Người thực sự trưởng thành, nhìn ai cũng đều thấy thuận mắt
Khi chúng ta nhìn ai cũng không thấy thuận mắt, điều đó chứng tỏ rằng trong tâm ta vẫn còn những mặt chưa chín chắn. Người thực sự trưởng thành, trước hết thảy mọi chuyện, đều có thể lấy tâm bình thản mà đối đãi.
Những người không chín chắn mới có thể tùy ý phê bình người khác
Phát thanh viên lâu năm Jennifer của đài WKBT ở tiểu bang Wisconsin từng nhận được một phong thư chỉ trích từ một người đàn ông xem đài, trong thư viết như thế này: “Cô không phải là một người trẻ tuổi trong xã hội này, càng không phải là một tấm gương tốt cho phái nữ”.
Hoá ra người này không hài lòng đối với cân nặng quá chuẩn của nữ phát thanh viên. Không những thế người này còn gửi hẳn một bưu kiện có tựa đề là “Trách nhiệm xã hội”, ra sức chỉ trích đối phương.
Trong bưu kiện viết rằng: “Nhiều năm như vậy tôi thật sự rất ngạc nhiên, bởi vì tôi không nhìn thấy vẻ ngoài của cô thay đổi. Tôi hy vọng cô trở thành một nhân vật của công chúng thực thụ, đừng đem cân nặng quá mức chuẩn và cuộc sống không lành mạnh của bản thân cô truyền đạt cho người xem“. Mỗi từ ngữ đều thể hiện sự gay gắt, khắc nghiệt, mỉa mai, không hài lòng.
Trong cuộc sống những trường hợp như thế này cũng không hiếm lạ. Tôi có một người bạn, chồng cũ của cô ấy bị bệnh thận nên cuộc sống phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc lọc máu. Vì vậy cô ấy quyết định hiến thận để cứu chồng cũ.
Kết quả, lại bị người khác cho rằng cô ấy vì tiền mà phải làm như vậy, có người còn châm biếm rằng: “Muốn lừa được di sản của chồng trước chắc chắn phải trả giá một chút“. Từ một suy nghĩ giản đơn cứu người đột nhiên phải nhận nhiều chỉ trích và chán ghét như vậy quả thật là một sự tổn thương.
Nhà văn Orwell người Anh từng nói: “Tư duy nông cạn sẽ khiến cho ngôn ngữ của bạn trở nên thô lỗ và mất đi tính chính xác, còn ngôn ngữ tùy ý và mất trật tự lại khiến cho tư tưởng của bạn trở nên thiển cận, kém cỏi“.
Bạn có bao giờ nghĩ đến cho dù người khác có lựa chọn như thế nào thì cũng là chuyện của họ, tại sao phải vô duyên vô cớ chịu sự phê bình, chỉ trích của bạn? Chỉ cần gặp phải người mình thích hay đồ vật mình ưng ý thì đều không ngừng khen ngợi và tâng bốc chúng, ngược lại nếu chán ghét thì liên tục chê bai, chỉ trích.
Tự cho rằng bản thân “công bằng”, “chính nghĩa”, “đạo đức” liền dùng cái nhìn phiến diện của bản thân định sẵn cho đối phương khuôn mẫu, còn thích phóng đại cảm xúc của bản thân, cuối cùng đi tới đâu cũng nhìn người khác không thuận mắt.
Một người thật sự chín chắn là khi họ biết nhìn lại bản thân mình chứ không phải luôn đi soi mói người khác, những người càng không chín chắn càng cảm thấy người khác không thuận mắt mình.
Người hay phê bình người khác thì tính cách hay tiêu cực và khó cảm nhận được giá trị của hạnh phúc, cũng như rất khó để thu hút may mắn và thành công.
Một người em họ xa của tôi vừa tốt nghiệp học viện mỹ thuật, lúc ở quê nhà làm thư ký cho một công ty nhỏ, mới làm việc không đến nửa năm đã gọi điện thoại oán trách với tôi, cái gì cũng không hài lòng. Em họ nói nó nhìn không quen hành động chậm chạp của ông Lý, mỗi ngày đều nhìn thấy ông ấy bày biện hoa cỏ.
Em cũng không thích kế toán Phương ở phòng làm việc bên cạnh, suốt ngày ăn mặc sặc sỡ, càng không chịu nổi Tiểu Lưu đến trước nó mới nửa năm mà cả ngày đều thảnh thơi hơn nó.
Cậu em họ này chỉ mới làm mấy tháng đã xảy ra vấn đề. Hôm đó công ty có việc nên muốn cậu đến bàn bạc, nhưng chỉ vì không vừa lòng một vị đồng nghiệp nào đó mà nó trì hoãn, không chịu đến cuối cùng bị sếp trách phạt. Tuy vậy dù thời gian lâu rồi nhưng cậu em họ này vẫn luôn phàn nàn, nói bản thân ở nơi này không có đất dụng võ.
Khi tôi đưa ra ý kiến, nó hoàn toàn không thèm suy nghĩ, chỉ lo phàn nàn, chê bai. Tôi nói với nó: “Cậu là người mới, lúc nào cũng phải chú trọng vào công việc, cũng nên tôn trọng tiền bối, đừng có suốt ngày đều nói những chuyện này, làm nhiều một chút, bớt phàn nàn lại đi“.
Không ngờ cậu em họ này lập tức nói: “Đây rõ ràng là ỷ thế hiếp người, tự cho bản thân mình ở trên cao nên bắt nạt người khác“.
Tôi khuyên: “Nếu như cậu ở đây đã không vui vẻ gì, không bằng đến thành phố lớn, xin vào công ty lớn làm việc, thay đổi hiện trạng xem thử thế nào?”.
Ai ngờ, cậu em họ này lại trả lời như vậy: “Chị nên biết rõ tình hình, theo như em biết thì bây giờ ở các thành phố lớn con người rất vô tình, tiết tấu sống quá nhanh. Đại đa số những người lên thành phố lớn đều trở về rồi, điều này nói rõ không nên đến những thành phố lớn”.
Thật sự mà nói cậu em họ này của tôi chưa từng sống ở các thành phố lớn cho dù là một ngày. Hơn nữa mọi đề nghị của tôi nó đều không lọt tai. Nó luôn nhìn không thuận mắt tất cả mọi người trong đơn vị, lại còn cố chấp cho rằng tất cả mọi người đang đối đầu với nó, chỉ biết giam bản thân ở thế giới riêng, trong mắt không thể dung nổi một hạt cát.
Người không giống với bạn không có nghĩa là họ sai
Linklater là người dẫn chương trình ở Mỹ từng nói: “Suy nghĩ của người khác không giống với bạn”. Người càng không chín chắn càng cho rằng bản thân là trung tâm, cảm thấy giá trị quan của bản thân là duy nhất. Vì vậy khi người nào đó có ý kiến khác với họ, thì đều là sai và thấp kém. Thật ra khi bạn tôn trọng người khác cũng chính là đang tôn trọng bản thân mình, làm được như vậy mới thật sự chín chắn.
Các nhà tâm lý học nghiên cứu cho biết: “Nhìn người khác không thuận mắt là một cách lấy những điều bản thân cảm thấy tốt đẹp làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Nhưng suy cho cùng kết quả chính là tự tạo ra khoảng trống trong tâm lý chính mình, và suy nghĩ không đúng đắn, không biết tâm trí của bản thân không đủ chín chắn”.
Làm thế nào để loại bỏ, giảm bớt chướng ngại “Nhìn người khác không thuận mắt”?
Việc “nhìn người khác không thuận mắt” sẽ tạo ra chướng ngại trong mối quan hệ giữa người với người? Các nhà tâm lý học đã cho một số lời khuyên:
Tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau
Trong các mối quan hệ khác nhau, gặp được nhiều người có tính cách và điều kiện khác nhau, từ họ bạn sẽ học được nhiều thứ mới mẻ. Khi kiến thức của bạn được mở rộng thì thế giới trong mắt cũng sẽ trở nên rộng lớn hơn. Đối với bất kỳ chuyện gì cũng cần bao dung, tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau, cũng có thể khiến cho bạn mở mang tầm mắt.
Chấp nhận giá trị quan của người khác cũng như của thời đại
Tự cho bản thân là trung tâm chỉ khiến cho thế giới của bạn trở nên nhỏ bé, khi bạn chấp nhận giá trị quan của người khác mới khiến cho mối quan hệ giữa người và người càng thêm gần gũi, còn có thể học được cách thay đổi vị trí suy nghĩ, nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau.
Không nên tùy ý chỉ trích, phê bình người khác
Cổ nhân có câu “Tử phi ngư, an tri ngư phi lạc” tức là “Mỗi người đều có tình cảm và suy nghĩ của riêng mình, mà người khác sẽ khó hiểu được”. Khi bạn không hiểu gì về người khác, thì không nên tùy tiện đánh giá và đưa ra kết luận, càng không nên dùng ánh mắt mang theo bình luận quan sát xung quanh. Bạn chỉ cần sống tốt cuộc sống của mình, còn việc của người khác không cần bạn phải nhiều lời quan tâm.
Duy trì khoảng cách, tôn trọng nhưng không cần quá gần gũi
Khi bạn không vừa lòng người khác thì bản thân đã không đúng, tại sao còn muốn người khác sai giống bạn? Vì vậy nên bảo trì khoảng cách thích hợp thoải mái khi giao tiếp sẽ tạo được sự tôn trọng cho đôi bên.
Có người từng nói: “Sự chín chắn chân chính được hình thành từ tính cách độc lập, thật ra tôi phát hiện nó là kết quả nhận được và sự thu hoạch phong phú trên tinh thần”.
Sự chín chắn của một người không phải do vấn đề tuổi tác quyết định mà là đứng ở vị trí xa xem xét vấn đề toàn diện một cách tích cực.
Người ta thường nói: “Bớt đi một kẻ thù thì giống như có thêm một người bạn” hay “Người có năng lượng tích cực thì luôn tạo được sự thu hút và may mắn”. Vậy nên khi chúng ta luôn dùng con mắt nhân ái từ bi để nhìn mọi người thì cuộc sống sẽ tràn đầy năng lượng và nhiều người muốn làm bạn với ta, điều đó chẳng phải thật hạnh phúc hay sao? Vậy thì cớ gì phải luôn “nhìn người khác không thuận mắt” để bỏ lỡ đi niềm vui này!
Tuệ Tâm (s/t)