Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ Tạ ơn của người Mỹ
Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) là một ngày lễ quan trọng hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Hoa Kỳ và Canada, có ý nghĩa tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống no đủ, an lành và mừng thu hoạch được mùa.
Nguồn gốc của Lễ Tạ ơn
Lễ Tạ ơn là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada. Tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ ơn được tổ chức vào ngày thứ Năm lần thứ tư của tháng 11. Tại Canada, nơi có cuộc thu hoạch sớm hơn, ngày lễ này được tổ chức vào ngày thứ Hai lần thứ hai của tháng 10.
Ít người biết rằng nguồn gốc ngày Lễ Tạ ơn của hai quốc gia nằm cạnh nhau này lại không hề giống nhau. Ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên của Canada có từ năm 1578, và nó bắt nguồn từ chuyến đi tới Canada lần thứ ba của nhà thám hiểm Martin Frobisher. Trên đường đi ông đã gặp nhiều sóng gió vì thế sau khi cập bến Nunavut, ông đã tổ chức một bữa tiệc lớn để ăn mừng hành trình an toàn của mình. Trong khi đó Lễ Tạ ơn đầu tiên của người Mỹ diễn ra sau đó cả thế kỷ và với một câu chuyện hoàn toàn khác.
Lễ Tạ ơn đầu tiên trên đất Hoa Kỳ được coi là đã diễn ra tại khu thuộc địa Plymouth, bang Massachusetts ngày nay. Khoảng thế kỷ 16 – 17, một số người ở Anh bị hoàng đế lúc đó bắt cải đạo. Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù nhiều năm, sau đó hoàng đế ép họ phải rời khỏi nước Anh.
Họ tới định cư tại Hà Lan nhưng sớm nhận ra mình không thể hòa nhập và lo sợ con cháu của mình sẽ mất gốc. Một nhóm gồm 102 người đã rời khỏi Hà Lan để đến châu Mỹ trên một con thuyền mang tên Mayflower. Sau này, họ thường được gọi là Người hành hương (Pilgrims). Họ tới Massachusetts khi nơi đây đang là mùa đông giá lạnh (tháng 11/1621), cùng với cái đói trong khi không đủ lương thực, một nửa trong số họ đã không qua nổi mùa đông khắc nghiệt.
Tuy nhiên những thổ dân da đỏ tốt bụng nơi đây đã dạy họ cách sinh tồn như trồng hoa màu, săn bắt… Khi người Pilgrims đã vực dậy và có thể tự lo cho cuộc sống của mình, họ tổ chức một bữa tiệc để tạ ơn Thiên Chúa đã ở bên và gửi những người da đỏ tới cho mình. Họ mời những người da đỏ tham dự và cùng nhau ăn uống vui vẻ. Đó được cho là ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên của những người Mỹ di dân. Từ đó về sau, hàng năm con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức Lễ Tạ ơn để cảm ơn những điều tốt đẹp đã đến trong cuộc sống.
Lễ Tạ ơn ngày nay ở Mỹ diễn ra khi nào?
Tuy có nguồn gốc lâu đời song lễ Tạ ơn mới chỉ bắt đầu trở thành ngày lễ quốc gia quan trọng tại Mỹ từ thế kỷ 19. Trước đó, tổng thống Mỹ đầu tiên là George Washington từng công bố một lễ Tạ ơn toàn quốc vào ngày 26/11/1789, “là một ngày tạ ơn và cầu nguyện với lòng biết ơn sự gia ân và tín hiệu tốt của Thiên Chúa Toàn Năng”. Tuy nhiên, hình thức này không được duy trì vì sau đó mỗi vùng hoặc bang tự tổ chức riêng.
Abraham Lincoln là tổng thống đầu tiên tuyên bố lễ Tạ ơn thành ngày lễ hàng năm của nước Mỹ. Lễ Tạ ơn bắt đầu được ấn định tổ chức vào ngày thứ Năm trong tuần thứ tư của tháng 11 từ năm 1941 dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Vì thế ngày này có thể không phải là thứ Năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm tưởng (thí dụ năm 2012 có đến 5 ngày thứ Năm).
Những hoạt động đặc biệt trong dịp Lễ Tạ ơn
Lễ Tạ ơn là một ngày lễ truyền thống, ngày để các thành viên trong gia đình sum họp cùng thưởng thức một bữa tối đầm ấm, và tất nhiên, món ăn không thể thiếu trong ngày này là một chú gà tây được chế biến thơm ngon.
Có rất nhiều hoạt động trong dịp này như các cuộc diễn hành được tổ chức theo chủ đề đặc biệt diễn ra ở một số thành phố như New York, Plymouth, Houston, Philadelphia và Detroit.
Một trong những hoạt động chính khác trong dịp Lễ Tạ ơn tại Mỹ là bóng bầu dục. Không chỉ các đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu với nhau mà đội bóng ở các trường trung học và đại học cũng tổ chức.
Có một truyền thống hàng năm nữa đó là cung cấp một con gà tây để tổng thống Mỹ đương nhiệm thả nó ra như một sự đặc xá – và không ai thực sự chắc chắn rằng nghi lễ này được bắt đầu từ khi nào. Một số người cho rằng nó bắt đầu trong những năm 1860 với tổng thống Abraham Lincoln, sau khi con trai của ông là Tad xin cha để con gà tây làm thú cưng của anh, thoát khỏi số phận phải trở thành một món ăn trên bữa tiệc vào ngày Lễ Tạ ơn.
Một hoạt động rầm rộ nhất trong Lễ Tạ ơn là ngày mua sắm tại Mỹ, ngày thứ sáu đen tối (Black Friday – sau Lễ Tạ ơn) với hàng loạt các đợt giảm giá và khuyến mại hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ý nghĩa của Lễ Tạ ơn đối với người Mỹ
Ngày Lễ Tạ ơn mang một ý nghĩa vô cùng to lớn khi mọi người dân Hoa Kỳ nhìn lại cuộc sống, trân trọng và cảm ơn vì những ân huệ Chúa đã ban tặng cho mình cũng như những điều tốt đẹp đã đến trong cuộc đời.
Vì sao từ một bữa tiệc của một nhóm nhỏ những người di dân lại trở thành một trông những ngày quốc lễ lớn nhất của đất nước hùng mạnh nhất thế giới? Bởi nước Mỹ lập quốc trong khó khăn, gian khổ, những gì họ gây dựng được là một điều họ không dám tưởng tượng ra, và họ tin tất cả đều là được Thượng Đế an bài.
Trong mắt người dân Hoa Kỳ, họ là con dân của Chúa. Nhân dân không thuộc về chính phủ mà thuộc về Chúa. Chính phủ không phải là khái niệm cao cả và quyền lực nhất, Chúa mới là người quyền lực nhất. Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập đã nhấn mạnh: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa”. Và vì Chúa đã giúp nước Mỹ, người dân Mỹ, nên bày tỏ lòng biết ơn là điều ai ai cũng phải làm, là điều gắn kết họ với Chúa và những ân điển tốt lành của Ngài.
Tuy nhiên, sự trân trọng những điều tốt đẹp đã đến trong cuộc đời mỗi người không phải chỉ giới hạn ở một Lễ Tạ ơn hàng năm, con người cần hình thành lối sống tạ ơn ở trong từng suy nghĩ, từng hành động của mình.
Chúng ta biết ơn thiên nhiên đã mang tới lương thực, không khí, những nguồn sống cơ bản cho con người; Biết ơn người đã mang tới những điều tốt đẹp cho chúng ta và biết ơn cả những người mang tới những đau khổ cho chúng ta. Bởi trong đau khổ và phiền lòng, chúng ta nhìn ra những thiếu sót của bản thân, khắc phục nó và vươn lên cao lớn hơn, tự tại hơn, hạnh phúc hơn.
Lễ Tạ ơn là một truyền thống đẹp của người Mỹ, nhưng nó cũng là để nhắc nhở chúng ta thông điệp về đức tin và sự trân trọng, cảm ân đối với những gì đang có.
Hồng Liên t/h