi phí đào mỏ, điều này khiến nó bị lãng phí, giống như vàng vậy. Vàng về cơ bản là một bitcoin sáng lấp lánh”.
Tuy nhiên, Buiter, một trong những nhà kinh tế trực ngôn nhất của phố Wall đã đưa ra một quan điểm nhiều sắc thái về cuộc tranh luận này.
“Miễn là có một lớp người muốn nằm ngoài tầm nhìn của các cơ quan chính quyền và muốn chuyển tiền đường dài, thì các loại tiền mã hóa… chắc chắn sẽ là một phần của những gì mà chúng ta làm”, ông nói và thừa nhận giá trị của bitcoin và các loại tiền mã hóa khác như một phương tiện trao đổi.
Ngân hàng Trung ương sử dụng
Mặc dù phản đối bitcoin, nhưng Buiter cũng là một người hâm mộ công nghệ blockchain và cho rằng nó có thể được các ngân hàng trung ương sử dụng trong tương lai để thanh toán các giao dịch xuyên biên giới.
Blockchain là một cuốn sổ cái ghi lại các giao dịch một cách công khai trên một hệ thống máy tính đồng đẳng theo phương thức mã hóa, từ đó loại bỏ các bên trung gian thứ 3 và tạo ra vô vàn ứng dụng giúp tăng cường sự tin tưởng, trách nhiệm và minh bạch với chi phí, rào cản pháp lý và thủ tục quy trình được giảm thiểu đáng kể.
“Chúng tôi không biết là nó sẽ mở rộng đến mức nào, nhưng nó có thể rất hữu dụng với các giao dịch giữa các ngân hàng trung ương, các giao dịch xuyên biên giới, với những thực thể hiện đang sử dụng các sổ sách tập trung để thực hiện những giao dịch đó”, ông nói và gọi bitcoin là một “sự khởi đầu không may mắn” cho toàn bộ cuộc cách mạng blockchain.
“Bạn không được nhầm lẫn giữa khái niệm chung về sổ sách phân tán để trao đổi sở hữu với sự ứng dụng cụ thể của loại sổ sách phân tán này mà chúng ta khởi đầu; đó là bitcoin”.
Nhà kinh tế trưởng của Citigroup nói, nếu các ngân hàng trung ương chọn dùng công nghệ này thì khả năng mở rộng và an ninh là vấn đề cần quan tâm.
“Những hệ thống thanh toán thế giới thực, mà các ngân hàng trung ương làm việc với, có thể có tiềm năng được thay thế bằng loại sổ sách phân tán này. Nhưng chúng ta vẫn phải hình dung rằng nó sẽ mở rộng được đến mức nào và nó có an toàn không. Bởi vì bất cứ cái gì có thể được lập trình đều có thể bị đột nhập nên nó phải vững chắc”.
Theo Epoch Times